Trong vài giây đầu tiếp xúc, bạn sẽ có ngay ấn tượng và đánh giá về người đối diện. Đó chính là những ấn tượng ban đầu đặc biệt quan trọng.
Việc tạo “dấu ấn khó phai” trong cuộc điện thoại đầu tiên chẳng những không thể xem thường, mà còn rất cần thiết nếu bạn hy vọng người ấy sẽ cho mình cơ hội tiến xa hơn nữa. Rất nhiều thông tin tiềm ẩn được truyền tải qua những giây phút giao tiếp đầu tiên, vì vậy, bạn hãy tận dụng từng thời khắc quý báu này để chinh phục người nghe.

Chuẩn bị trước điều mình muốn nói

Trước khi gọi điện, bạn hãy vạch sẵn những gì mình cần nói, nhất đây là cuộc gọi đầu lại càng cần thiết. Nếu không chuẩn bị trước, bạn dễ lâm vào tình trạng “gà mắc tóc”, hễ căng thẳng một chút là quên mất thông tin cần truyền đạt. Nàng sẽ nghĩ sao nếu bạn cứ ấp úng mãi chẳng thành lời. Để tránh tình huống khó xử, bạn nên “thủ sẵn” tờ “đề cương”, nếu trót quên điểm gì có thể bổ sung ngay không lo bị động.

Firstdatesmall-560x387 (1)Việc tạo ấn tượng tốt với người khác giới trong lần hẹn đầu tiên vô cùng quan trọng.

Chọn thời điểm thuận tiện

Làm tốt khâu chuẩn bị tâm lý, bạn có thể nhấc điện thoại được rồi, nhưng cần lưu ý một điều, đó là thời điểm gọi có thuận lợi để người ta nhận điện thoại hay không. Nên tránh gọi vào sáng sớm, đêm khuya, giờ ăn hay lúc tivi đang phát chương trình truyền hình trực tiếp đình đám nào đó.

Bình tĩnh mở lời

Hãy bình tĩnh mở lời, ăn nói thật tự nhiên, đừng để người nghe dè chừng vì thấy bạn cứ “mắc nghẹn” thật kỳ quặc. Dù có “bối rối tơ lòng” cũng phải nói một cách chậm rãi, rõ ràng những lời gợi mở câu chuyện. Điều quan trọng là bạn gợi được chủ đề mà người nghe có cảm hứng. Nếu nói theo kiểu hỏi – đáp, chắc chắn câu chuyện sẽ nhanh chóng rơi vào ngõ cụt.

Mạnh dạn nói ra ý định

Khi câu chuyện diễn ra thuận lợi theo sự chuẩn bị, nhất định bạn phải nói lên ý định của việc gọi điện. Lúc này bạn có thể cảm thấy khó nói, lo “đối tượng” từ chối, điều quan trọng là phải giữ bình tĩnh, tránh nói ấp úng là được. Nếu cảm nhận thấy thái độ chưa thực sự mặn mà của người nghe, bạn không nên “tấn công” tiếp bằng một cuộc hẹn gặp, mà chỉ nên nhã nhặn xin một cuộc gọi tiếp sau khi đã gửi “thông điệp” qua e-mail.

Chuyện dài nói ngắn

Bất kể cuối cùng mục đích cuộc gọi có đạt được hay không thì khi nói xong trọng tâm, bạn cũng nên chủ động ngắt điện thoại. Tránh nói dài, dễ để lộ điểm yếu của bạn. Nếu khiến người nghe đọng lại ý nghĩ bạn sẽ còn nhiều thông tin đáng nghe, nhưng thời gian có hạn nên đã chủ động “tạm dừng” thì càng hay. Điểm này có thể trở thành chủ đề dẫn chuyện cho lần gặp sau!

Nguồn: Khôi Nguyên/Thời Trang Trẻ

Bệnh viện Hạnh Phúc