Đây là một câu chuyện với những thông tin hữu ích cho bạn và gia đình. Chuyện nói về bụi mịn, một loại bụi siêu nhỏ với kích thước chỉ bằng 2,5µ hay nhỏ hơn. Bụi mịn ở đâu cũng có, có khi nhiều khi ít, có khi thấy được nhưng thường là vô hình. Phần đông người Việt khó chịu vì bụi, nhưng họ không biết về bụi mịn và cho rằng cái khẩu trang là giải pháp hoàn hảo mỗi khi ra đường. Câu chuyện không đơn giản vậy!
Bụi ngoài đường
Đây là nỗi lo của nhiều người vì nó khá rõ ràng. Khói xe, bụi xây dựng, khí thải nhiệt điện… là những yếu tố góp phần làm nặng thêm sự ô nhiễm không khí chúng ta hít thở mỗi ngày. Trong đám bụi mịt mờ đó, bụi mịn có thể đi sâu vào phổi, làm tăng nguy cơ ung thư và làm trầm trọng bệnh hô hấp, tim mạch. Bụi mịn đặc biệt nguy hiểm ở trẻ em vì một số nghiên cứu đang nghi ngờ nó ảnh hưởng đến khả năng trí tuệ và có thể làm thay đổi DNA. Nói vắn tắt, bụi mịn và siêu mịn đang bào mòn sức khỏe gia đình bạn từng giờ và những khẩu trang vải hay giấy bạn đang dùng hoàn toàn không có tác dụng. Cho đến nay, phương tiện duy nhất có thể ngừa bụi mịn là các loại khẩu trang N95 và cao hơn. Tuy nhiên, việc sử dụng không đúng cách sẽ làm giảm tác dụng hoặc gây hại. Các sai lầm thường thấy bao gồm:
- Mang không đúng kích cỡ làm giảm sự phù hợp giữa khẩu trang và khuôn mặt, làm tăng sự khó chịu khi mang và làm xuất hiện các khe hở, khiến nó mất tác dụng. Các cửa hàng dụng cụ y khoa chỉ đặt một cỡ thông thường đễ dễ bán và sự dễ tính của người mua thường dẫn đến việc chặc lưỡi: Sao cũng được hoặc có còn hơn không!
- Mang không đúng cách, không bóp những đường viền để áp sát mặt da. Những người không làm trong ngành Y không biết là cần tinh chỉnh để đảm bảo không còn chút khe hở nào để đảm bảo hiệu quả của nó.
- Mang nhiều lần. Trong môi trường bệnh viện và trong các trận dịch, việc dùng lại N95 bị cấm và nhân viên y tế có thể phải dùng nhiều cái trong ngày. Nếu chỉ dùng để ngăn bụi, việc dùng lại và dùng kéo dài là chấp nhận được. Nhưng các khuyến cáo chung đều đề nghị không nên kéo dài quá 1 ngày. Lý do rất đơn giản, việc sử dụng kéo dài làm tích tụ hơi ẩm ở mặt trong, kết hợp với việc tháo ra mang vào nhiều lần hình thành môi trường sinh sôi thuận lợi cho vi khuẩn gây bệnh. Bạn có thể đang đem một ổ vi trùng dán vào mặt mình mà không hay biết. Mặt khác, bản thân việc mang N95 kéo dài cũng gây khó chịu. Sự khó khăn khi thở ra có thể làm gây ứ đọng khí CO2 và làm cảm thấy mệt mỏi. Loại cải tiến với van thở ra có thể giúp giảm tình trạng này nhưng giá sẽ cao hơn.
Với những hạn chế và chi phí của nó, việc sử dụng thường quy khẩu trang N95 là một giải pháp khó thực hiện.
Bụi trong xe
Ở các nước phát triển, khi chất lượng không khí xấu đi, người dân hạn chế ra ngoài. Tuy nhiên, nếu có ra ngoài, họ được bảo vệ phần nào khi dùng xe hơi thay vì xe gắn máy.
Hệ thống điều hòa của xe hơi, thực chất là một hệ điều hòa khí (HVAC) đầy đủ 3 cụm chức năng làm ấm (heat), thông gió (ventilation) và làm lạnh (air conditionner). Sự thật là nhiều bạn, đặc biệt là phụ nữ, chỉ coi đó là cái máy lạnh mà không hiểu hết các tác dụng của nó. Rất đơn giản, cái xe của bạn cũng hít thở và nó cũng cần một khẩu trang phù hợp để đảm bảo bầu không khí trong lành bên trong. Đó chính là bộ lọc gió trong xe (CF=cabin filter).
