Vùng kín của phụ nữ là khu vực vốn dĩ rất nhạy cảm, dễ bị viêm nhiễm nếu không được chăm sóc, vệ sinh đúng cách. Học cách chăm sóc vùng kín cũng có nghĩa bạn đang bảo vệ sức khỏe của mình. Hãy thực hiện bài trắc nghiệm sau để biết bạn có chăm sóc vùng “nhạy cảm” của mình đúng cách hay chưa?
1. Vệ sinh khu vực “bikini” nhiều lần bằng những loại dung dịch vệ sinh phụ nữ.
a. Đúng
b. Sai
Đáp án đúng: Câu b
Thực tế, âm đạo của phụ nữ chứa nhiều vi khuẩn có ích. Những vi khuẩn này có khả năng ngăn chặn sự phát triển của nhiều mầm bệnh, giúp vùng nhạy cảm được vệ sinh sạch sẽ một cách tự nhiên. Rửa quá nhiều lần vùng này, nhất là dùng đến các dung dịch vệ sinh sẽ không giúp làm sạch hơn như bạn tưởng, ngược lại có thể gây dị ứng cho vùng da nhạy cảm, khiến các vi khuẩn có lợi bị tiêu diệt hết, dẫn đến dễ mắc bệnh hơn. Cách làm đúng là chỉ nên vệ sinh vùng kín bằng nước sạch, trong trường hợp phải dùng đến dung dịch vệ sinh thì phải có sự hướng dẫn của bác sĩ. Bạn cũng phải lưu ý rằng không được thụt rửa quá sâu vào bên trong.
2. Sau khi đi vệ sinh, bạn chùi rửa vùng nhạy cảm của mình theo chiều:
a. Từ trước về sau
b. Từ sau ra trước
Đáp án đúng: Câu a
Nhiều chị em có thói quen chùi rửa vùng hậu môn trước, sau đó mới quay trở ra “vùng kín”. Đây là thói quen có hại và là cách làm sai. Khi vệ sinh, bạn nhớ phải thực hiện đúng động tác theo chiều từ trước về sau, tức chùi rửa vùng kín trước, sau đó mới đến khu vực hậu môn. Sở dĩ phải tuân thủ theo chiều này là để tránh việc bạn vô tình đưa các vi khuẩn có hại từ sau hậu môn lên vùng nhạy cảm, dễ gây nhiễm trùng, nhiễm khuẩn.
Bạn cũng cần lưu ý là sau khi đi vệ sinh, phải lau thật khô vùng nhạy cảm trước khi thay quần lót sạch, không nên để quần lót ẩm ướt sẽ là môi trường lý tưởng cho các bệnh phụ khoa phát sinh.
3. Loại quần lót bạn chọn thường có chất liệu:
a. Cotton
b. Lụa
c. Chất liệu nào cũng được, miễn có vẻ gợi cảm, quyến rũ là được rồi!
Đáp án đúng: Câu a
Rất nhiều chị em khi chọn quần lót thường chỉ chăm chút đến màu sắc, kiểu dáng sao cho thật gợi cảm trong mắt đức lang quân, song lại quên mất rằng chức năng chính của quần lót là bảo vệ vùng nhạy cảm của bạn. Sự khô thoáng, dễ thấm hút là đòi hỏi quan trọng nhất, vì vậy, bạn nên chọn quần có chất liệu cotton, quần vừa vặn, không quá chật, ôm gọn gàng lấy “khu vực cấm địa”. Tránh chọn những loại quần dây, lưới, quần quá sát. Quần lót khi mặc xong nên được giặt ngay, phơi ngoài nắng cho khô. Tránh tình trạng để cả tuần mới giặt, tránh giặt chung với áo quần (đặc biệt là đồ lót) của người khác, tránh ngâm cả buổi rồi mới giặt.
4. Vào những ngày “đèn đỏ”, bạn nên thay băng vệ sinh khi:
a. Băng thấm ướt hết.
b. Tối đa 4 tiếng/lần. Trường hợp băng thấm ướt trước 4 tiếng cần thay ngay.
c. Khi nào thấy có mùi khó chịu thì thay.
Đáp án đúng: Câu b
Máu kinh vốn rất sạch, nhưng khi ra ngoài lại là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển. Vì vậy, trong những ngày “đèn đỏ”, bạn bắt buộc phải thay băng thường xuyên, tối đa là 4 tiếng /lần. Những ngày đầu, nếu máu ra nhiều thì thay băng nhiều hơn. Mỗi lần thay băng vệ sinh, cần rửa bộ phận sinh dục bằng nước sạch, sau đó lau khô bộ phận sinh dục trước khi mang băng vệ sinh vào.
Cũng cần lưu ý thêm với bạn rằng, ngày thường không nên dùng băng vệ sinh (loại hàng ngày) thường xuyên vì dễ gây ra viêm nhiễm âm đạo.
5. Khi nào thì nên đi khám phụ khoa?
a. Khi có những biểu hiện bất thường ở vùng cấm địa như ngứa, rát, đau, ra dịch bất thường, v.v..
b. Khám định kỳ 6 tháng/lần.
c. Sau khi lập gia đình.
Đáp án đúng: Câu b
Tất nhiên, bạn nên đi khám phụ khoa khi có những dấu hiệu, biểu hiện bất thường ở vùng cấm địa. Tuy nhiên, chừng đó là chưa đủ. Ngay cả khi không có triệu chứng gì bất thường thì ở độ tuổi 18 trở lên, bạn đã cần phải đi khám phụ khoa định kỳ 6 tháng/lần. Việc khám phụ khoa định kỳ như vậy sẽ giúp bạn phát hiện bệnh sớm (nếu có), tránh tình trạng khi bệnh đã tiến triển đến mức trầm trọng, biểu hiện rõ rệt rồi mới đi khám thì có khi đã khá trễ.
Cũng cần thay đổi quan niệm rằng việc khám phụ khoa chỉ dành cho phụ nữ đã lập gia đình. Thực tế, bệnh phụ khoa không hề chờ đến khi bạn lập gia đình mới phát sinh. Việc thăm khám rất đơn giản, không gây đau. Nếu bạn chưa lập gia đình và chưa có quan hệ tình dục thì có thể nói với bác sĩ, bác sĩ sẽ có cách thăm khám phù hợp với bạn.
Nguồn: mevacon.com