Ngày 20/7 tại Hà Nội, Đại học RMIT Việt Nam đã tổ chức buổi tọa đàm “Bí quyết xây dựng thương hiệu cá nhân” dành cho sinh viên và những bạn đang ở giai đoạn đầu của sự nghiệp.
Buổi tọa đàm có sự tham gia của ông Lê Quốc Vinh – CEO Tập đoàn Truyền thông Lê và bà Bành Mai Phương – Quản lý Đối tác Nhân sự, Ngân hàng VP Bank
Xây dựng thương hiệu cá nhân – một khái niệm không mới
Có thể nói, ở thời điểm hiện tại, khái niệm xây dựng thương hiệu cá nhân đã không còn quá xa lạ, kể cả đối với các bạn sinh viên chưa tốt nghiệp đại học.
Tuy nhiên, thay vì nhìn nhận xây dựng thương hiệu cá nhân chỉ dành riêng cho những nhà quản lý, hay doanh nhân thì theo ông Lê Quốc Vinh: “Đừng nghĩ rằng thương hiệu cá nhân là điều gì đó quá xa vời. Ngay cả một người bảo vệ, một người công nhân hay một CEO đều cần thương hiệu cá nhân cả”. Ông Vinh trích dẫn lời của Jeff Bezos – CEO của gã khổng lồ bán lẻ Amazon định nghĩa về thương hiệu cá nhân, theo đó “thương hiệu cá nhân là những gì người ta nói về bạn khi bạn không có mặt ở đó”.
Theo bà Bành Mai Phương: “Mỗi người chúng ta đều có một thương hiệu cá nhân riêng, vấn đề chúng ta có biết cách gây dựng và quản lý một hình ảnh tốt về mình hay không.”
Có khoảng gần 200 khán giả tham dự và nghe chia sẻ
Trước câu hỏi của một bạn sinh viên đặt ra về việc không biết nên bắt đầu xây dựng thương hiệu của mình như thế nào, và liệu nên cố gắng làm tốt công việc của mình trước làm tiền đề xây dựng thương hiệu, hay chú trọng xây dựng thương hiệu trước khi bắt tay vào thực hiện một công việc nào đó, ông Vinh không trả lời trực tiếp mà bắt đầu bằng kể một câu chuyện đáng suy ngẫm: “Có cô công nhân nọ bị mắc kẹt trong kho lạnh của nhà máy khi đã hết giờ làm việc và mọi người đã về hết. Trong lúc cô tuyệt vọng nhất thì cánh cửa bật mở và cô thấy người bảo vệ của công ty mở cửa bước vào. Lúc đó cô òa khóc và hỏi người bảo vệ “Bác ơi tại sao bác biết cháu ở trong này?” Câu trả lời cô nhận được khá bất ngờ “Ngày nào lúc đến nhà máy cô cũng chào tôi và lúc về cũng như vậy. Hôm nay tôi biết cô chào tôi lúc đi vào nhưng tôi không thấy cô chào tôi khi đi ra, nên tôi biết rằng cô vẫn ở trong nhà máy và tôi đã đi tìm. Cô công nhân ấy đã sống sót vì cô ấy đã gieo được tình cảm vào trong lòng của người khác”.
“Thương hiệu cá nhân có thể được xây dựng bằng tài năng, nhưng chúng ta cũng có thể xây dựng thương hiệu cá nhân từ một điều rất bình thường. Bạn có thể chọn một giá trị hoặc một hệ giá trị mà bạn cho rằng bạn có thể làm tốt nhất và giá trị đó có ích đối với một cộng đồng nào đó. Tôi nhấn mạnh là chỉ cho một cộng đồng, chứ không thể kỳ vọng là cho tất cả mọi người. Điều bạn cần làm là hài hòa hai yếu tố: cái mà mình làm được và cái mà cộng đồng cần, như vậy bạn đã có nền tảng xây dựng thương hiệu cá nhân rồi.”
Đó là xây dựng thương hiệu cá nhân trong cuộc sống hàng ngày, còn trong công việc, theo bà Phương đó đơn giản là “thương hiệu cá nhân thể hiện ở những điều nhỏ hàng ngày, cách hành xử với đồng nghiệp, cấp trên cấp dưới của bạn.”
Mạng xã hội – công cụ xây dựng thương hiệu cá nhân hữu ích
Đối với các bạn sinh viên, trước mắt xây dựng thương hiệu cá nhân nhằm mục đích xin việc và tạo dựng sự nghiệp. Một trong những yếu tố quan trọng ứng viên cần lưu ý để gây được ấn tượng với nhà tuyển dụng đó là hồ sơ cá nhân. Theo ông Vinh “Đối với nhà tuyển dụng, thông tin của ứng viên không chỉ là bản CV bạn gửi mà là toàn bộ tài sản online bạn xây dựng: những gì bạn viết, bạn chia sẻ, bạn thể hiện đều nói lên con người bạn là ai.”
Các bạn trẻ khi sử dụng mạng xã hội hãy nhớ Lý thuyết ngôi nhà kính. Trên mạng xã hội, chúng ta tưởng rằng chúng ta đang ở trong một không gian riêng tư nhưng thực ra chúng ta đang ở trong một căn phòng riêng với những bức tường bằng kính. Vậy không gian của mình nhưng mọi hành động của mình bên trong đó người ngoài đều nhìn thấy hết. Thực ra không có nhiều ranh giới giữa đời sống ảo và đời sống thật. Cần phải luôn luôn ý thức được cách chúng ta ứng xử trong cuộc sống ảo sẽ phản ánh trung thực những gì chúng ta có ở đời sống thực.
Cũng trong buổi tọa đàm, khán giả có cơ hội chụp ảnh thẻ miễn phí đồng thời tham gia thử thách “networking tốc độ” trong vòng 5 phút giữa các khán giả tham gia buổi tọa đàm.
Tọa đàm lần này là một trong nhiều hoạt động thuộc chiến lược “Sẵn sàng cho Cuộc sống và Công việc” – chiến lược đến năm 2020 của Đại học RMIT. Chiến lược chỉ ra định hướng và nhận dạng của trường, cũng như những mục tiêu và giá trị mà trường hướng đến. Trọng tâm của chiến lược là tạo ra những trải nghiệm thay đổi cuộc sống sinh viên, đồng thời hỗ trợ cộng đồng lớn hơn chuyển mình thay đổi về mặt xã hội và kinh tế.
Phạm Kiều Trang/ Phụ Nữ Hiện Đại & RMIT