Chia tay người yêu hai năm trước, chàng kỹ sư tên Tú trở nên vô hồn. Một cô gái được thuê để truyền lửa sống cho anh.

Đầu hè năm nay, anh Nguyễn Xuân Thiện – Giám đốc một công ty cung cấp dịch vụ tổ chức sự kiện có trụ sở chính ở Hà Nội – tiếp đón một cặp vợ chồng luống tuổi. Họ đều là những bậc trí thức đã nghỉ hưu ở Hà Nội. Sau một thoáng lưỡng lự, người đàn ông tóc bạc da mồi cất lời: “Tôi muốn công ty giới thiệu cho một cô nhân viên ngoan hiền và khéo léo, để làm bạn với con trai chúng tôi”.

Nói chuyện một hồi, anh Thiện biết được, con trai họ tên Hoàng Tú, năm nay đã 33 tuổi, vốn là kỹ sư xây dựng, nhưng bị trầm cảm 2 năm nay. Thời gian qua, anh sống khép kín, không giao lưu bạn bè, người thân, mặc dù hàng ngày vẫn được bố mẹ động viên đến công ty gia đình làm việc. Bố mẹ đã cho anh đi tham vấn vài nhà trị liệu tâm lý nhưng không hiệu quả.

Chuyện của Tú bắt nguồn từ cuộc tình năm 29 tuổi với một người phụ nữ đã có chồng con. Chỉ trong thời gian ngắn, bà Vân (mẹ Tú) thấy con trai mình trở nên mê muội, chỉ răm rắp nghe lời cô người yêu và còn xa lánh gia đình. Gia đình bà thuê người tìm hiểu thì biết cô gái kia từng sống rất buông thả, trước khi đến với con trai bà. Đến khi gia đình tách được Tú ra khỏi bạn gái, thì thần trí của anh trở nên đờ đẫn, không còn một chút nhuệ khí sống nào.

Vốn là một công ty cung cấp nhân lực, song anh Thiện không lựa được ai trong số các nữ nhân viên của mình đáp ứng được nhiệm vụ khó khăn này. Cuối cùng, anh đã chọn Hoa, vốn là trợ lý của anh, thường đảm nhận mảng tổ chức sự kiện của công ty. “Cô ấy ngoài vẻ ngoài xinh xắn, còn vô cùng khéo léo xử lý tình huống. Quan trọng nhất là tôi nhận thấy cô ấy làm việc gì cũng rất kiên trì”, anh Thiện nói thêm.

Kế hoạch tiếp cận chàng “thiếu gia” trầm cảm được vạch ra. Bước một, Hoa sẽ làm quen với anh Tú và thu hút sự hứng thú của anh. Bước hai, công ty lựa ra vài cô gái tốt nghiệp từ các trường đại học, ngoan hiền để anh Tú xem mắt.

Ảnh minh họa: naija.

Ảnh minh họa: naija.

Cuộc làm quen của Hoa bắt đầu. Ngày đầu tiên cô nhắn tin cho anh một câu chuyện cười: “Con chó nhỏ nói với con mèo nhỏ: Ngươi đoán xem trong cái túi trước mặt ta có mấy khối đường? Con mèo nhỏ nói: Đoán đúng rồi ngươi sẽ cho ta ăn sao? Con chó nhỏ gật gật đầu: Uhm, đoán đúng rồi tất cả đều cho ngươi! Con mèo nhỏ nuốt nuốt nước miếng nói: Ta đoán năm khối! Sau đó, con chó nhỏ cười đặt đường vào tay con mèo nhỏ, nói: Ta còn thiếu ngươi ba khối“.

Hoa không gửi các câu danh ngôn, triết lý về nghị lực sống hay dùng lời lẽ khích lệ Tú, bởi cô thấy với những người trầm cảm, các cách này sẽ phản tác dụng. Họ thừa biết phải vui, cười nhưng họ không làm được. Cô làm quen bằng các mẩu chuyện thú vị, hy vọng sẽ thu hút được sự chú ý của anh.