Bỏ qua yếu tố kỹ thuật, có vài điều đơn giản cần biết. CF chỉ lọc luồng gió từ ngoài và không có tác dụng khi dùng máy lạnh với chế độ tuần hoàn hay AC Max. CF có loại thường giúp lọc bụi nhưng cũng có loại hiệu suất cao (HEPA=high efficacy for particulate arrestance) giúp lọc đến 99.97 % các loại bụi và vi khuẩn nhỏ đến 0.3µ, kể cả bụi mịn.
Vấn đề nằm ở chỗ, phần lớn người Việt đánh giá dàn lạnh xe hơi chỉ băn khoăn việc đủ lạnh hay không, mà chẳng bao giờ hỏi có sạch đủ không? Do các bộ lọc chuẩn HEPA có kháng lực rất cao nên hiệu quả làm lạnh của xe có thể bị giảm đáng kể. Bởi vậy, đưa xe cho garage làm, phần lớn sẽ được thay lọc không HEPA, vừa có tiếng – vừa có tiền. Trên thực tế, cabin filter chỉ vài chục usd ngay cả với loại HEPA, có thể tự thay trong vài phút. Nói cách khác, nếu bạn đang sống ở vùng không khí tốt, việc dùng HEPA filter là không cần thiết và giảm hiệu quả điều hòa. Ngược lại, nếu sống ở vùng có báo động về bụi mịn thường xuyên, nên tự chọn loại filter phù hợp và tự thay.
Nhân tiện, có một thói quen xấu khá phổ biến ở Việt Nam là luôn mở chế độ khí tuần hoàn hay AC Max do sợ bụi bặm, sợ mùi hôi, sợ khói xăng hoặc do muốn lạnh nhanh. Khi làm vậy, bạn đã bỏ qua bộ lọc, lượng không khí tươi được lọc vào xe rất ít và làm tăng ứ đọng khí carbonic trong xe. Khi đi đường ngắn, hậu quả không rõ ràng nhưng khi đi đường dài, việc tích tụ khí carbonic có thể làm tài xế tăng buồn ngủ và mất tập trung. Vì vậy, cần luân phiên lấy thêm khí trời để làm sạch trong xe. Nói thêm, cabin filter dùng khá lâu, thường chỉ thay sau khoảng 20.000 km.
Mặt khác, cần biết bụi mịn chỉ là 1 trong 6 tác nhân chính gây ô nhiễm không khí, cùng với CO2, Ozon, SO2, NO2, CO. Những chất độc này ở thể khí và ngay cả bộ lọc HEPA cũng không giúp ích gì. Khi trong dòng lưu thông, dù là trong xe hơi hay trên xe gắn máy, bạn và những đứa trẻ đều bị ảnh hưởng. CO2 thường được chú trọng vì nó gây hiệu ứng nhà kính, làm trái đất nóng lên và thay đổi khí hậu. Tuy nhiên, đó là một quá trình lâu dài và toàn cầu. Ngược lại, bụi mịn và các chất khí thải khác gây độc trực tiếp và tức thời lên cơ thể. Hậu quả của nó có thể xảy ra nhanh hơn nhiều tuy không phải ngày mai, tuần tới hay tháng tới. Cũng vì vậy, WHO gọi nó là kẻ giết người vô hình.
Bụi trong nhà
Điều gì xảy ra khi không khí trong nhà cũng tệ như ngoài đường? Nhất là khi ở những thành phố lớn, nhà bây giờ là những cái hộp kín với vô số những cục nóng của máy lạnh. Người dân chịu lạnh trong nhà, chịu nóng ngoài đường và xem đó là giải pháp lý tưởng. Điều đó không đúng ở Việt Nam.
Nhà ở các nước phát triển thường có hệ thống điều hòa trung tâm HVAC như trong xe hơi, có thể làm nóng, làm lạnh và thông gió. Một số vùng luôn nóng thì chỉ cần cụm làm lạnh, những vùng luôn lạnh thì chỉ cần cụm nóng. Tuy nhiên, phần quạt thông gió cho cả nhà thì luôn luôn phải có và bộ lọc cũng vậy, luôn luôn phải có. Chất lượng khí trong nhà được trực tiếp quyết định bởi bộ lọc, thường thay mỗi 3 tháng. Cũng vậy, có nhiều loại bộ lọc với khả năng lọc khác nhau.
