Trong khuôn khổ Diễn Đàn Hợp tác kinh tế đồng bằng sông Cửu Long – Hậu Giang năm 2016 (MDEC – Hậu Giang 2016), Bí thư Tỉnh Ủy Hậu Giang Trần Công Chánh – Phó trưởng ban Chỉ đạo MDEC – Hậu Giang 2016 đã trao đổi về vấn đề phát triển Khoa học Công nghệ, Môi trường, và thông tin liên quan đến nhà máy giấy Lee&Man tại Hậu Giang.
Bí thư tỉnh ủy Hậu Giang Trần Công Chánh – Phó trưởng ban Chỉ đạo MDEC – Hậu Giang 2016 chia sẻ: Thời gian vừa qua, các cơ quan báo đài có đưa tin về việc nhà máy Lee&Man có thể gây ảnh hưởng môi trường nghiêm trọng. Chúng tôi hết sức trân trọng và cám ơn dư luận và phóng viên báo đài đưa tin vì dựa trên cơ sở đó chúng tôi có nhiệm vụ rà soát toàn bộ đánh giá tác động môi trường của nhà máy trước khi đi vào hoạt động.
Chúng tôi khẳng định là dù mong muốn thu hút đầu tư nhưng phải đảm bảo về mặt môi trường bền vững, đó là quan điểm chung của Đảng và nhà nước và tỉnh chúng tôi cũng phải thực hiện như thế. Như quý vị cũng thấy thì Bộ TNMT cũng đã vào triển khai quyết định thanh tra vấn đề môi trường đối với dự án Nhà máy giấy Lee&Man, bắt đầu từ ngày 1/7. Đợt thanh tra làm chung gồm 29 dự án, trong đó có dự án Nhà máy giấy Lee&Man. Dự kiến kiểm tra tại nhà máy, kiểm tra thực địa và kiểm tra hồ sơ theo thời gian quy định. Trên cơ sở kết luận của Đoàn thanh tra Bộ TNMT, sẽ có những khuyến cáo mà chúng tôi sẽ kiểm soát để đảm bảo là khi nhà máy đi vào hoạt động thì nước thải ra môi trường là đạt theo quy định Pháp luật.
Bí thư Tỉnh Ủy Hậu Giang Trần Công Chánh trao đổi với đại diện các cơ quan truyền thông
-Gần đây, trong nước đã xảy ra vụ xả thải gây ô nhiễm môi trường biển của nhà máy Formosa ở Hà Tĩnh. Trong tương lai, ngoài giám sát, chúng ta có những công cụ nào để đảm bảo không xảy ra trình trạng tương tự ở Gậu Giang?
–Bí thư tỉnh ủy Hậu Giang Trần Công Chánh: Vừa rồi, Chính phủ đã có công bố về việc cá chết hàng loạt ở biển Miền Trung, theo đó khẳng định nhà máy Formosa là nguyên nhân gây ra lượng chất thải đó. Đây là bài học hết sức đáng quý cho tất cả các nhà máy có thể gây ảnh hưởng đến môi trường nói chung và nhà máy Lee&Man Hậu Giang nói riêng. Trên cơ sở đó chúng tôi cũng sâu sắc nhận thức về việc tăng cường kiểm tra giám sát. Còn kiểm tra giám sát như thế nào thì cơ quan chuyên môn như Sở TNMT, Cảnh sát MT sẽ có biện pháp để tăng cường kiểm tra, rà sát các đường hệ thống xử lý nước và tuyến nước thải.
Liên quan đến vấn đề nhà máy giấy mà gần đây một số phương tiện thông tin đại chúng có đưa, tôi cho rằng ở một góc độ nào đó là có thể các anh em nắm chưa đầy đủ thông tin. Dù sao lãnh đạo địa phương cũng có trách nhiệm phối hợp với các bộ ngành trung ương để trả lời các những vấn đề đặt ra. Hiện nay Bộ TNMT đang có một văn bản chỉ đạo thanh tra xung quanh vấn đề nhà máy giấy. Hiện công việc thanh tra chưa có kết luận chính thức, khi nào có thì sẽ có thông tin đến các phương tiện đại chúng một cách đầy đủ hơn. Về quan điểm của đại phương ngay từ đầu là Hậu giang rất cần những dự án đầu tư vì Hậu Giang là một tình nghèo, một vùng căn cứ kháng chiến trước đây cho nên việc thu hút đầu tư là rất cần thiết để phát triển địa phương và nâng cao đời sống nhân dân. Nhưng không phải vì lý do nghèo này mà bất chấp tất cả quy định về vấn đề môi trường, chúng tôi phải chú ý các vấn đề ảnh hưởng đến sản xuất ,đời sống, sức khỏe nhân dân.
