Trong cuộc sống không ít những người bất hạnh, khiếm khuyết về hình thức. Họ luôn phải gánh cái gánh đời nặng hơn nhiều người khác và tùy theo cách nhìn của cộng đồng sẽ làm cái gánh ấy vơi đi hay nặng thêm.
Có câu nói: “Người tàn tật không bao giờ được như ta, nhưng chúng ta bất cứ lúc nào cũng có thể trở thành người tàn tật”, song song đó câu răn dạy của người xưa: “Bảy mươi chưa què, chớ khoe mình lành”, hàm ý bất hạnh có thể giáng xuống cuộc đời bất cứ ai. Một cái nhìn chia sẻ và cảm thông dành cho người khuyết tật sẽ khiến cái gánh của họ vơi đi, dễ hòa nhập và không cảm thấy làm phiền người chung quanh.
Có câu chuyện gây phẫn nộ cho người đọc, trên mục tâm sự của một tờ báo, kể về người phụ nữ bị tật nguyền, suốt ngày bị người chồng xúc phạm, đem nỗi bất hạnh ấy ra nguyền rủa. Rồi cách đây không lâu trên một chương trình giải trí có một vở kịch ngắn, nội dung kể về hai người bị tật nơi chân tìm đến và yêu nhau. Khi đến với nhau người này không biết người kia bị tật giống mình. Xen vào cảnh hai người yêu nhau phải dàn xếp sao cho những động tác đi đứng của mình không bị phát hiện là cảnh hai ông bà già khiếm thị, lần mò tìm đến chiếc ghế trong công viên để ngồi. Một chương trình gây cười rất phản cảm. Đáng buồn hơn, trong vở kịch ấy có lồng những tràng cười của khán giả. Tại sao lại vô tâm chế giễu sự khó khăn trong sinh hoạt của người tàn tật? Người lành lặn đi vào đời bằng đôi chân bình thường còn chật vật, khó khăn, sao lại nhạo báng người đi vào đời bằng đôi chân khuyết tật? Xem hết vở kịch, khán giả vẫn không hiểu người ta muốn nói gì, gởi gắm gì qua đó. Chỉ đọng lại là nỗi buồn và thất vọng với câu hỏi vì sao lấy sự tàn tật của người bất hạnh ra để mua vui?
Sự văn minh và tính nhân văn của con người được thể hiện thông qua những điều rất nhỏ nhặt. Chẳng hạn mỗi buổi sáng vào khung giờ nhất định, người ta thường thấy một người khuyết tật ngồi trên xe lăn băng qua một ngã tư; từ bên kia đường, một người nước ngoài cũng băng qua. Họ gặp nhau trên vỉa hè. Ngày nào cũng vậy, người nước ngoài ấy dừng lại, bắt tay người ngồi trên xe lăn, họ trao đổi với nhau một vài câu quen thuộc “chào buổi sáng”, “khỏe không”… rồi đi về hai hướng, xe lăn theo hướng chợ, người nước ngoài đi ra biển. Người đi đường chứng kiến cảnh ấy không biết họ thân nhau hay chỉ quen sơ, nhưng qua cách chào hỏi đặc biệt ấy sẽ cảm nhận rõ sự chan hòa và thân thiện của một người nước ngoài đối với một người khuyết tật. Không khách sáo, không làm dáng màu mè mà là sự chân tình, vui vẻ. Điều quan trọng là hai nụ cười hoàn toàn bình đẳng.
Một dạo, trên báo địa phương ở một thành phố biển lên tiếng về việc vỉa hè không có lối đi dành cho người dùng xe lăn hay xe đẩy, toàn bộ vỉa hè đi bộ đều có gờ thẳng đứng khoảng 20cm. Vậy là phải sửa sai, đập lại và làm xuôi xuống ở các lối đi theo quy định. Người ta mới thắc mắc tại sao trong thiết kế thì có nhưng khi thi công lại không có, mới vỡ lẽ là nhằm tránh việc xe máy leo lên lề đường dành đi bộ!
Một người kể chuyện, ngày xưa mẹ chị thường hay nói: “Bàn tay năm ngón có ngón ngắn, ngón dài/Con trong nhà có đứa khôn đứa dại/Đứa khôn được gia đình trọng đãi/Đứa dại thì thân tộc rẻ khinh/Mấy ai xét kỹ thân tình mà để ý thương giùm đứa dại/Bởi nó gánh những điều tai hại cho tất cả gia đình/Nên rẻ thì chẳng rẻ khinh mà lại còn thêm tội nghiệp”. Là cách mẹ chị răn dạy các con phải biết chia sẻ với người bất hạnh hơn mình, không nên phân biệt hay có cư xử không phải với người tàn tật mà phải biết giúp đỡ họ đó mới là đạo lý làm người. Thấy một người khiếm thị lò dò cây gậy qua đường, nên nhanh chóng tiến đến giúp đỡ người ấy tránh xe cộ. Lên xe buýt phải biết nhường ghế cho người khuyết tật, phụ nữ có thai, người già… Những điều ấy thành phản xạ tự nhiên ra ngoài xã hội khi gặp người khó khăn hơn mình, chia sẻ với người bất hạnh… Trong giao tiếp “mạng ảo” lại càng phải lưu ý, nhiều khi một cái “like” hay lời bình luận vô tình cũng khiến người bất hạnh tủi thân. Chỉ cần thử đặt mình vào vị trí người ấy, sẽ có ngay sự cảm nhận…
Theo Kim Duy (Doanh nhân Sài Gòn cuối tuần)