Việt Nam dẫn đầu khu vực về tỷ lệ người mắc bệnh. Thông tin trên được PGS.TS.BS Huỳnh Nguyễn Khánh Trang, Trưởng khoa Sản bệnh viện Hùng Vương cho biết trong buổi Sơ kết hoạt động quản lý Đái tháo đường của BV Hùng Vương, nhân kỷ niệm ngày Ngày thế giới phòng chống bệnh đái tháo đường 14/11. 

Theo BS Khánh Trang, đái tháo đường là bệnh lý không phân biệt nam nữ, bệnh đang gia tăng nhanh trên toàn cầu đặc biệt là ở các nước đang phát triển. Theo thống kê từ năm 2006, đái tháo đường được Đại hội đồng Liên hiệp quốc công nhận là căn bệnh mãn tính nguy hiểm, gây suy nhược cơ thể, biến chứng dẫn đến tử vong, nguy cơ ảnh hưởng cuộc sống toàn nhân loại. Và hằng năm, vào ngày 14-11 được chọn là Ngày thế giới phòng chống bệnh đái tháo đường, để người dân hiểu rõ hơn và có được những thông tin mới nhất về thực trạng bệnh đái tháo đường.

Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới – WHO trên thế giới hiện có hơn 346 triệu người mắc đái tháo đường. Cùng với bệnh lý tim mạch, tâm thần – Đái tháo đường đang tăng lên trên toàn cầu, đặc biệt là ở các nước đang phát triển , theo WHO, năm 1985 có khoảng 30 triệu người, năm 2004 có khoảng 98,9 triệu người, năm 2012 lên tới 243 triệu người mắc bệnh đái tháo đường trên toàn cầu, và năm 2030 con số này có khả năng tăng gấp đôi nếu không có biện pháp can thiệp. Gần 80% các trường hợp tử vong do đái tháo đường là ở các quốc gia thu nhập thấp và trung bình.

11c

Các thai phụ uống nước đường trước khi xét nghiệm thai kỳ. Đa số các nghiên cứu cho thấy việc phát hiện và quản lý tốt mức đường trong máu giúp cải thiện kết cục thai kỳ. Do đó việc phát hiện, theo dõi và điều trị ĐTĐTK là một nhiệm vụ quan trọng của ngành y tế nói chung và ngành Sản khoa nói riêng.

Đái tháo đường thai kỳ (ĐTĐTK) là một rối loạn chuyển hóa thường gặp, tỷ lệ ghi nhận thay đổi từ 2 – 20% trong thai kỳ, tùy theo các yếu tố nguy cơ đi kèm. Bệnh đang có khuynh hướng gia tăng nhanh trên toàn thế giới. Tại khu vực châu Á, Jane Hirst (Úc) năm 2011 ghi nhận ĐTĐTK gia tăng nhanh ở Ấn Độ, Trung Quốc, Pakistan, Thái Lan, Hồng Kông và Sri Lanka trong 20 năm gần đây.Tỷ lệ ĐTĐTK tại Việt Nam rất thay đổi nhưng có xu hướng gia tăng rõ rệt…

Trong thai kỳ, ĐTĐTK không kiểm soát tốt có thể dẫn đến các kết cục xấu trong thai kỳ, liên quan đến việc gia tăng bệnh suất và tử suất ở cả thai phụ và thai nhi. Ở mẹ: tăng tỷ lệ mổ sanh do con to, tăng tỉ lệ tiền sản giật và sản giật, tăng tỉ lệ băng huyết sau sanh do sanh khó vì con to là những tai biến sản khoa gây tử vong mẹ. Nguy cơ ĐTĐ típ 2 sau sanh cũng tăng cao ở các thai phụ ĐTĐTK. Ở con: ĐTĐTK là một trong những nguyên nhân gây đột tử ở thai nhi, tăng tỉ lệ sang chấn sản khoa như kẹt vai, gãy xương đòn do con to hay thai suy trong chuyển dạ, suy hô hấp sau sanh do phổi thiếu surfactant, góp phần làm gia tăng tỷ lệ tử vong và bệnh tật chu sinh. Ngoài ra các trẻ, con của các bà mẹ ĐTĐTK có nguy cơ đái tháo đường về sau, cũng như tăng nguy cơ béo phì, và ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ của trẻ.