Ngày tiếp theo, cô lại gửi một tin nhắn: “Một ông già nói với tôi hôm nay khi tôi bước vào một cửa hàng bánh ngọt: ‘Đừng buồn, mọi thứ sẽ ổn thôi’. Dĩ nhiên tôi biết điều này, bởi tôi vừa mua cho mình một chiếc bánh ngọt”.

Ngày thứ ba, cô quyết định gửi một mẩu chuyện tình yêu xúc động: “Di động rung, có một tin nhắn: “Anh quyết định đi tỏ tình!”. Hắn cùng cô là bạn tốt, nhưng cô yêu hắn, “Ồ…Vậy anh cố lên”. “Anh đứng ngoài cửa nhà cô ấy đã lâu, nhưng không dám gõ cửa”.  “Đánh bạo gõ cửa đi!”. “Em nói cô ấy có đồng ý không?”. “Em không biết”. Cô buông di động, nước mắt rơi xuống không ngừng.

Di động lại rung, là điện thoại. Cô nghe… “Em mở cửa đi, anh vẫn không dám gõ cửa”.

Các tin nhắn gửi đúng vào một khung giờ tan sở. Sau ba ngày, Tú nhắn lại một tin: “Chuyện này thật sến”. Những ngày tiếp theo, anh vẫn chỉ đáp lại bằng một tin nhắn khiêm tốn: “Tôi nghĩ mãi mới ra”, hoặc “Bạn làm tôi cười vỡ bụng”…, nhưng như thế cũng đã đủ để Hoa cảm thấy thành công bước đầu.

Đột nhiên, ngày thứ mười Hoa không nhắn tin nữa. Hai ngày không nhận được những tin nhắn, Tú cảm thấy thiếu vắng. Cảm giác đó thôi thúc anh nhắn tin hỏi thăm. Cô trợ lý khéo léo viện cớ bị cảm, ở phòng trọ, một mình xoay xở… để thu hút sự quan tâm. Hoa kể về mình, một cô gái phải làm mẹ đơn thân từ năm 20 tuổi, vì bị bạn trai phụ bạc. Cô cũng kể về cách mình đã vượt qua cú sốc đó và làm lại cuộc đời hôm nay.

“Cậu Tú cảm thấy có mình trong câu chuyện của Hoa, đều là những người thất bại tình cảm, nên cởi mở lòng mình. Từ đó họ nhắn tin với nhau nhiều và hẹn sẽ gặp nhau sau khi Hoa khỏi ốm. Trong thời gian đó, công ty chúng tôi và gia đình cậu Tú đã bàn thảo về kế hoạch gặp mặt tiếp theo”, anh Thiện cho biết.

Họ gặp nhau sau khoảng 25 ngày kể từ thời điểm tin nhắn đầu tiên. Hoa dẫn Tú đi lượn những con phố ở Hà Nội, ăn những món ăn đường phố mà hai năm rồi anh không có tâm trạng thưởng thức. Cô còn dẫn anh đi gặp những người bạn thân của mình.

Khi thấy tình trạng của Tú đã bình thường trở lại, vợ chồng bà Vân chuyển sang bước thứ hai. Đó là giảm vai trò của Hoa, để Tú có thời gian đi xem mắt những cô gái mà gia đình đã lựa chọn.

“Cậu ấy đã đi gặp hai cô gái, đều là sinh viên sắp ra trường. Trong đó một cô thì gặp đến lần thứ hai. Song vì đã có tình cảm với Hoa, nên cậu ấy không muốn đi xem mặt nữa”, anh Thiện kể lại. Điều thú vị là, Hoa ban đầu chỉ nhận hợp đồng này vì công việc, nhưng dần dần cũng bị sự hiền lành và tình cảm chân thành của Tú chinh phục, dù thực tế cô đang có không ít người theo đuổi.

Biết chuyện tình cảm của đôi trẻ và xem qua gia cảnh của Hoa, một người mẹ đơn thân, 24 tuổi (con trai cô được ông bà ngoại mang ra nước ngoài nuôi), gia đình Tú đã đồng ý cho con trai tự do yêu thương. Sau 6 tháng yêu đương, đôi uyên ương đã tổ chức hôn lễ đúng Noel này.

Phan Dương

* Tên nhân vật đã thay đổi

 

Nguồn: Vnexpress

Bệnh viện Hạnh Phúc