Khả năng làm việc nhóm và giải quyết vấn đề là những kỹ năng được coi trọng trong doanh nghiệp Nhật Bản.Khả năng làm việc nhóm và giải quyết vấn đề là những kỹ năng được coi trọng trong doanh nghiệp Nhật Bản.

Theo đó, để bảo đảm chất lượng sản phẩm và dịch vụ chăm sóc khách hàng, các công ty Nhật Bản chú trọng nhất về khả năng giao tiếp, ngoại ngữ và kiến thức ngành học của ứng viên. Quy tắc ứng xử, khả năng làm việc nhóm và đạo đức hành nghề là sự quan tâm của hầu hết các doanh nghiệp Nhật Bản.

Theo GS Hayashida Eiji – Giám đốc văn phòng Hiệp hội các trường đào tạo kỹ thuật Nhật Bản (KOSEN) tại Việt Nam, các kỹ năng cần có được yêu cầu từ mức độ thấp, mức độ trung bình, mức độ cao và mức độ cao nhất, cùng với đó là các hạng mục tương ứng trong chương trình giáo dục.

Yêu cầu đầu tiên ứng viên phải có là kiến thức về an toàn và sức khỏe, nhận thức được hành vi, nỗ lực bền bỉ để đạt được mục đích, không trốn tránh công việc hoặc nhiệm vụ, không dễ dàng bỏ cuộc. Ứng xử cơ bản phải hiểu rõ vai trò của mình trong công ty. Sau cùng là kỹ năng thực hành, kinh nghiệm vận hành máy móc, thiết bị.

Kỹ năng cần ở mức độ trung bình, yêu cầu người lao động nhận  thức rõ vai trò của mình trong nhóm làm việc. Làm việc với tư cách là một thành viên của nhóm với thái độ chuyên nghiệp. Có khả năng giải thích những điều khó hiểu một cách dễ hiểu và logic bằng tiếng Việt. Có kiến thức cơ bản về khoa học, kỹ thuật để tiếp thu các công nghệ mới trong thực tế. Có khả năng phán đoán và lập kế hoạch nghề nghiệp với tư cách là một kỹ sư…

Đối với những kỹ năng cần ở mức độ cao, người lao động phải giao tiếp thuần thục bằng tiếng Anh hoặc tiếng Nhật, có kỹ năng quản lý của lãnh đạo trong quy trình sản xuất trên dây chuyền, cũng như quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn Nhật Bản.

Những yêu cầu kỹ năng nêu trên cho thấy, để có thể làm việc được trong môi trường doanh nghiệp Nhật Bản, người lao động cần được đào tạo một cách bài bản để trở thành những kỹ sư trong tương lai.

Đây cũng chính là mục tiêu hướng tới của mô hình đào tạo KOSEN, không chỉ đáp ứng những yêu cầu cơ bản của một nghề, mà còn tạo dựng nền tảng tư duy hệ thống, năng lực sáng tạo và giải quyết vấn đề cho người lao động.

Ông Vũ Xuân Hùng – Vụ trưởng Vụ Đào tạo Chính quy, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết: Chính sách đào tạo nghề của Nhật thể hiện rõ sự phân luồng sau trung học, đặc biệt với mô hình KOSEN cho phép học sinh vừa học văn hóa vừa học nghề.

Người học trình độ cao đẳng từ sau tốt nghiệp THCS hoặc sau tốt nghiệp THPT. Hệ thống cũng cho phép người học chuyển đổi sau giáo dục đại học để đáp ứng yêu cầu của người “kỹ sư thực hành”.

Theo chương trình hợp tác, hiện có ba trường cao đẳng tại Việt Nam đang thí điểm triển khai mô hình KOSEN. Trong đó, Trường Cao đẳng Công nghiệp Huế (HueIC) được phép triển khai mô hình KOSEN của Nhật Bản (mô hình 9+5) từ năm 2018, HueIC đã phối hợp với Hiệp hội KOSEN xây dựng Chương trình đào tạo “Mô hình KOSEN phiên bản Việt” nhằm đào tạo ra các kỹ sư có kỹ năng thực hành, có khả năng sáng tạo tương đương trình độ đại học trên cơ sở tham khảo các tiêu chuẩn của KOSEN và được vận dụng phù hợp với điều kiện của các trường Việt Nam.

Trên cơ sở này, HueIC đang đề xuất triển khai triệt để mô hình 9+5 của KOSEN hướng đến đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho các doanh nghiệp FDI của Nhật Bản.

Nguồn: giaoducthoidai.vn

https://giaoducthoidai.vn/tre/cac-ky-nang-can-co-de-lam-viec-cho-cong-ty-cua-nhat-e5Tgal1Mg.html

Bệnh viện Hạnh Phúc