Tại bệnh viện Hùng Vương, ĐTĐTK đã được quan tâm hơn 20 năm qua: Nhiều nghiên cứu về ĐTĐTK đã được tiến hành. Tầm soát đái tháo đường trong thai kỳ được thực hiện trong khám thai tại bệnh viện Hùng vương từ hơn 15 năm nay. Từ tháng 4/2016 Bệnh viện Hùng Vương đã thành lập Đơn vị quản lý đái tháo đường trong thai kỳ đầu tiên tại TP.HCM, lượt khám bệnh và điều trị bệnh nhân bị đái tháo đường trong thai kỳ.

wp_20161110_09_30_24_pro

Những hình này tại BV Hùng Vương khuyến khích các thai phụ bị đái tháo đường thai kỳ giúp chị em dễ nhớ, sinh động, dễ thực hiện để tiết chế dinh dưỡng

Việc điều trị bệnh nhân ĐTĐTK cũng được thực hiện ngay khi phát hiện: tiết chế dinh dưỡng, phối hợp với sinh hoạt hợp lý được Liên đoàn Đái tháo đường thế giới và Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo là chiến lược đơn giản, rẻ tiền và hiệu quả nhất, 80 -90%. Khoa dinh dưỡng bệnh viện Hùng vương đã xây dựng được khẩu phần ăn cho bệnh nhân đái tháo đường trong thai kỳ với những món ăn thuần nét Việt Nam nên giúp cho người bệnh dễ dàng tuân thủ điều trị. Khoảng 10 – 20% bệnh nhân không đáp ứng với chế độ dinh dưỡng tiết chế tại nhà, cần nhập viện. Các bác sĩ và nữ hộ sinh khoa sản bệnh bệnh viện cũng đã có rất nhiều kinh nghiệm trong việc điều trị Insulin cho bệnh nhân.

Với mô hình sàng lọc, chẩn đoán và điều trị cho các sản phụ đái tháo đường trong thai kỳ ngay tại một bệnh viện sản khoa đã mang đến tính hiệu quả, sự an toàn, sự thuận tiện cho người bệnh rất lớn và nhất là tâm lý người bệnh được ổn định. Và cũng như với tâm huyết của đội ngũ y bác sĩ bệnh viện Hùng Vương trong 8 tháng qua, mô hình hoạt động của Đơn vị quản lý đái tháo đường trong thai kỳ đã được các kết quả hơn mong đợi đến nay đã tăng hơn 40% kể từ khi đơn vị được thành lập.

13d

Các hoạt động quản lý đái tháo đường của BV Hùng Vương gồmSàng lọc và chẩn đoán đái tháo đường trong thai kỳ; Tư vấn, hướng dẫn và theo dõi điều trị bệnh nhân bằng tiết chế dinh dưỡng tại nhà; Cung cấp phương tiện và tư vấn, hướng dẫn người bệnh cách tự theo dõi đường huyết tại nhà; Điều trị Insulin nếu cần; Theo dõi và quản lý thai nghén để “khai hoa nở nhụy” an lành.

Với một hoạt động chuyên biệt này, đội ngũ y bác sĩ bệnh viện Hùng Vương mong muốn sẽ cùng với ngành y tế thành phố nói chung và ngành sản phụ khoa nói riêng chung tay làm giảm tử vong và bệnh tật mẹ và sơ sinh, mang hạnh phúc đến cho mọi gia đình.

Chi Chi
Phụ Nữ Hiện Đại & BV HV
*Nội dung được thực hiện theo ĐKKD của C.A.M Media

 

Bệnh viện Hạnh Phúc