Hạnh phúc là gì? Mình có đang hạnh phúc không? Hẳn rằng, ai trong chúng ta cũng đã từng đặt cho mình câu hỏi đó. Hạnh phúc như một kho báu mà mỗi chúng ta đều muốn kiếm tìm. Hạnh phúc như một hành trình leo núi mà mỗi chúng ta đều muốn chinh phục thật nhanh. Ai cũng kiếm tìm hạnh phúc bằng cách này hay cách khác. Có những người khi chén đời sắp cạn vẫn chưa nếm được mùi vị của hạnh phúc. Tất cả chúng ta đều khao khát hạnh phúc, song làm cách nào để có được nó, giữ gìn nó và thậm chí là định nghĩa về nó? Để trả lời cho những câu hỏi trên, Thái Hà Books mong muốn được san sẻ cùng bạn qua bộ sách viết về chủ đề hạnh phúc theo quan điểm Phật giáo nhân dịp ngày Quốc tế Hạnh phúc 20 – 03 – 2015.
1. Bàn về hạnh phúc
Với văn phong hiện đại, Bàn về hạnh phúc giúp người đọc hiểu một cách thấu đáo các khái niệm cơ bản của đạo Phật đối với đông đảo độc giả, qua đó giúp họ nhận thức đúng đắn và đến gần hơn với hạnh phúc. Hành trình đi tìm hạnh phúc được tác giả trình bày trong cuốn sách như dòng chảy của những con sông, nó phải len lỏi, ngoằn ngoèo qua những ghềnh thác, vượt những tảng đá phía trước để kịp đưa dòng chảy về biển cả. Dòng sông ấy cũng như cuộc đời của con người. Những chướng ngại vật mà dòng sông vượt qua cũng như những gì mà con người ta va vấp phải, đó là khổ đau, ‘’cái tôi’’, cảm xúc hỗn độn, tham dục, hận thù, ghen tức…Theo tác giả, đó là nguyên do khiến con người ta bị cuốn trôi, dày vò trong những dòng chảy hỗn độn đó…và không gì khác ngoài việc chúng ta cần nhìn nhận một cách sâu sắc những tảng đá cản đường và tìm cho mình một tâm thế phù hợp để đối diện với tất cả. Để rồi, mỗi tâm hồn đều đến với biển cả bao la, hiền hòa và cảm nhân hạnh phúc, cho ta một cảm giác an lạc trước cái chết. Tất cả đều được Mathieu Ricard giải quyết một cách nhẹ nhàng, hấp dẫn và đầy tính thuyết phục khi ta lần theo từng câu chữ. Bàn về hạnh phúc không chỉ hấp dẫn bởi nội dung tư tưởng mà còn lôi cuốn ở cả nghệ thuật viết đầy tài năng của một trí sáng tạo tuyệt vời.
2. Gieo trồng hạnh phúc
Gieo trồng hạnh phúc chứa đựng những bài thực tập chánh niệm rất đơn giản được Sư ông Thích Nhất Hạnh viết lên. Khi chúng ta thực tập chánh niệm sẽ đưa đến định và định đưa đến tuệ. Tuệ giác mà ta đạt được từ sự thực tập chánh niệm có khả năng giải phóng chúng ta ra khỏi những tình trạng sợ hãi, lo âu, tuyệt vọng và đem lại hạnh phúc đích thực cho ta. Chúng ta có thể sử dụng những đối tượng đơn giản như bông hoa để thực tập chánh niệm. Khi cầm bông hoa trong tay, chúng ta ý thức về bông hoa. Hơi thở vào ra giúp ta duy trì ý thức. Thay vì để cho những suy nghĩ trấn ngự hoặc lôi kéo, ta trở về có mặt cho bông hoa và thưởng thức vẻ đẹp của bông hoa. Định lực sẽ trở thành nguồn suối phát sinh niềm vui trong ta.
