Trước con số 174. 000 sinh viên tốt nghiệp các trường Đại Học, Cao Đẳng chưa tìm được việc làm, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Phạm Thị Hải Chuyền cho rằng: “Nhiều người cất bằng đại học đi làm công nhân thì cũng là việc làm. Đã đi làm, bất cứ việc gì cũng là vinh quang…”. Vấn đề này ngay sau đó đã gây nhiều ý kiến tranh cãi của dư luận, nhiều chuyên gia thẳng thắn cho rằng đây là sự lãng phí ghê gớm chứ không phải bình thường…
Cất bằng cử nhân, đi làm công nhân cũng… vinh quang
Mới đây, nhiều ĐBQH đã nêu câu hỏi về con số 174.000 sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng chưa tìm được việc làm, và yêu cầu Bộ trưởng LĐTB&XH, Phạm Thị Hải Chuyền cho biết ý kiến và giải pháp cụ thể.
Hiện có 174. 000 cử nhân không tìm được việc làm đúng chuyên môn, nhiều người phải cất bằng, chấp nhận làm công nhân.
“Không phải 174.000 người này đang ngồi chơi mà họ vẫn đang tìm việc làm để sống, nói thất nghiệp chỉ là không làm đúng ngành nghề đào tạo. Nhiều người đang đi làm ở các DN địa phương, cất bằng đại học làm công nhân thì cũng là việc làm. Đã đi làm, bất cứ việc gì cũng là vinh quang. Bộ sẽ cố gắng làm hết trách nhiệm để họ được làm đúng ngành nghề” – Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết.
Bộ LĐTB&XH cũng đã có chiến lược dạy nghề, dự luật dạy nghề, khuyến khích nhiều thành phần xã hội, DN trực tiếp tham gia, định hướng các ngành nghề chất lượng cao theo nhu cầu khu vực ASEAN, qui hoạch 40 trường chất lượng cao, 10 trường đạt chuẩn quốc tế, mua thiết bị, giáo trình phục vụ giáo viên…
Tuy nhiên, ý kiến của Bộ Trưởng Phạm Thị Hải Chuyền về con số 174. 000 sinh viên tốt nghiệp ra trường đang thất nghiệp, có người phải cất bằng cử nhân đi làm công nhân… cũng là vinh quang, đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận. Theo đó, cần phải nhìn nhận thực trạng này là rất đáng buồn, chứ không thể nhìn nhận ở góc độ “bình thường” như thế thược. Phải nhìn thẳng vào sự thật rằng giáo dục của chúng ta đang có vấn đề nghiêm trọng – đào tạo mà không sử dụng, đã làm lãng phí thời gian, tiền của của xã hội.
“Bình thường” và “bất thường”…
Trao đổi với PetroTimes, TS. Lê Trường Tùng, Chủ tịch HĐQT Đại học FPT cho rằng: Vấn đề thất nghiệp, bản thân người học, các trường đào tạo, và những nhà quản lý đều không muốn, nhưng thực tế nó vẫn xảy ra.
“Thực ra, Bộ trưởng LĐTB&XH không chịu trách nhiệm về chất lượng đào tạo, nên trả lời chất vấn của ĐBQH trước con số 174 nghìn người có bằng cử nhân không kiếm được công việc đúng chuyên ngành đào tạo, nhiều người phải cất bằng cử nhân chấp nhận làm công nhân. Nếu xét ở góc độ quản lý vấn đề lao động việc làm, thì rõ ràng tìm được công việc (cho dù không đúng chuyên môn) vẫn tốt hơn là ôm bằng cử nhân, cam chịu thất nghiệp” – TS. Lê Trường Tùng nói.
TS. Lê Trường Tùng, Chủ tịch HĐQT ĐH FPT.
Giải đáp câu hỏi vì sao nhiều người có bằng cử nhân, đại học lại không tìm được công việc đúng trình độ và chuyên môn, lại là vấn đề khác, TS. Lê Trường Tùng cho rằng: Có thể do chất lượng, nội dung và số lượng đào tạo không phù hợp với nhu cầu phát triển nhân lực đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội.
Thứ nhất, có đúng là chất lượng đào tạo không phù hợp hay không? Chắc chắn là có vấn đề, bởi thực tế cho thấy có một khoảng cách không nhỏ giữa nội dung đào tạo ở trường, kỹ năng, tri thức mà học sinh nhận được so với nhu cầu sử dụng lao động ngoài xã hội. Nguyên nhân này, việc khắc phục không hề đơn giản, vì liên quan đến cả hệ thống giáo dục sẽ phải thay đổi điều chỉnh chương trình giảng dạy… Với sự phát triển rất nhanh của công nghệ, của kinh tế xã hội hiện nay, trong khi chương trình đào tạo của nhiều trường lại lạc hậu.
