Ðó là cụm từ chúng tôi dùng để diễn tả cuộc sống của một bộ phận những người trẻ nhập cư, từ quê ra phố tìm kiếm phương kế mưu sinh cho một tương lai tốt hơn, song giữa phố thị bon chen hối hả, họ vẫn loay hoay, nhọc nhằn với những việc không gọi là ổn định…
Sài Gòn được xem là nơi “đất lành chim đậu”. Trong làn sóng những người nhập cư tới đây, không thiếu người đã tạo dựng được sự nghiệp, có nhà cửa ổn định. Khiêm tốn hơn là đội ngũ công nhân các công ty, xí nghiệp; nhân viên các công sở, với mức thu nhập từ 6 đến 10 triệu đồng/tháng, chưa có nhà riêng nhưng cũng có thể thuê một phòng trọ tương đối, ngoài chi tiêu cho bản thân, còn dành dụm được chút ít để giúp gia đình. Hòa vào dòng người thành đạt và chưa thành đạt đó, vẫn còn những người mưu sinh trong bấp bênh, làm ngày nào biết ngày đó… Chiếm số đông trong thành phần này là những người trẻ buôn bán lề đường hoặc rong ruổi khắp thành phố; cạnh đó còn là một bộ phận người lao động gia công với thu nhập ăn theo sản phẩm.
Anh Bình đang bán khoai và chuối luộc cho khách tại một góc đường – ảnh: Giang Phan |
Vất vả với nghề rong ruổi
Trong một con hẻm nhỏ thuộc phường 15, quận Tân Bình, chúng tôi gặp chị Nguyễn Thị Nga (quê Bình Ðịnh). Năm nay chưa tới 30 xuân xanh nhưng vẻ lam lũ bề ngoài khiến chị trông già trước tuổi. Người phụ nữ này đang mời chào khách mua trái cây trong cái sọt nhỏ chở trên chiếc xe đạp lạch cạch. Nhìn vào sọt, chúng tôi thấy vài ký cam và hai chùm nhãn còn lại. “Ði từ 4 giờ sáng đến giờ, chiều rồi vẫn chưa bán hết. Hôm nay ế quá!”, chị cảm thán. Hỏi về thu nhập từ việc buôn bán này, chị Nga cho biết mỗi ngày kiếm lời được trên dưới 200 ngàn đồng, song đó là ngày thời tiết thuận lợi, không mưa bão và sức khỏe tốt. Nếu đi bán đều suốt 30 ngày/tháng thì tạm ổn cho cuộc sống ở trọ với chi tiêu đơn giản, tiết kiệm, nhưng theo chị “mỗi tháng mình chỉ bán chừng 24 – 25 ngày vì nhiều lý do, vì thế thu nhập chưa tới 6 triệu đồng/tháng”. Như chị kể thì công việc khá cực vì phải dậy sớm từ 3 – 4 giờ sáng để lấy hàng rồi đạp xe từ nhà trọ ở An Sương vòng vòng trong quận 12, tới các quận xung quanh như Gò Vấp, Tân Bình… “Ði xe đạp và mình cũng không được khỏe lắm nên chỉ quanh quanh mấy quận, hôm ế thì lại chở về, mai lấy thêm bán tiếp”, chị nói. Gia cảnh ở quê của chị khá khó khăn, không học lên cao, khó tìm một công việc tại địa phương nên khăn gói vào Sài Gòn, song với số vốn ít ỏi, khả năng hạn chế, chị loay hoay một thời gian, đành xoay ra việc đi bán dạo này.
Ở khu vực quận 10, chàng trai Nguyễn Ðình Bình, 28 tuổi (quê Long An) cũng đang mời người mua với rổ khoai luộc, chuối luộc tại góc đường gần một bệnh viện. Theo anh bạn trẻ kể thì ở quê, gia đình có ruộng song mấy năm trở lại đây, thường bị ngập, mất mùa. Có năm được mùa thì gạo lại rớt giá. Vì thế, dù có đất nhưng gia đình Bình vẫn thiếu trước hụt sau. Anh đành vào Sài Gòn, hy vọng tìm một việc gì đó khả dĩ đủ sống. Cũng như chị Nga, ban đầu anh Bình cũng loay hoay, chưa biết làm gì. Trình độ chuyên môn, nghề nghiệp không có, lại học ít nên chuyện xin một việc ở công sở là không thể. “Tôi quen với khoai sắn nên vào Sài Gòn, sau một hồi đắn đo, mình chọn việc đến chợ đầu mối mua khoai rồi về luộc bán. Ban đầu các bà, các chị trong khu nhà trọ cười tôi là con trai mà đi bán khoai. Nhưng rồi họ cũng hiểu, sáng nào cũng mở hàng tôi vài củ khoai, mấy trái chuối nấu”, Bình trải lòng. Anh cũng có nỗi lo trời mưa bất thường và những ngày bị bệnh không thể ra ngồi bán, song lại có chút vui khi bảo: “Ðang bán mà mưa thì rầu. Tuy nhiên, sau cơn mưa, mình thường bán đắt hàng hơn vì trời lạnh, ai cũng muốn ăn một trái chuối nấu hoặc củ khoai nóng”.
