Tỉ suất sinh của TPHCM đang ở mức rất thấp. Do vậy đây là một trong những trọng tâm truyền thông về công tác dân số trên địa bàn Thành phố.
Thông tin được chia sẻ tại Hội nghị tổng kết công tác dân số năm 2022 trên địa bàn TPHCM được tổ chức ngày 23/12.
Theo ông Phạm Chánh Trung, Chi cục trưởng Chi cục Dân số và Kế hoạch hoá gia đình TPHCM, tỉ suất sinh của TPHCM hiện nay là 1,39 con/phụ nữ, trong nhóm 21 địa phương có mức sinh thấp. Thậm chí, tỉ suất sinh của TPHCM thấp hơn với mức sinh thay thế của cả nước.
Mức sinh thấp kéo dài sẽ để lại nhiều hệ lụy như làm cho quá trình già hóa dân số diễn ra nhanh hơn, thiếu hụt nguồn lao động, ảnh hưởng đến an sinh xã hội…
Bên cạnh đó, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh đang được kiểm soát, tuy nhiên nếu không tiếp tục duy trì các giải pháp can thiệp hiệu quả thì chênh lệch giới tính khi sinh vẫn có thể tăng trở lại trong thời gian tới.
Công tác tuyên truyền, giáo dục về dân số và kế hoạch hoá gia đình của TPHCM đã thay đổi các thông điệp truyền thông phù hợp với thực tế, hướng tới mục tiêu “Nâng cao chất lượng dân số để góp phần phát triển đất nước nhanh và bền vững”.
Cụ thể, với tình trạng mức sinh thấp, thay đổi thông điệp truyền thông từ vận động sinh ít con sang “Mỗi cặp vợ chồng sinh đủ hai con”; Tổ chức các hội thảo, toạ đàm cung cấp thông tin và ghi nhận các giải pháp giải quyết vấn đề mức sinh thấp…
Bên cạnh đó, ngành dân số cũng tham mưu trình HĐND TPHCM Dự thảo về chính sách dân số tại TPHCM đến năm 2030, trong đó tập trung các giải pháp vào việc hỗ trợ các cặp vợ chồng sinh đủ hai con, khuyến khích, khen thưởng các tập thể, cá nhân thực hiện tốt chính sách “sinh đủ hai con”.
Trong năm 2022, Chi cục Dân số và Kế hoạch hoá gia đình TPHCM đã thực hiện tốt công tác phối hợp liên ngành trong triển khai các hoạt động truyền thông – giáo dục về dân số với các sở, ngành, tổ chức đoàn thể. Triển khai có hiệu quả các mô hình truyền thông mới, trong đó có chương trình chiếu các poster tuyên truyền dân số tại các rạp chiếu phim, bệnh viện, cơ sở y tế công lập trên địa bàn Thành phố.
Ngoài ra, các chương trình truyền thông tư vấn sức khoẻ sinh sản được đa dạng nhiều hình thức để tiếp cận nhóm dân số trẻ như sinh viên, công nhân.
Ông Phạm Chánh Trung cho biết, Chi cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình Thành phố phối hợp cùng Ban quản lý, Công Đoàn các Khu chế xuất và công nghiệp tổ chức 14 chương trình khám ngoại viện tầm soát các bệnh lý phụ khoa cho 2.140 nữ công nhân.
Các hoạt động đã nêu góp phần cung cấp kiến thức, thay đổi hành vi, tăng cường và cải thiện sức khỏe sinh sản cho nhóm dân số ưu tiên, trong nỗ lực kéo giảm tình trạng phá thai trong giới trẻ hiện nay.
Đối với các đề án, mô hình thuộc chương trình mục tiêu y tế – dân số, các đơn vị chức năng đã tổ chức 637 cuộc truyền thông về chuyên đề về kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh với 6.705 người tham gia; Phối hợp cán bộ tư pháp – hộ tịch tư vấn về quy định của pháp luật trong nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi, sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh, Tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn cho hơn 28.172 cặp nam, nữ thanh niên ra đăng ký kết hôn trong năm 2022; Triển khai các hoạt động chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, toàn thành phố có 140 câu lạc bộ “Người cao tuổi giúp người cao tuổi” với hơn 3.701 hội viên là người cao tuổi tham gia và 140 tổ tình nguyện viên với hơn người tham gia tình nguyện thực hiện chăm sóc, giúp đỡ cho hơn 1.957 người cao tuổi già yếu neo đơn tại cộng đồng.
Năm 2022, có gần 450.000 người cao tuổi trên địa bàn TPHCM được lập hồ sơ khám sức khỏe định kỳ, vượt 15% so với năm 2021. Thành phố triển khai có hiệu quả chương trình tầm soát, chẩn đoán, điều trị bệnh, tật trước sinh và sơ sinh. Trong đó có trên 86% phụ nữ mang thai trên địa bàn Thành phố được được sàng lọc trước sinh; gần 84% trẻ sơ sinh được khám sàng lọc…
Việc nỗ lực giải quyết các nhóm vấn đề cấp thiết của công tác dân số tại TPHCM có ý nghĩa vô cùng quan trọng, góp phần ổn định quy mô, cơ cấu dân số Thành phố, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, tác động tích cực đến việc nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực cho sự phát triển của Thành phố trong tương lai.
Tất cả vì mục tiêu giải quyết tình trạng mức sinh thấp; kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh; tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng; thích ứng với già hóa dân số; phân bố dân số hợp lý; nâng cao chất lượng dân số nhằm góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của Thành phố.
Nguồn: Băng Tâm
https://tphcm.chinhphu.vn/cai-thien-muc-sinh-la-trong-tam-trong-truyen-thong-dan-so-101221224164757828.htm