Về quy trình khi dự án đưa vào triển khai ở Hậu Giang thì trước đó Lãnh đạo tỉnh và các bộ ngành trung ương từ đầu 2004 đến 2008 triển khai thì đã tiến hành các bước nghiên cứu và mới các chuyên gia, các nhà khoa học cho ý kiến. Nhưng để đảm bảo chắc chắn hơn thì dự án này vẫn chưa hoàn thành và đi vào hoạt động, mà theo dư luận thôngtin cho rằng xả thải ra ngoài môi trường hơn 20 ngàn mét khối nước thải là chưa chính xác. Chúng tôi khẳng định sẽ làm việc cụ thể sau khi có kết luận của các cơ quanchuyên môn của Bộ, buộc nhà máy giấyLee&Man Hậu Giang xây dựng hồ chứa lắng lọc trước khi xả thải nước ra môi trường và hồ này phải nuôi cá sống được. Điều này chúng tôi sẽ làm việc với nhà máy giấy giấy Lee&Man Hậu Giang và giao cho Sở TNMT Hậu Giang thường xuyên quan trắc, kiểm tra.
“Nếu cá chết tức là nước thải chưa đạt!”, chúng tôi sẽ phát huy đầy đủ trách nhiệm trước nhân dân, thu ngân sách cho địa phương nhưng phải đảm bảo tốt vấn đề môi trường, đời sống – sức khỏe, sản xuất và nâng cao cuộc sống cho nhân dân.
– Thưa ông, nhìn chung hiện nay các loại sản phẩm chung của các tỉnh ĐBSCL hiện đều có nét tương tự nhau, không biết Hậu Giang mình có hướng riêng nào cho phát triền sản phẩm chủ lực ?
-Bí thư tỉnh ủy Hậu Giang Trần Công Chánh: Hiện nay chúng tôi xây dựng được 10 loại sản phẩm chủ yếu như bưởi hồ lô Phú Hủ, cam sành Ngã Bảy, quýt đường Long Trị, cá thác lác,… là những thương hiệu đã đăng ký cộng sự của Bộ TNMT. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tập trung đầu tư vào giống và quy trình sản xuất để kêu gọi các nhà đầu tư cho ra những sản phẩm đặc thù tốt hơn.
-Là một tỉnh mới, Hậu Giang có những chính sách ưu đãi nào đối với sản phẩm công nghiệp?
–Bí thư tỉnh ủy Hậu Giang Trần Công Chánh: Hậu Giang là một tỉnh mới chia tách, 7 huyện thị thành là địa bàn đặc biệt khó khăn, riêng thành phố Vị Thanh là địa bàn khó khăn. Theo Nghị Định 108 hướng dẫn Luật & Đầu Tư thì chúng tôi được hưởng chính sách ưu đãi đặc biệt so với các vùng trong ĐBSCL.
-Trong vấn đề thu hút vốn đầu tư nước ngoài chúng ta sẽ có những chính sách gì phong phú hơn để vừa đảm bảo vấn đề môi trường và thu hút nguồn vốn từ nước ngoài?
–Bí thư tỉnh ủy Hậu Giang Trần Công Chánh: Tỉnh cũng có cơ chế ban hành chính sách nhiều ưu đãi, đặc biệt là trên lãnh vực nông nghiệp, y tế, giáo dục, xã hội hóa , ưu đãi vấn đề giá cả, đất đai, cũng như sau thu thuế. Các văn bản này đã được in sẵn và trình bày ở các diễn đàn và ngay tại Hội nghị xúc tiến Thương mại ở TPHCM.
– Các doanh nghiệp thường than phiền là ở địa phương có những rào cản gây khó cho thủ tục đăng ký kinh doanh?
–Bí thư tỉnh ủy Hậu Giang Trần Công Chánh: Vấn đề này ngay ở Hậu Giang trước đây vẫn có và hiện nay cũng có, nhất là trong thủ tục hành chính đăng ký thủ tục kinh doanh. Chúng tôi đã chỉ đạo các ngành chuyên môn và có kiểm tra cụ thể theo từng công trình dự án khi doanh nghiệp đến đầu tư mà ở bộ phận, cơ quan nào gây khó dễ, trái với chủ trương của tỉnh là làm sao giảm bớt, rút ngắn nhanh nhất cấp giấy chứng nhận đầu tư và quá trình triển khai , nhất là đối với vấn đề thủ tục đất đai. Chúng ta căn cứ theo hướng dẫn pháp luật quy định về thủ tục đất đai mà chúng ta vận dụng làm nhanh nhất nhưng vẫn đúng pháp luật để làm hài lòng các doanh nghiệp tới đầu tư.