Trong số những người làm nghề “rong ruổi”, gần đây, chúng tôi được tiếp xúc với cô gái trẻ Trần Thị Bảy, 25 tuổi (quê Nghệ An). Công việc hằng ngày của cô là đi thu gom ve chai. Theo lời Bảy thì: “Ở quê tôi, mất mùa là thường xuyên vì bão lũ, chăn nuôi thì hay bị dịch, đất đai có đó nhưng khó bảo đảm cuộc sống nên người trẻ thường có xu hướng rời quê đi xuất khẩu lao động hoặc vào Sài Gòn kiếm sống…”. Bảy vào Sài Gòn làm việc này do được các cô, dì đồng hương dìu dắt, tính đến nay cũng đã được 3 năm. Với cô bạn trẻ này, đi làm như thế được ngày nào hay ngày đó, thu nhập lên xuống thất thường. Ði rong ruổi là nỗi vất vả hằng ngày, có hôm việc mua bán chỉ đủ trang trải cho một ngày sống nhưng thi thoảng cũng “trúng mánh”. “Thích nhất là ngang qua những khu biệt thự quận 3, quận 10…, cất tiếng rao và từ trong sân, cánh cổng mở ra mừng rỡ. Họ cho không báo cũ, lon bia – nước ngọt… Những ngày như thế thu nhập vài trăm trăm ngàn là bình thường”, Bảy có phần hào hứng.
Chị Bảy bên chiếc xe thu mua ve chai mỗi ngày – ảnh: Ngọc Hà |
Và những nỗi niềm khác…
Ðôi vợ chồng Bách Thanh – Trúc Ngọc vừa rời một nhà trọ ở nội thành về thuê nhà ở Củ Chi. Họ lấy nhau đã được cả chục năm nay, có hai mặt con nhưng cuộc sống vẫn cứ bấp bênh. Thanh quê Vũng Tàu, còn Ngọc ở Kiên Giang, đôi bạn gặp nhau tại một nhà may gia công tư nhân tại Phú Nhuận với công việc ráp quần áo cho chủ và ăn lương theo sản phẩm. Cùng cảnh ngộ khó khăn và xa quê nên cả hai dễ cảm thông và nảy sinh tình yêu. Tiến đến hôn nhân, hai người vẫn làm công việc trên một thời gian, rồi cơ sở đó giải thể, vợ chồng lại nhận hàng ở chỗ chủ khác về làm tại nhà, việc lúc có lúc không nên cuộc sống khá khó khăn. Khi vợ sanh, chỉ có một mình anh Thanh làm, tiền không đủ trang trải mọi thứ, họ phải vay mượn đầu nọ đắp đầu kia. “Công việc ráp quần áo như tôi thì không khá được, đủ sống là may nhưng mình cũng chưa biết xoay ra hướng nào khác. Có thời gian, bà xã tôi chuyển sang bán găng tay, khẩu trang trước hiên một nhà quay ra chợ song thu nhập thất thường, vốn ít nên lời lãi không bao nhiêu. Chúng tôi di chuyển nhà trọ mấy bận rồi, giờ thì ra ngoại thành để đỡ tiền trọ…”, anh Thanh trầm giọng.
Trong số những người trẻ nhập cư chúng tôi gặp, cũng không thiếu những anh chị em rời quê không phải vì ở đó không thể xoay xở một công việc nuôi sống bản thân nhưng do họ không hứng thú với cuộc sống bên trong “lũy tre làng”; cũng có người tốt nghiệp đại học, cao đẳng ở Sài Gòn, về quê không xin được việc phù hợp với chuyên môn nên quyết định bám trụ ở thành phố, chấp nhận làm một công việc lặt vặt nào đó để hy vọng từ từ sẽ có cơ hội khác tốt hơn. Như chàng trai trẻ Phạm Tấn Thành (quê Vĩnh Long), ra trường 2 năm nay, vẫn đang làm công việc “phát tờ rơi” và phụ bưng bê cho một quán ăn với tiền công từ 150 – 200 ngàn đồng/1 ngày; hay anh Vũ Hùng (quê Bến Tre), sau khi tốt nghiệp đại học một ngành xã hội, từng thay đổi vài ba chỗ làm ở Sài Gòn mà vẫn chưa ổn, hiện đang thử bán hàng trên mạng xem sao…
Vài điểm chấm phá trong bức tranh muôn màu của thành phố năng động này, chưa phải là tất cả song cũng có thể thấy được phần nào những vất vả của một bộ phận người di dân, khi họ phải đối diện với thực trạng “ở phố thì khó, về quê không xong”. Nhiều người vẫn đang nhẫn nại trải nghiệm những khó khăn với niềm hy vọng về một tương lai tươi sáng hơn…
Nguồn: cgvdt.vn
http://www.cgvdt.vn/xa-hoi/bap-benh-giua-long-thanh-pho_a10473