Một ngày mưa tháng 8, ngồi bên bờ kinh nơi toạ lạc nhà hàng Ven Sông, bụng để trống từ sáng đến hơn 3 giờ rưỡi chiều, mắt ai cũng sáng hực hỡ trước cái lẩu và cái mẻ kho cá vồ đém.

ca-vo-dem-kho-tieu-ngay-mua-thang-8

Một chiều mưa bên con kênh đổ ra sông Hậu, tôi có duyên được thưởng thức món cá vồ đém kho tiêu. Ảnh: Ngữ Yên.

Trưa, gần 1 giờ chúng tôi mới dứt khoát đi Cần Thơ. Ra khỏi đường cao tốc Trung Lương, tôi gọi điện cho Bửu Việt, chủ quán Ven Sông, bạn nhậu mỗi lần xuống miền Tây, đặt bữa cơm vào khoảng 3 giờ chiều.

Bửu Việt có tài sáng tạo món ăn. Nhưng dân Cần Thơ lại không màng đến những món ăn lạ do ông sáng tạo.

Ông than: “Món mới chẳng mấy ai kêu. Người ta vào đây độ rày chỉ ăn lẩu cua đồng thôi”. Có món gì mới không?

Ông suy nghĩ một thoáng, rồi nói: “Thôi vầy đi, ăn cơm thì cá vồ đém nấu mẻ khúc đầu khúc đuôi, khúc giữa kho tiêu”.

Vâng, mưa từ tháng 6 đã là mùa cá vồ đém. Đầu mùa mưa, cũng giống như dân nhập cư Sài Gòn những ngày trước tết, cá vồ đém về quê chúng ở thượng nguồn sông Mekong, tận thác Khỏn bên Lào.

Khác với dân nhập cư Sài Gòn về quê chen lấn ở các phòng vé xe lửa, xe đò cho kịp về trước tết, bơi đường dài nên chúng chỉ tung tăng không vội vội vàng vàng, không chen không lấn sống chết.

Cá vồ đém là một loại cá da trơn trong họ cá tra pangasius. Họ này có bảy thứ gồm: cá ba sa, cá hú, cá dứa, cá bông lau (lao), cá vồ đém, cá xác sọc, cá tra bần/tra nghệ.

Dân miền Tây giải thích đém là chỉ hai cái đốm đen bên gốc mang ngực. Tây gọi là black-spotted hoặc black-eared catfish. Cứ coi như hai cái đồng tiền của cá đi. Xếp hạng số má về thịt ngon, cá vồ đém có thể thuộc vào hàng á hậu 2, sau cá bông lau và cá dứa.

Cá vồ đém có tật hay ngoi lên gần mặt nước dễ làm mồi cho ngư dân tóm cổ. Cá dài cỡ một thước thịt vào hàng thượng phẩm. Không biết mắc đến cỡ nào?

Dân miền Tây nói ít ai chịu nuôi chúng vì chúng lâu lớn. Chỉ người có diện tích mặt nước rộng mới thả nuôi quảng canh, chờ chúng lớn.

Vồ đém là loài ăn tạp nhất trong các loại pangasius. Nên thời các hãng thiết bị vệ sinh  như Thiên Thanh, Toto, Viglacera, Caesar, Inax, v.v. chưa thạnh trị, vồ đém đóng vai trò này ở miền Tây sông nước, gió mát trăng thanh. Bây giờ chẳng còn mấy ai bắt cá vồ đém phục vụ chuyện này nữa.

Vồ đém nấu mẻ trụng bèo Nhựt Bổn – tên quý phái của lục bình, theo ông Việt, là món ăn từ nhỏ ông đã thấy hay có ở nhà.

Cái lẩu cá nấu mẻ chiều mưa tháng 8 hôm đó, may quá, đã không ngọt như tôi vẫn tưởng lâu nay người miền Tây thích bỏ đường vào nồi canh chua.

Vậy thì chỉ có dân Sài Gòn hảo ngọt?

Nhưng khoan hãy nói canh nóng phải ăn từ từ. Có vẻ như cái mẻ cá vồ đém kho tiêu vàng hực có sức hút mạnh hơn cả. Chắc là cơn đói đã chín. Cơm nóng ăn với cá vồ đém kho tiêu còn gì bằng.

Bạn hãy thử nhịn thiệt đói và tưởng tượng ra mẻ cá với mấy lát kho vàng rộm, thấy cái ngon nó ngon biết chừng nào. Ông bạn đồng hành ngấu nghiến một hơi hai chén cơm. Tôi lua một chén. Lúc đó mới bắt đầu quay sang cái lẩu, nhâm nhi.

Rượu Mọi, món ẩm dành riêng cho chủ quán được đem ra như mọi lần. Cá vừa bỏ vào chín non, tắt lửa, vớt cá ra dĩa để chống bấy.

Lúc ăn, gắp cá nhúng lại trong lẩu. Thịt cá vừa nóng vừa còn đủ độ dai. Lúc này mới là thời gian để tận hưởng cái ngon của nước chua từ mẻ.

Bên sông mưa cứ từng cơn không lớn lắm. Thi thoảng vài chiếc ghe chạy qua thả lại tiếng máy lầm bầm. Nếu ta có một thời thơ ấu ăn lẩu như ông bạn Bửu Việt, thì cái ngon được bình phương lên.

Chân trời ngày cũ mở ra. Bỏ cái ngó lục bình vào nồi lẩu, chờ nó mềm rục vớt ra, để nguội một tí rồi cắn vào.

Như cắn vào cảnh lục bình trôi lêu bêu lúc lên lúc xuống theo con nước bán nhật triều của dòng sông Củ Chi mà có lần tôi từng ngồi nhậu bên bờ nhìn chúng lang thang.

Trí tưởng đưa ta ngược dòng cả về quê của con cá vồ đém tận thác Khỏn bên Lào. Leo lên thác tuy vất vả, nhưng loài cá này được các nhà nghiên cứu cho là chúng vẫn cứ leo. Đúng là quê hương luôn đẹp hơn cả. Ngoài kia mưa tháng 8 vẫn không dứt.

Nguồn: Ngữ Yên
Theo TGTT

Bệnh viện Hạnh Phúc