Mới đầu hè, mà báo chí đã lắm các vụ tai nạn đáng tiếc cho trẻ con ở khắp nơi với các nguy cơ té ngã, ngộp nước, điện giật, ra đường thì tai nạn giao thông làm các bố mẹ ai cũng lo lắng trong lòng với những ngày hè của con.
“Không đi ra đường vì sơ tai nạn gãy chân, nhưng nếu vì thế mà ngồi lỳ trong nhà thì khác nào đôi chân đã gãy”. Nếu vì những lo ngại rủi ro mà để con ở nhà mãi trong ba tháng hè, đắm chìm trong game, trong ipad iphone thì còn đâu là tuổi thơ của con nữa. Bài toán dung hòa thật không dễ dàng gì.
Bỏ qua các lý do từ phía thời gian rảnh không có, tiền bạc eo hẹp.. thì thiết nghĩ cũng còn nhiều điều để các bố mẹ có thể chuẩn bị cho mình và cho con để có một mùa hè an toàn nhất có thể, và có lẽ lý do đó đã đưa các gia đình đến với buổi huấn luyện kỹ năng Sơ cấp cứu tại hiện trường do Hội Quán Các Bà Mẹ phối hợp cùng TGM và quacuabo.com tổ chức tại trường mầm non Hạt Đậu Nhỏ.
Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến – Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu – Chống độc của BV Nhi Đồng 1, trong buổi huấn luyện kỹ năng sơ cấp cứu tại hiện trường đã nói “Chỉ cần các bố mẹ sơ cứu tốt, đưa đến viện chúng tôi sẽ cứu được với xác suất rất cao, chỉ cần sơ cứu tốt, di chứng chết não với trẻ sẽ giảm đi rất nhiều, ngay trong vài phút vàng sau xảy ra tai nạn, không có bác sĩ và phương tiện nào bên cạnh, khi đó, không ai khác, chính mình hãy cứu lấy con mình”.
Thông thường, khi không biết phải làm gì, không biết bắt đầu từ đâu, người ta sẽ rối trí, nhất là khi người thân gặp nạn, lúc đó, người hiểu biết có thể chỉ huy được đám đông hỗ trợ hiệu quả thay vì đứng nhìn, có thể hành động ngay và đúng nhất, không làm những động tác cảm tính, thừa, không lợi ích cho nạn nhân. Vì thế, hãy học, để biết,để hiểu rõ, để có thể bình tĩnh khi có biến cố xảy ra.
Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến – Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu – Chống độc của BV Nhi Đồng 1, trong buổi huấn luyện kỹ năng sơ cấp cứu
Bác sĩ hướng dẫn và cho các bố mẹ thực hành trên mô hình thủ thuật cấp cứu ấn tim, thổi ngạt khi trẻ ngừng tim, ngừng thở, tím tái, không phản ứng. Tùy tuổi trẻ mà dùng 2 ngón tay, một bàn tay hay cả hai bàn tay vuông góc cơ thể trẻ ấn xuống, cách ước lượng để vẫn hiệu quả mà không làm trẻ chấn thương thêm, sau đó cho trẻ nằm nghiêng ở tư thế an toàn 3 điểm tiếp xúc. Ví dụ trẻ nghiêng phải, thì tay phải, chân phải và đầu gối chân trái sẽ tiếp xúc vững vàng với mặt giường, để nếu trẻ nôn trớ ra ngoài dễ dàng mà không bị ngạt, cũng không dễ tự lật lại.
Trường hợp hóc dị vật đường thở, nếu là vật cứng, hầu hết các ca là không nên làm gì cả nếu trẻ vẫn còn nói được thở được, việc cần nhất là trấn an trẻ, chọn tư thế giúp trẻ thở dễ nhất và gọi taxi đến ngay bệnh viện, tránh trường hợp làm không tốt, dị vật xoay trở gây tổn thương thêm hoặc chèn bít đường thở của trẻ. Nếu trẻ không thể nói được, không thở được, thì lập tức cấp cứu cho trẻ với thủ thuật Hemlich. Trường hợp hóc cháo, sữa lỏng cần giúp trẻ khai thông đường thở. Người tham dự đã được bác sĩ Tiến hướng dẫn cách vỗ lưng ấn ngực, cách quan sát dấu hiệu sinh tồn cũng như dấu hiệu nguy cơ của trẻ để ứng biến đúng cách. Ít khi nào, mọi người tham gia vào một buổi học hăng say đến vậy, có lẽ, các bố mẹ hiểu rất rõ việc mình có đủ hiểu biết và bình tĩnh quan trọng đến thế nào để có thể giúp con và người thân khi có biến cố xảy ra.
Các câu hỏi khác về chuyện chăm con, xử trí với những tình huống khác được các bố mẹ đặt ra với bác sĩ Tiến như muốn kéo dài mãi. Thế mới biết sinh con thì dễ, mà nuôi con thì như một nghề đặc biệt mà bố mẹ cứ phải học suốt đời theo hành trình lớn lên của con trẻ.
Phan Diệu Linh/Hoiquancacbame.com