(Phunuhiendai.vn) – Dù vô ý hay cố ý, con người vẫn thường hay khát khao hạnh phúc, xem hạnh phúc là mục đích của đời mình. Chúng ta kết nối với bạn bè, lập gia đình, trở thành một công dân tốt trong xã hội, nỗ lực cải thiện đời sống vật chất,… liệu có đủ để định nghĩa hạnh phúc? “Bàn về hạnh phúc” – cuốn sách sẽ chia sẻ với chúng ta những suy ngẫm về con đường tìm kiếm chân hạnh phúc và những phương pháp để có được hạnh phúc trong cuộc sống.

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống về khoa học, nhận được nhiều học bổng, cơ hội học tập lên cao, từ bỏ công việc là một nhà nghiên cứu tế bào di truyền để lên đường tới Tây Tạng, trở thành nhà tu hành Phật giáo và là thị giả của đức Đạt Lai Lạt Ma. Matthieu Ricard đã sống trên rặng núi Himalaya từ hơn 30 năm nay bên những vị thầy tâm linh lớn. Với quyết định ở lại tu viện Shechen (Nepal), ông đã cống hiến cuộc đời cho tu hành, bảo tồn nền văn hóa Tây Tạng và cho những dự án nhân đạo ở Tây Tạng.

Bằng những trải nghiệm thực tế, tác giả Matthieu Ricard đã chia sẻ với độc giả những mẩu chuyện mà ông gặp trên hành trình tu hành của mình. Những giác ngộ mà tác giả nhận ra khi bắt gặp một cuộc đời chỉ biết thực hành thiền từ 4-5 tiếng một ngày của một tù nhân bị kết án 25 năm tù tại Mỹ vì tội buôn ma túy, khi nhận được những niềm vui tích cực và sự thanh thản tỏa ra từ người bạn sống ở rìa làng tại Bhutan – người “không bao giờ ra ngoài và ít cử động trên tấm đệm đặt ngay dưới sàn”, khi chính bản thân mình trải nghiệm hàng loạt sự cố trong lúc di chuyển bằng tàu hỏa tại Ấn Độ,… đều làm nên những lăng kính rất đặc biệt cho hai từ “hạnh phúc”.

Bìa sách “Bàn về hạnh phúc”

Con người vẫn hay tin rằng, hạnh phúc sẽ đến khi cuộc sống đều thỏa mãn tất cả những điều ta mong muốn. Nhưng mong muốn của ta chưa bao giờ là đủ. Ta vẫn thường hay nhìn cuộc sống và khát khao hạnh phúc bằng những giá trị quan của mình. Trong cuốn sách này, Matthieu Ricard nói với chúng ta bài học rằng hạnh phúc không phải là khi ta “muốn gì được nấy trong suốt cuộc đời” vì sẽ có những lúc mình “đã có tất cả để hạnh phúc” nhưng lại không hề cảm thấy hạnh phúc.

Matthieu Ricard cho rằng hạnh phúc của cuộc đời là trạng thái an lạc từng giây phút cùng với tình yêu thương mà ta dành cho người khác. Chúng ta không coi nhẹ hạnh phúc của chính mình nhưng niềm khát khao hạnh phúc của chúng ta cũng chính đáng như bất kỳ ai. Mình cũng hạnh phúc khi mang lại hạnh phúc cho ai đó. “Hạnh phúc thực sự bắt nguồn từ lòng nhân từ cốt lõi, mong muốn chân thành cho ai cũng tìm được ý nghĩa của cuộc đời mình. Đó là một tình yêu thương luôn sẵn đó, không phô trương, không tính toán. Là sự giản dị trước sau như một của một tấm lòng nhân hậu”.

“Bàn về hạnh phúc” là sự giao thoa giữa khoa học và tâm linh

Cuốn sách đề cập đến những vấn đề thiết thực như những tham lam, dục vọng, hận thù, bi quan,… những điều khiến con người dễ đánh mất đi hạnh phúc, dễ rơi vào trạng thái là “con bài” của những nỗi đau và chỉ ra những cách giúp ta chế ngự những đức tính chưa tốt ấy để mỗi ngày hoàn thiện chính mình hơn. Song ngoài việc học cách nhìn vào bên trong và khám phá thế giới nội tâm chính mình, ta cũng cần tìm hạnh phúc bằng mọi giá ở bên ngoài mình, làm quen và tiếp cận thế giới với lăng kính vừa sâu sắc hơn, vừa vị tha hơn

Người có nội tâm bình yên không bị đau khổ vì thất bại, cũng không bốc đồng lúc thành công. Người đó biết sống trọn vẹn những kinh nghiệm trên với nội tâm sâu xa và trải rộng, ý thức rằng những kinh nghiệm đó sẽ trôi qua và chẳng có lý do gì để bám chấp vào đó. Người đó không thể “choáng” khi mọi sự biến chuyển theo chiều hướng xấu đi và khi phải đương đầu với khó khăn. Người đó không bị rơi vào trạng thái trầm uất bởi hạnh phúc của anh ta được đặt trên những cơ sở vững chắc.”

Hạnh phúc sẽ không tự nhiên mà có, nó đến từ cách chúng ta thay đổi nhận thức của bản thân mình. Hạnh phúc là quá trình “lửa thử vàng”, cần phải được xây dựng bằng nỗ lực của từng người. Khi trải nghiệm cảm giác hạnh phúc, tâm hồn ta sẽ giảm thiểu tổn thương nhiều hơn, những trạng thái bất an, lo lắng đều sẽ phải nhường chỗ cho một tâm hồn đầy vị tha và tĩnh lặng.

Khi con người bước vào một xã hội hiện đại, với đầy đủ những vật chất, tiện nghi và sự phát triển đến chóng mặt của thế giới xung quanh mình, kéo theo đó là thế giới ảo, con người không chỉ tự hỏi mình có đang hạnh phúc mà còn hoài nghi liệu hạnh phúc hiện tại là thực hay hư? Hạnh phúc 4.0 không dễ để định nghĩa, cũng không dễ để tìm thấy khoảnh khắc an lạc trong từng khoảnh khắc hiện tại bởi chúng ta vẫn hay bị bủa vây bởi rất nhiều áp lực sống và những lo toan thường nhật.

Dù bạn là ai thì cuốn sách này vẫn dành cho bạn, vì đã là con người, ai cũng khát khao hạnh phúc, nhưng để có được hạnh phúc, ta cần phải hiểu hạnh phúc là gì. Cuốn sách “Bàn về hạnh phúc” chính là một lời giải đáp hoàn hảo cho những ai vẫn đang loay hoay tìm kiếm hạnh phúc trong đời mình.

Mang trong mình một tâm hồn phong phú được giao thoa từ nhiều nền văn hóa, với những cuộc hội ngộ cùng những nhà minh triết lớn, với sự hiểu biết sâu sắc về Phật giáo, có nhiều kinh nghiệm trong nhiều năm hành thiền và sự cảm thông với những đau khổ của con người, Matthieu Ricard cùng với “Bàn về hạnh phúc” đã làm nên một bức tranh hài hòa với triết lý của Đạo Phật và những nghiên cứu về khoa học hạnh phúc, gửi gắm đến bạn đọc những ý nghĩa sâu sắc của hạnh phúc.

Ngọc Diễm/ Thaihabooks

 

 

 

*Nội dung được thực hiện theo ĐKKD của C.A.M Media

 

 

 

 

 

Bệnh viện Hạnh Phúc