Bột ngọt “cái muỗng” vốn không còn xa lạ với người dân miền Trung, nhất khu vực hai cửa khẩu Lao Bảo (Quảng Trị) và Cầu Treo (Hà Tĩnh). Trong không khí Xuân đang lan tỏa khắp mọi miền thì thị trường bột ngọt “cái muỗng” đã trở lại nhộn nhịp sau một thời gian vắng bóng.

Đường đi của bột ngọt “cái muỗng”

Bột ngọt “cái muỗng” chủ yếu được sản xuất tại Thái Lan bởi Công ty THAI FERMENTATION IND. CO.,LTD. Sở dĩ có tên gọi như vậy là vì trên bao bì bột ngọt lậu này có in hình “cái muỗng” lớn, ngoài ra hoàn toàn không có bất kỳ thông tin nào được ghi bằng tiếng Việt, ngay cả những thông tin bắt buộc theo quy định của Pháp luật như đơn vị nhập khẩu, ngày tháng sản xuất và hạn sử dụng,… Đây là những thông tin cơ bản cần thiết mà người tiêu dùng cần kiểm tra trước khi mua bất kỳ một sản phẩm thực phẩm nào.

Bột ngọt lậu “Cái muỗng” được vận chuyển trái phép từ Thái Lan sang Lào và Việt Nam.

Bột ngọt “cái muỗng” thường được vận chuyển từ Thái Lan qua Lào. Từ Lào, bột ngọt lậu này được vận chuyển tới đường biên giới Lào – Việt và tiếp tục được vận chuyển trái phép vào Việt Nam qua cửa khẩu Lao Bảo – tỉnh Quảng Trị và cửa khẩu Cầu Treo – tỉnh Hà Tĩnh. Từ đó, bột ngọt lậu được đưa đi bán tại khắp các chợ miền Trung.

Vừa qua, cơ quan chức năng đã kiểm tra và tạm giữ gần 80kg bột ngọt “cái muỗng” tại 17 khu chợ ở Quảng Bình và Thừa Thiên Huế, trong đó, tại chợ Đông Ba (TP. Huế), hơn 20kg bột ngọt lậu đã được phát hiện và tịch thu.

Hàng ngoại nhưng chất lượng chưa đạt chuẩn Việt

Theo Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 1459:2008, một tiêu chuẩn đối với sản phẩm bột ngọt là hàm lượng bột ngọt tinh khiết không được nhỏ hơn 99%. Thành phần của bột ngọt “cái muỗng” vẫn là một câu hỏi chưa có câu trả lời chính xác. Các mẫu phân tích cho thấy độ tinh khiết của bột ngọt nhập lậu “cái muỗng” chỉ đạt đến độ tinh khiết là 98,2%. Thành phần còn lại của bột ngọt lậu có thể là tạp chất, gây nguy hại khôn lường cho sức khỏe người tiêu dùng.

Tuy vậy, nhiều tiểu thương vẫn lựa chọn kinh doanh bột ngọt “cái muỗng” bởi tâm lý sính ngoại của người tiêu dùng Việt. Nhiều bà nội trợ cho rằng, hàng ngoại chất lượng hơn và không có các hóa chất độc hại. Mặc dù giá thành đắt đỏ hơn, sản phẩm không có thông tin tiếng Việt nhưng vẫn dễ dàng được chấp nhận. Chính tâm lý, sở thích này đã tạo điều kiện cho nạn hàng lậu vẫn tuồn vào thị trường với thủ đoạn ngày một tinh vi hơn, gây thiệt hại cho nhiều doanh nghiệp và chính sức khỏe người tiêu dùng.

Người tiêu dùng nên lựa chọn những sản phẩm có uy tín để bảo vệ sức khỏe.

Trong dịp Tết Nguyên Đán đang cận kề, nhu cầu sử dụng thực phẩm của người dân đang tăng cao. Bên cạnh nỗ lực của các cơ quan chức năng, người tiêu dùng cần phải nắm bắt và chọn lọc thông tin, lựa chọn kĩ càng sản phẩm tiêu dùng cho gia đình đến từ những thương hiệu có uy tín. Đối với những thực phẩm đóng gói, người tiêu dùng cần nhận diện thông tin về nguồn gốc xuất xứ, nhãn mác đầy đủ, rõ ràng trên sản phẩm, cơ sở sản xuất kinh doanh, thông tin về chất lượng, hướng dẫn bảo quản, sử dụng, hạn sử dụng trên nhãn; kiên quyết nói không với các sản phẩm rẻ, sản phẩm không có nguồn gốc rõ ràng, không đăng ký công bố chất lượng sản phẩm để đảm bảo sức khỏe cho mình và người thân.

N.H 

 

 

 

*Nội dung được thực hiện theo ĐKKD của C.A.M Media

 

 

 

Bệnh viện Hạnh Phúc