Cứ như em thì các hãng thời trang… chết hết. Em không thấy cô Hường, chị Mai… và “đám bạn thể dục” của em đó sao, họ may váy áo liên tục. Bà nào cô nào cũng diện “ngất trời mây”.
Phải đến khi anh xã nhận xét thế, cô vợ mới “xem xét” lại. Mà sao trái quy luật như vậy? Theo lẽ thường thì anh chồng không bao giờ “khuyến khích” hay nhận xét như thế. Đó thường là lý lẽ biện hộ cho thói may sắm của phụ nữ thôi.
Bây giờ đến cô ôsin cũng diện như… bà hoàng rồi, hay nói cho bớt cường điệu một chút, thì nhiều cô ăn mặc chẳng thua gì bà chủ nhà. Cô ta cũng mua đồ mới liên tục. Những ôsin già tằn tiện và tự chấp nhận nghề nghiệp, còn các ôsin trẻ chẳng mấy ai chịu thua kém.
Nhưng ăn mặc và thời trang, oái oăm thay, lại là thứ… chẳng có quy luật gì. Các nhà thiết kế cứ việc phản bác về quy luật thẩm mỹ này nọ, nhưng đã có câu nói của nhà thiết kế Coco Chanel nổi tiếng thế giới đây rồi: “Thời trang được tạo ra là để… không hợp mốt”.
Thế nên, ăn mặc thời nay là… tự do.
Vợ kể chuyến đi công việc vừa rồi cùng cơ quan. Lạ thật, em chỉ có một túi đeo vai đựng giấy tờ, điện thoại, một túi du lịch loại vừa đựng vài bộ quần áo thuốc men và cái máy tính nữa là đủ. Vậy mà không hiểu các cô bạn em đựng gì mà ngoài mấy cái túi ra, còn cả một cái vali kéo khổng lồ.
Đi xong rồi mới giải thích được “nội dung” của cái vali túi gói cồng kềnh ấy gồm những gì.
Mình thì bộ đi đường, dành để hôm về mặc lại, vậy là một bộ. Hai ngày hoạt động, có hội thảo phải chỉnh tề đem theo bộ đẹp. Bữa sau nữa hoạt động dã ngoại, quần jeans áo pull. Thêm cái sơmi đẹp phối đồ nữa là quá chuẩn rồi. Vậy mà mình giản dị quá, “hóa đơn sơ” giữa các quý bà quý cô váy áo, ngày thay hai bộ sáng chiều, tối lại váy hoa sặc sỡ đi ăn.
Cô bạn chung phòng vừa đến nơi là xếp ra trên kệ “cả một cửa hàng tạp hóa” nào son phấn dưỡng môi dưỡng da, ống to tuýp nhỏ. Váy lòe xòe rồi còn thêm cái khăn quàng “không thể dài hơn” chấm xuống gần mũi giày, cứ là bay phấp phới.
Mà cô ta “chiếm đóng” cái toilet lâu lắm. Tắm kỹ, trang điểm cả giờ, mệt ơi là mệt.
Mấy bạn “hội thể dục, nhảy đầm” nữa, tốc độ mới kinh khủng. Thoắt một cái lại thay bộ đầm mới. Lý lẽ đưa ra là: “Vải vóc bây giờ rẻ, đẹp và nhiều quá, không diện cũng uổng”. Thấy chị kia suốt đời quần tây hoặc quần jeans áo sơmi, mặc rộng thì liền bị đưa ra để “phân tích”:
Đồ jeans đâu có lịch sự. Mặc rộng chẳng thấy eo ót đâu cả, như cái thùng nước lèo.
Rồi một cô phát hiện: Em thấy bây giờ mới có kiểu sơmi nhưng dài tới chân, váy mà không phải váy, mấy cô Hàn Quốc mặc đẹp mà model lắm.
Vậy là lập tức “cho lên đường” những cái váy kiểu xưa, dù mới may. Mà đi làm từ thiện bây giờ ở vùng núi xa xôi nào không biết, chứ ở các tỉnh thành, người nghèo cũng chẳng còn ham. Có cho cô ôsin thì cô ấy cũng chẳng thèm, vì mode của cô là các đồ bộ bằng thun hoa lá sặc sỡ bán đầy chợ, vài chục ngàn đồng một bộ mới tinh.
Nghĩa là không tồn tại khái niệm giản dị nữa nhé. Model mà giản dị càng khó. Lứa trẻ thì phải tạo khác biệt mới chịu. Cao hơn chút nữa, hiểu biết thời trang hâm mộ sao “sâu bít” thì càng khó. Cãi nhau hiểu thế nào là “Fashionista”, người nói đó là cảm nhận đam mê, đồ độc lạ, hàng hiệu đắt tiền, người lại tự tin khẳng định là có gu riêng…
Và thế là, các cửa hàng may, tiệm vải, hãng thời trang ngày càng phát triển. Giản dị bây giờ khó quá. Bởi, càng “già” (dù chỉ hơn năm ngoái một tuổi, hai mươi lên hai mốt tuổi chẳng hạn, cũng là… già đi), càng phải diện… Không diện, lấy đâu ra phát triển kinh tế?
Vậy nên đố ai giản dị được thời nay?
- Quảng Yên
Nguồn: Doanh nhân Sài Gòn cuối tuần