3. Hạnh phúc thật giản đơn
Cuốn sách được viết bởi Cư sĩ Thiện Đức – Nguyễn Mạnh Hùng, cuốn sách gồm những bài viết ngắn gọn về những hiện tượng đời sống hàng ngày. Cuốn sách vừa gần gũi với độc giả vì những hiện tượng đó hầu hết mọi người đều gặp phải nhưng những câu chuyện, những hiện tượng ấy vẫn làm chúng ta phải giật mình hay gật gù khi gặp gỡ bản chất sâu xa về hiện tượng, sự việc ấy qua góc nhìn của một doanh nhân – phật tử.
4. Tôi làm việc tôi hạnh phúc
Tôi làm việc-Tôi hạnh phúc giúp chúng ta tìm được nguyên nhân bên trong sâu xa của tình trạng này thông qua việc giải đáp những thắc mắc, băn khoăn của những nhân viên công sở, ngày ngày phải đối mặt với nhiều vấn đề, từ nỗi lo lắng vì chưa thể thấy sự nghiệp tương lai, nỗi muộn phiền vì mối quan hệ giữa người với người, áp lực phải làm việc để được hưởng mức lương cao hơn cho đến khát khao được đề bạt, nỗi dằn vặt vì không thể cân bằng giữa gia đình và sự nghiệp, sự khác biệt quá lớn giữa lý tưởng và hiện thực, tình cảnh tiến thoái lưỡng nan ở công ty, những khó khăn chưa thể tháo gỡ trong công việc, nỗi mệt mỏi về thể chất lẫn tinh thần do công việc nhiều và nặng….
5. Hạnh phúc tùy cách nhìn – Con người toàn diện, hạnh phúc toàn diện
Nội dung cuốn sách Hạnh phúc tùy cách nhìn người viết trình bày dựa trên giáo lí căn bản cùng với sự tu niệm của tự thân, ngõ hầu giúp cho những người bước đầu học đạo dễ dàng tiếp nhận hành trì, nhằm chuyển hóa phần nào những bế tắc khổ đau vốn dĩ xảy ra trong đời sống thường nhật. Cuốn sách sẽ là những gợi ý chân thành của Thầy Viên Ngộ và là những ví dụ điển hình có thể giúp cho nhiều Phật tử nhận ra cách xử lý tình thuống của riêng mình trong cuộc sống.
Con người tòan diện, Hạnh phúc toàn diện là tuyển tập các bài viết của tác giả Nguyễn Thế Đăng trên Tạp chí Văn Hóa Phật Giáo.
Cuốn sách gồm 3 phần:
Phần 1: Những che chướng đối với thực tại như thể và dụng của tâm, tánh không, nhân duyên… như là những tri thức, những nhận định căn bản để sống hạnh phúc.
Phần 2: Đời sống là nghệ thuật, nêu những quan điểm tích cực về xã hội, về cuộc sống như là động cơ thúc đẩy cuộc sống hiền thiện.
Phần 3: Sống an vui, như một đạo đức học căn bản để tạo cuộc sống thiện hiền, an lạc.
Muôn loài và cả đạo Phật đều đi tìm hạnh phúc, đều hướng đến mục đích cuối cùng là hạnh phúc toàn diện, sống an vui. Đi hết hai trăm trang sách để ta biết được đâu là bản tánh của tâm thức, từ đó, tránh được ba sai lầm (tà kiến) lớn nhất của đời người là tri giác sai lầm, suy tư sai lầm và kiến thức sai lầm. Đọc để có cái nhìn khách quan về thực tại, từ nhu cầu, đạo đức con người đến xây dựng xã hội hài hòa. Cuối cùng, đi đến kết thúc để tìm ra câu trả lời “đâu là an vui giữa đời thực”.
Hi vọng rằng bộ sách này sẽ giúp được phần nào độc giả hiểu hơn về Hạnh phúc và con đường tạo ra hạnh phúc cho riêng mình và những người thân yêu bên cạnh.
Nguồn: Cty CP Sách Thái Hà
Phụ Nữ Hiện Đại hợp tác truyền thông cùng Thaihabooks