Không biết anh cháu bị chài hay cái phúc của chị ấy to mà vớ được anh, chị ấy như vớ được mỏ vàng. Chị đẹp lên, quá đẹp, sinh cho anh cháu con trai rồi con gái. Giờ thì chị ngồi không làm ma-nơ-canh cho bác sĩ chồng làm ra tiền.
Cô kính mến!
Bố mẹ cháu chỉ có hai anh em. Cả nhà theo đạo, bởi bà nội toàn tòng. Cô biết không, ngày trước mà gốc gác như này, bố cháu không được làm gì cả, lăng quăng việc xóm kiêm việc xứ, người ta cần người như bố cháu làm cầu nối cho địa phương. Nhờ bố không phải đi quân đội, có nghề truyền thống, mẹ giỏi giang ngoan đạo chân chỉ, anh em cháu được lên thủ đô ăn học đến nơi đến chốn.
Có bàn tay khéo léo di truyền, anh của cháu thành bác sĩ giải phẫu. Hồi ấy bác sĩ thẩm mỹ chưa chính thức xuất hiện rầm rộ như mười năm trở lại đây, anh cháu được nhóm bạn kêu làm thêm. Sau này những người bạn ấy nói với cháu rằng, anh của em sinh ra để giàu nhờ hai bàn tay kỳ lạ. Anh cần kiệm, có hiếu, bố mẹ xây nhà đẹp ở làng, anh còn góp tiền cho nhà thờ, cho xứ đạo để chăm sóc gia đình giáo dân nghèo, những đứa trẻ bất hạnh.
Thấm thoát tuổi ba mươi của anh trôi vèo. Bố mẹ nhắc anh tuổi tác, anh bảo nghề này vẫn phải tự học, bạc tóc mới thôi, thời gian ở bệnh viện quay cuồng, ăn còn không kịp. Năm 35 tuổi anh gặp chị dâu cháu bây giờ, người nhìn qua cũng biết chị là đàn bà, lai lịch chắc là không dám tiết lộ hết. Nhưng chị đẹp, vẻ đẹp ma mị, quyến rũ, chết người. Lần đầu anh đưa chị ấy đến chỗ cháu, nhìn thấy cháu đã lịm người và cũng nghĩ, chết rồi, anh mình sa vào đây để chết à?
Đám cưới nhanh, chị không chịu đi đạo nhưng vì bố cháu là người có công với xứ, anh cũng có tiếng nên vẫn diễn ra theo nghi thức nhà thờ. Hóa ra chị đã từng một lần chồng nhưng không có cưới cô ạ, chị cũng về nhà người ta sống nhưng gã này nghiện, chị bỏ. Cái gánh của chị ấy mới khủng, anh cả và em trai đều lông bông, bố mẹ bỏ nhau từ khi ba anh em còn bé, mẹ đi lấy chồng, bố gà trống nuôi con nhờ hậu phương là bà nội. Khi bà nội mất, bầy cháu tan tác.
Không biết anh cháu bị chài hay cái phúc của chị ấy to mà vớ được anh, chị ấy như vớ được mỏ vàng. Chị đẹp lên, quá đẹp, sinh cho anh cháu con trai rồi con gái. Giờ thì chị ngồi không làm ma-nơ-canh cho bác sĩ chồng làm ra tiền, nuôi bố vợ, bao bọc cả anh em vợ, cháu của vợ. Cũng may là chị ấy không quên bố mẹ chồng, nhưng bố mẹ cháu quen đạm bạc, không thích đi chơi, mua sắm. Chị ấy như một bà hoàng, hàng hiệu, xe hơi, trong khi anh cháu quần quật. Cháu xót anh nhưng không biết nói sao, chị là cái két sắt của anh, anh mê vợ con, quên bản thân mình, như cái máy, cháu lo nếu nghề ấy có sơ sẩy thì ai chịu đây?
———————
Cháu thân mến!
Cô nhớ một bộ phim Mỹ, người đàn ông đang khùng vì vợ cấm cho không đến nhà thăm con, anh ta đã dùng súng để xử lý dù chưa biết xử lý ai. Trên đường trốn chạy cảnh sát do cô vợ báo, anh ta đi qua một sân golf, nhảy qua hàng rào vào nhà một bác sĩ thẩm mỹ. Cảnh nhà ấy giàu khiến cô nhớ mãi và câu nói của nhân vật: “Sao bao giờ lũ bác sĩ này cũng sống trên mồ hôi xương máu của quân nhân như tôi vậy?” nhân vật đang nổi xung thiên là cựu binh.
Kể chuyện ấy để biết bác sĩ thẩm mỹ ở đâu cũng giàu nứt đố đổ vách. Mỹ cũng thế thôi. Người ăn không hết kẻ lần không ra. Nhưng cũng đâu phải họ lỗi gì, có điều xã hội khấm khá và số muốn hưởng thụ nhiều lên, nghề ấy thành hốt bạc. Buồn chăng là khi đứng trên cao nhìn xuống, bao người lóp ngóp mưu sinh, có người quá thừa tiền để nâng cao, chỉnh sửa, hoài hoài. Ở một tiệm tóc cô tình cờ biết một Việt kiều từ Mỹ năm nào cũng về VN để đại tu body, phải giống nàng Linda Kiều trên báo cô ta mới chịu, ấy là người nghiện dao kéo.
Rất may anh của cháu có bàn tay vàng. Không phải cứ phẫu thuật giỏi thì sẽ là bác sĩ thẩm mỹ có tiếng. Vì hốt ra bạc nên nhiều bác sĩ cũng làm chui, như vụ bác sĩ gì ấy lỡ tay (hay kém nghề) ở đường Giải Phóng HN và y ta đã phạm tội tù khi phi tang xác ấy. Nghề nào cũng có rủi ro, trong phúc có họa là vì vậy, bác sĩ phẩu càng dễ rủi ro.
Cháu có hờn ghen không khi thấy chị dâu sướng như bà hoàng? Phàm ở đời, bố mẹ sinh con, nhưng con sống với người nó yêu, nó chọn, nó gắn bó 24/24, vì vậy mà bao giờ các đệ nhất phu nhân cũng được biết đến chứ “đệ nhất bố mẹ” có ai biết đến? Anh của cháu cũng đã và đang phụng dưỡng bố mẹ, chăm lo phần nào cho giáo xứ để trả ân, âu cũng là rất được rồi. Có người giàu mà tệ lắm cơ.
Dù chị dâu là gì, từng là gì, miễn anh mình đang hạnh phúc thì nên mừng. Kệ anh cháu đi, có khi anh cháu đam mê nghề và cái trớn bánh xe tiền không dừng lại được. Thương anh thì nên đi lại, nhắc nhở anh thường xuyên giữ gìn sức khỏe, cẩn trọng từng ca và phải biết tiền đi đâu, được đầu tư gì. Nói chung, đời có số, không ai vút lên mãi và cũng không ai phải bò sát đất mãi.