“Thời gian gần đây, tôi phải ngồi làm việc nên tôi thường xuyên bị đau lưng, tôi không biết mình bị bệnh gì, làm cách nào để cải thiện tình trạng bệnh này?”
Tùng Anh – Nhân viên văn phòng
Có nhiều nguyên nhân
Đau lưng là triệu chứng của một bệnh lý nào đó tự mình khó có thể chẩn đoán, tốt nhất bạn nên đi thăm khám để biết rõ tình trạng bệnh của mình. Có nhiều nguyên nhân gây ra đau lưng, chẳng hạn như: thoái hóa đĩa đệm cột sống – thủ phạm chủ yếu do tuổi tác khiến đĩa đệm mất dần tính đàn hồi, nếu lưng phải chịu nhiều áp lực sẽ dẫn đến đau lưng; ngoài ra cũng có thể do vẹo cột sống – cột sống bị uốn cong và chỉ gây đau lưng khi bước vào tuổi trung niên; trượt đốt sống thường do bẩm sinh, viêm khớp; loãng xương, sỏi thận, lạc nội mạc tử cung, mang thai, khối u…
Minh Tuấn (Đồng Nai)
Nên đi chữa sớm
Ngồi nhiều cũng phát sinh nhiều bệnh, không chỉ có đau lưng mà các bệnh về vai gáy cũng thường xuyên xảy ra. Nguyên nhân không do bệnh lý mà do ngồi nhiều, ít vận động, ngồi sai tư thế, ghế ngồi không phù hợp. Một tài liệu y khoa cho biết: bệnh đau lưng gặp ở mọi lứa tuổi nhưng nhiều nhất ở lứa tuổi 30 – 60. Có khoảng 80% trường hợp bị đau lưng lần đầu không rõ nguyên nhân, chỉ có 6 – 8% trường hợp do bị lệch đĩa đệm cột sống. Có trên 50% bệnh nhân đau lưng khỏi trong vòng 2 tuần, nhưng tỷ lệ tái phát khá cao sau một tháng trở lên; từ 5 – 10% bệnh nhân bị đau vùng thắt lưng cấp chuyển thành mạn tính. Các bác sĩ khuyên rằng ngay sau khi phát hiện ra mình bị đau lưng, cần phải đến bệnh viện thăm khám ngay, bởi nguyên nhân đau lưng có rất nhiều, không thể chủ quan do ngồi nhiều mà đau đâu. Nên chữa sớm bởi nếu không điều trị kịp thời sẽ làm biến dạng các đốt sống, cơn đau xuất hiện thường xuyên và khó đáp ứng với các liệu pháp điều trị về sau.
Kiều Như (Đà Nẵng)
“Mình nghe bảo mẹo dân gian có thể chữa bệnh đau lưng không cần dùng thuốc, đó là gì vậy?”
Thảo Ngọc – Bình Dương
Chườm ngoài bằng lá ngải cứu
Mình thấy cô mình bị bệnh đau lưng đã lâu, hầu như tối nào mình cũng thấy cô lấy một nắm lá ngải cứu, lấy một chai thủy tinh đựng nước, cho vào nồi đun lên rồi buộc ngải cứu quanh chai. Sau đó nằm áp lưng vào đó. Ban đầu phải bọc chai bằng cái khăn, sau chai nguội dần thì bỏ khăn ra. Chườm đến khi chai hết nóng, đun lại chai nước và tiếp tục chườm. Ngoài ra, cũng có thể cho lá ngải cứu đã rang vào bọc vải rải lên giường rồi nằm ngửa ra để vùng cột sống đau vào chỗ lá rang nóng đó. Sau 20 phút lá nguội có thể rang lại rồi làm tiếp như vậy, có người cho thêm ít muối vào để tăng thời gian giữ nhiệt. Cô bảo làm như thế thấy cũng đỡ đau lưng nhưng cẩn thận chú ý không gây bỏng.
Thanh Nga (Thủ đức, TP.HCM)
Không tự ý dùng thuốc
Khi bị đau lưng, bạn không nên tự ý mua thuốc thoái hóa cột sống để uống, bởi uống nhiều loại này mà không có chỉ dẫn của bác sĩ sẽ dẫn tới tàn phá dạ dày, có khi còn gây ra ung thư nữa. Theo mình biết, với trường hợp bị thoái hóa cột sống, Đông y có hai cách chữa. Một là hướng dẫn người bệnh một số động tác luyện tập để nới giãn cột sống, hoặc bơi hàng ngày, xoa bóp, châm cứu, bấm huyệt, kéo giãn cột sống… Hoặc người bệnh có thể dùng thuốc tác dụng bên ngoài hay thuốc uống bên trong. Khi bị bệnh, người bệnh tuyệt đối không chạy nhảy, không khiêng xách nặng, lệch tư thế, cần sinh hoạt điều độ. Trong ăn uống nên tránh các chất nhờn béo, tránh đàm thấp.
Thục Uyên – TP.HCM
Điều chỉnh tư thế
Bạn có thể tự điều trị đau lưng cấp bằng cách nằm ngửa thả lỏng trên giường cứng. Sau 30 phút, nhẹ nhàng xoay nghiêng người để thay đổi tư thế làm 3 – 5 lần. Xong nằm nghiêng để dậy từ từ. Làm 3 ngày, nếu không khỏi thì phải đi khám chuyên khoa. Lưu ý, khi đau lưng bạn vẫn nên đi lại, làm việc, tập thể dục nhẹ nhàng. Điều quan trọng là chú ý giữ tư thế đúng khi sinh hoạt, lao động, tránh các tư thế sai như đứng lom khom, ngồi không thẳng, rướn người, mang xách vật nặng…
Minh Phương – Q7. TP.HCM
Nguồn: Tạp Chí Thời Trang Trẻ