Ở Việt Nam, các hệ thống máy lạnh 1 cục hay 2 cục chỉ làm lạnh và hoàn toàn không có chức năng thông khí hay lọc khí. Lý do? Chúng không lấy khí từ bên ngoài mà lấy khí tại chỗ từ phía trên, làm lạnh và thổi xuống dưới. Chúng có màng lọc khá đơn giản, thường chỉ ngăn được bụi cỡ lớn, nhằm bảo vệ cái máy lạnh hơn là bảo vệ sức khỏe của bạn. Các bộ lọc HEPA không dùng được vì hệ thống thổi của máy lạnh có công suất rất yếu, không hoạt động khi có kháng lực cao. Trong những ngôi nhà và cao ốc hiện đại đó, dòng không khí đi lẩn quẩn trong những căn phòng đóng kín. Những hạt bụi hay vi khuẩn thơ thẩn qua lại trước khi định cư trong phổi ai đấy, nhường chỗ cho dòng bụi mới tràn vào mỗi ngày qua cửa sổ, qua khe cửa, qua dòng người hối hả ra vào. Nói cách khác, những ngày xấu trời, việc ở trong nhà hay ở ngoài đường không khác gì nhau.
Bụi trong nhà, hay ô nhiễm không khí trong nhà không phải là chuyện nhỏ. Những nhà nấu cơm bằng củi, bằng than tạo bụi nhiều nhất. Ngoài các bụi mịn, một số tạp chất từ thảm, từ vật nuôi đóng vai trò dị ứng nguyên và gây tác động xấu đến những người có bệnh suyễn, bệnh hô hấp mãn tính. Bởi vậy, theo WHO, số tử vong vì ô nhiễm trong nhà không kém gì so với ô nhiễm không khí bên ngoài.
Bụi từ những thói quen xấu
Số liệu của Tổ chức Y tế thế giới 2018 ước tính, mỗi năm có khoảng 4,2 triệu người chết vì ô nhiễm không khí bên ngoài và 3,8 triệu người chết vì ô nhiễm không khí trong nhà.
Để đánh giá chất lượng không khí, các nước thường sử dụng mật độ bụi mịn PM2.5 làm chuẩn (AQI=Air Quality Index), Các trạm quan trắc chất lượng không khí được thiết lập và cảnh báo khi cần. Trên thực tế, không rõ bao nhiêu % người Việt biết đến AQI nhưng những hành vi xấu đang trở thành nếp sống và thói quen. Sự lạm dụng xe gắn máy, sự mê đắm với nhà mặt tiền, thói quen nhang đèn vàng mã, hút thuốc nơi công cộng và phơi bày trẻ em trong khói thuốc, văn minh nhà hộp máy lạnh, thờ ơ với môi trường. Khi người dân còn thờ ơ, cấp quản lý càng cảm thấy chuyện bụi chỉ là chuyện nhỏ như hạt bụi. Những chậu nước tạt ra đường trong ngày nắng không làm giảm được luồng khói đen từ các nhà máy nhiệt điện. Các đô thị trở nên không thân thiện với người đi bộ và xe đạp. Cây xanh và rừng ngày càng ít đi. Giao thông công cộng không hiệu quả. Xe cá nhân dày đặc và “ùn ứ” khắp nơi. Nói tóm lại, những bất cập về quản lý và những hành động vô ý thức của từng cá nhân, chúng đang góp phần hủy hoại môi trường sống của chúng ta ngày càng nặng nề.
Hãy tự cứu lấy mình bằng những việc làm này
- Ngưng hút thuốc, nhất là hút trong nhà.
- Không dùng các lò than, củi.
- Hạn chế việc nhang đèn, vàng mã, đốt rác.
- Chú ý bảo trì xe đúng cách và chú ý bộ lọc.
- Đi bộ, đi xe đạp hay xe bus nếu có thể được.
- Theo dõi AQI ở nơi mình sống và làm việc.
- Nếu có dùng máy hút bụi, chú ý thay bộ lọc.
- Nếu nhà có trẻ em, có bệnh nhân hô hấp, tim mạch, dị ứng và nhà không có HVAC, nên cân nhắc việc mua một số máy làm sạch không khí. Cũng nên mua nếu trẻ bị viêm mũi xoang thường xuyên.
- Nếu nhà có HVAC, dùng lọc khí phù hợp và thay đúng kỳ – thường là mỗi 3 tháng.
BS Võ Xuân Quang
Theo Tạp chí Sức Khỏe – khoe24h.vn