Khi có bệnh, phải đi khám bằng thẻ Bảo hiểm y tế (BHYT) và bạn được bác sĩ cho toa thuốc… và bước cuối cùng trong hành trình đi khám chính là nhận thuốc tại quầy thuốc BHYT. Việc nhận thuốc này, có gì cần phải chú ý không?

Câu chuyện thứ nhất: Phát thuốc cho ai

Tí: Tía à, giờ sắp khoẻ rồi, còn lãnh thuốc nữa thôi là được về rồi.

Tía: Ờ ờ … không ngờ á … gần đây sao mà đi khám nhanh ghê á … Ui da … con đi từ từ coi Tí …

Tí: Tía à, tía ngồi đây, chờ người ta gọi tên vô cái là lãnh thuốc rồi con đưa Tía về nhà nằm cho khoẻ nghen Tía.

Tía: Ờ ờ … tía ngồi đây …

Tí: Tía … hình như mới gọi tên thì phải …

Tía: Ờ ờ … đó đó … hên ghê … mới tới quầy … ngồi xuống cái gọi tên phát thuốc liền luôn … Tí, vô lấy thuốc đi, lẹ rồi về con.

Tí: OK Tía, chờ con chút …

Tí: Tía … mình về, có thuốc luôn rồi … thiệt chớ … Bệnh viện giờ ngon dữ, mới khám ở phòng bác sĩ ra, vừa tới quầy thuốc, là có thuốc luôn … đúng thiệt là tiến bộ ghê à …

Nhân viên: Anh ơi … Anh ơi … Anh gì ơi …

Tía: Hình như ai kêu hay sao á Tí …

Tí: Sao đó cô ơi?

Nhân viên: Anh ơi, Anh thông cảm, làm ơn cho em coi lại bịch thuốc được không anh?

Tí: Nè cô, có gì không cô?

Nhân viên: Dạ, em nghi là nãy phát nhầm bịch thuốc cho chú … để em kiểm tra lại liền.

Tí: Sao cô biết là nhầm?

Nhân viên: Dạ, tại tía anh là Nguyễn Văn Danh, mà em vừa phát cho tía anh xong, có một ông chú khác cũng Nguyễn Văn Danh, cùng năm sanh luôn. Tự nhiên em thấy lo lo, em coi lại địa chỉ thì chú kia bảo bị sai … Cho nên em đoán là phát nhầm toa thuốc của ông Danh “kia” cho tía anh.

Tí: ???

Nhân viên: Dạ đúng rồi, bị nhầm rồi anh ơi. Em xin phép lấy lại bịch thuốc nha, rồi em gửi lại cho anh bịch thuốc kia liền.

Tí: Sao mà bị nhầm vậy cô ơi?

Nhân viên: Do tụi em sơ suất thôi, mà cũng hơi … xui. Tía anh và ông chú kia cùng tên cùng năm sinh. Nên lúc đọc tên, Anh vô lãnh thì tụi em cứ tưởng là Nguyễn Văn Danh kia … ai dè …

Tí: Rồi, tui hiểu rồi, để tui dặn chú Danh kia, bữa sau có đi khám … thì nhớ gọi điện cho tía tui … để tía tui ở nhà … không thôi uống lộn thuốc chắc chết …

Hãy cảnh giác khi được nhân viên gọi tên và đưa thuốc, vì bạn đâu có biết, tại thời điểm đó, có bao nhiêu người bệnh có cùng tên, cùng tuổi với bạn và cũng đang chờ nhận thuốc như bạn. Hãy kiểm tra lại toa thuốc và từng loại thuốc được phát. Để đảm bảo chắc chắn đó là thuốc được phát theo toa mà bác sĩ đã khám cho bạn.

Câu chuyện thứ hai: Ai lấy thuốc? Ai phát thuốc?

Tí: Cô ơi, toa thuốc nè cô.

Nhân viên: Dạ, anh để toa vô rổ, ký tên rồi phải không anh?

Tí: Dạ ký rồi cô.

Nhân viên: Rồi, anh đứng chờ chút, tui vô lấy rồi ra đưa cho anh luôn.

Tí: Sáng nay vắng bệnh hay sao hả cô?

Nhân viên: Dạ không, do anh đi khám trễ đó … người ta đi khám rồi về hết rồi.

Tí: À …

Nhân viên: Nè anh, thuốc của anh nè.

Tí: Dạ … cảm ơn cô. Tui về nhe …

Nhân viên: Dạ … mời người kế tiếp ạ …

Về tới nhà …

Tí: Chu cha … sao … sao mà nó thiếu hết một loại thuốc vậy ta? Tía … nãy Tía có lấy thuốc ra uống trước không vậy?

Tía: Cha mầy, tao đi còn không nổi, lấy thuốc ra chi con …

Tí: Vậy không lẽ … hồi nãy phát thuốc thiếu sao ta?

Bạn có biết, việc nhận thuốc và kiểm tra thuốc trước khi rời khỏi quầy thuốc rất quan trọng, để biết chắc là bịch thuốc mà bạn nhận đúng là toa thuốc mà bác sĩ đã cho để điều trị bệnh của bạn. Đã có rất nhiều trường hợp, quầy thuốc chỉ có một người, vừa lấy thuốc – vừa phát thuốc và nhân viên đó đã lấy sai thuốc. Do không có người thứ hai kiểm tra lại, nên gần như không có ai phát hiện ra lỗi sai này. Do vậy, nếu thấy ở quầy thuốc mà chỉ có một người, vừa lấy thuốc theo toa và phát thuốc cho bạn. Hãy chủ động kiểm tra lại bịch thuốc được phát, trước khi rời khỏi quầy thuốc. Điều này sẽ giúp tránh được rủi ro nhận nhầm thuốc.

“Bệnh nhân vui tính” – Nguyễn Thế Anh

Chuyên gia Trung tâm Nghiên Cứu Cải Tiến Y Tế (CHIR) 

Nguồn: tcsuckhoe.com

 

 

 

 

 

Bệnh viện Hạnh Phúc