Thứ hai, liệu có phải chúng ta đang đào tạo quá nhiều ĐH hay không? Hiện tại, nếu căn cứ trên số liệu hàng năm các em vào đại học nhiều hơn là số em đi học nghề, trong khi số lượng sinh viên đại học ra trường thất nghiệp, thì thấy rằng dường như số lượng đào tạo đại học đã nhiều. Nhưng nếu so sánh tỷ lệ học đại học của VN so với các nước khác thì mình vẫn đang thấp, dường như phải tăng nữa cũng mới bình thường.
Theo TS. Lê Trường Tùng, vấn đề rất nan giải hiện nay là làm thế nào để rạch ròi tâm lý chuộng bằng cấp. Mặt khác, hiện vấn đề định hướng nghề nghiệp của chúng ta đang rất yếu và phần lớn các em học sinh sinh viên chọn trường trước khi chọn nghề.
TS Hoàng Ngọc Vinh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp – Bộ GD&ĐT.
Ngay từ khi lựa chọn trường học, đến khi ngồi trên giảng đường, nhiều sinh viên cũng không hình dung được sau này mình sẽ làm gì, có tâm lý cứ học xong rồi… tính sau. Nhiều người ngây thơ nghĩ rằng, cứ có bằng ĐH thì đương nhiên sẽ kiếm được việc làm. Thực tế, khi không trả lời được câu hỏi sau này mình làm gì, thì cũng không trả lời được đến trường… để học cái gì, trong khi vấn đề định hướng nghề nghiệp cho các em từ phía gia đình, nhà trường và cơ quan chức năng cũng rất hạn chế. Khi sản phẩm giáo dục không đáp ứng được nhu cầu của chủ sử dụng lao động thì tình trạng cử nhân thất nghiệp nhiều cũng là dễ hiểu.
Cùng bàn về vấn đề trên, TS Hoàng Ngọc Vinh (Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp Bộ GD-ĐT) cho rằng: Cất bằng đại học đi làm công nhân không thể là vinh quang, thậm chí nếu coi là bình thường cũng không ổn. Đó chỉ là minh chứng đầy đủ và chua xót cho tình trạng nhân lực cung vượt quá cầu và chất lượng đào tạo đang thật sự có vấn đề.
Đào tạo trình độ cử nhân phải để người tốt nghiệp có tri thức, kỹ năng, phẩm chất làm được những công việc tương ứng trình độ đào tạo, chứ không phải để làm công nhân. Sự bất bình thường này đến từ nhiều nguyên nhân. Khi nguồn cung trình độ ĐH vượt quá cầu thì doanh nghiệp sẽ “mua” sức lao động dưới giá trị của nó.
“Không ít ý kiến cho rằng để tránh lãng phí tiền bạc của gia đình, đầu tư của xã hội, công sức, trí tuệ và thời gian của chính người học không thì phải hạn chế ngay quy mô giáo dục ĐH. Song thực tế, tỉ lệ lao động trong độ tuổi có trình độ ĐH của Việt Nam còn rất thấp so với thế giới. Ai đó nói chúng ta “thừa thầy, thiếu thợ” cũng không thật chuẩn”, TS Vinh nói.
Cũng theo TS Vinh, thực tế, chúng ta mới chỉ có khoảng 6% người lao động có trình độ ĐH và trên ĐH, trong khi đó có đến trên 84% lao động chưa có trình độ chuyên môn kỹ thuật. Ở các nước công nghiệp phát triển, tỉ lệ việc làm đòi hỏi trình độ ĐH và trên ĐH vào khoảng trên 30% (Hoa Kỳ dự báo năm 2020 sẽ là 35%).
Lao động tốt nghiệp ĐH có thể xem là vốn rất quý của quốc gia cần phải được khai thác hiệu quả. Đối với các trường ĐH, bên cạnh đổi mới chương trình, cần có học phần về khởi sự kinh doanh (hay khởi tạo doanh nghiệp) để người tốt nghiệp có thêm năng lực tạo dựng doanh nghiệp và lập nghiệp, vừa tạo việc làm cho bản thân và cho người khác. Điều này cũng đòi hỏi Chính phủ có chính sách hỗ trợ về vốn cho những người tốt nghiệp ĐH muốn trở thành doanh nhân.
Ngoài ra, phải nâng cao hiệu quả dự báo và thông tin thị trường lao động. Bộ Lao động – thương binh và xã hội phải chịu trách nhiệm để đưa ra những tín hiệu thị trường lao động, giúp các trường, người học định hướng cho mình.
“Riêng với Vụ Giáo dục chuyên nghiệp Bộ GD-ĐT, để thúc đẩy phân luồng sớm, phân luồng đúng, chúng tôi đang chỉ đạo các trường phải làm mọi cách nâng cao tính hấp dẫn của chương trình đào tạo, sắp xếp trình tự các học phần để ngay năm thứ nhất người học đã có thể được học kỹ năng nghề nghiệp” – TS Hoàng Ngọc Vinh cho biết thêm.
Thảo Phượng
Theo Năng Lượng Mới/Petrotimes.vn