-Vấn đề phát triển và khuyến khích các hoạt động KHCN được Hậu Giang và các tỉnh ĐBSCL chú trọng như thế nào trong thời gian tới ?
–Bí thư tỉnh ủy Hậu Giang Trần Công Chánh: về vấn đề phát triển và khuyến khích các hoạt động KH&CN Hậu Giang và các tỉnh ĐBSCL chúng tôi tạo mọi điều kiện thuận lợi phát triển mạnh mẽ về KH&CN, làm cho KH&CN thực sự là động lực quan trọng nhất để phát triển lực lượng sản xuất. Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ về cơ chế, chính sách, công tác xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển KH&CN, đặc biệt là phương thức đầu tư, cơ chế tài chính, chính sách cán bộ, cơ chế tự chủ của các tổ chức KH&CN phù hợp với kinh tế thị trường định hướng XHCN.
Thực hiện cơ chế, chính sách, giải phát phát triển đồng bộ nguồn nhân lực chất lượng cao, gắn đào tạo với nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ. Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế nghiên cứu và phát triển KH&CN.
Phát triển đồng bộ thị trường KH&CN, có cơ chế chính sách phù hợp để đẩy mạnh thương mại hóa sản phẩm KH&CN, chuyển giao công nghệ, kết nối cung – cầu trong vùng ĐBSCL và với các vùng, miền trong cả nước.
-Thưa ông, phát triển bền vững đang đặt ra những yêu cầu gì mới cho các địa phương vùng ĐBSCL, trong đó có Hậu Giang khi mà cả nền kinh tế trong nước và thế giới đang chịu tác động rất lớn từ tình trạng biến đổi khí hậu, những ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế, sự mất cân đối trong liên kết giữa các ngành, khu vực và địa phương ?
–Bí thư tỉnh ủy Hậu Giang Trần Công Chánh: Những vấn đề đặt ra trong sản xuất hiện nay là pPhải quy hoạch lại sản xuất nông nghiệp theo vùng, theo quy mô liên kết vùng trên cơ sở gắn với cung – cầu thị trường, gắn với mục tiêu nâng cao hiệu quả, chất lượng, giá trị nông sản. Trên cơ sở các quyết định, quy định của Nhà nước về liên kết vùng, từng địa phương, các tỉnh, thành vùng ĐBSCL ký kết các thỏa thuận, quy chế liên kết trong một số lĩnh vực có thế mạnh.Tăng cường hợp tác nghiên cứu KH&CN giữa các địa phương trong vùng, giữa vùng ĐBSCL với các vùng miền khác trong cả nước, kết hợp chuyển giao công nghệ để chọn lựa các giống cây, con cho năng suất, chất lượng cao, phù hợp với đặc điểm từng vùng, địa phương. Chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, bảo vệ môi trường, tăng khả năng trữ nước tự nhiên.
– Tình trạng đất nhiễm mặn và hạn hán đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp Vùng. Địa phương có những giải pháp nào để kiểm soát mặn, trữ ngọt phục vụ sản xuất và dân sinh vùng ĐBSCL?
–Bí thư tỉnh ủy Hậu Giang Trần Công Chánh: Hiện nay, biến đổi khí hậu đã và đang tác động rất lớn đến vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Những tháng đầu năm 2016, hạn hán, xâm nhập mặn diễn ra cực kỳ gay gắt. Địa phương đã có nhiều giải pháp để ứng phó, kể cả giải pháp công trình và phi công trình. Giải pháp công trình: Nhanh chóng hoàn thiện hệ thống đê bao, công bọng (hệ thông đê bao Nam Xà No, đê bao Long Mỹ – Vị Thanh,…). Tiếp tục đề nghị Trung ương cho triển khai xây dựng một số công trình biển đổi khí hậu trên địa bàn, trước mắt là Hồ trữ nước ngọt 100ha tại huyện Vị Thủy. Giải pháp phi công trình: Tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân trữ ngọt (đào ao trữ ngọt, mua thêm lu, bồn chứa nước ngọt để sử dụng,..). Kịp thời cung cấp thông tin về thiên tai, hạn, mặn để người dân cùng với chính quyền ứng phó. Nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu cho nhân dân; tích cực vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi cho phù hợp với tình hình biến đổi khí hậu.
-Trân trọng cảm ơn ông!
Theo Tin Môi Trường