Hiếu chiến thụ động không thuộc về bản chất mà xuất phát từ cách thức người ta giao tiếp, tương tác với nhau và cách người ta xử lý các xung đột, mâu thuẫn xung quanh họ.
Hậu quả mà hiếu chiến thụ động gây ra là người xung quanh cảm thấy khó gần với bạn, khó tin tưởng và khó tôn trọng bạn dù bản thân bạn muốn mình được người khác tin tưởng và tôn trọng.
Bạn là “chúa” né tránh trả lời một cách trực tiếp
bằng cách đi lòng vòng để mở đầu một câu chuyện? – Ảnh minh họa
Sau đây là những biểu hiện của hiếu chiến thụ động (dù có khác biệt ở nam và nữ), những hành vi bạn cần tham chiếu với bản thân, tìm cách khắc phục để hoàn thiện bản thân và hòa hợp tốt hơn với môi trường xung quanh:
1 – Không sẵn lòng nói đúng sự thật khi được hỏi ý kiến hoặc được đề nghị giúp đỡ từ người khác
Lối ứng xử này được biểu hiện qua việc nói lời đồng tình khi được hỏi ý kiến hoặc đồng ý giúp đỡ ai đó nhưng thật chất bạn không nghĩ vậy hoặc không sẵn sàng giúp đỡ ai đó. Lẽ ra bạn nên thẳng thắn nói ra suy nghĩ của mình. Điều này sẽ làm người khác bối rối và mất lòng tin nơi bạn.
2 – Biểu hiện ngọt ngào, thuận ý nhưng thật sự thì rất bực dọc và bất hợp tác
Đây là hiểu hiện của việc sống trong hai trạng thái đối cực nhau, làm người xung quanh “phát điên” với bạn vì thấy bạn quá mâu thuẫn và đôi khi là “đáng sợ” nữa.
3 – Sợ cô đơn nhưng cũng sợ bị lệ thuộc
Bạn sợ những ứng xử trực tiếp bởi bạn sợ bị từ chối. Điều này vô tình đẩy mọi người ra xa bạn hơn vì người khác nhìn vào sẽ cho là bạn không cần sự giúp đỡ, hỗ trợ và sự quan tâm của họ. Tuy nhiên, đồng thời bạn lại sợ cảm giác một mình, sợ “bị” một mình và muốn kiểm soát những người xung quanh để họ không rời xa bạn.
4 – Hay phàn nàn rằng bạn bị đối xử bất công
Thay vì nhận lấy trách nhiệm để tiến thêm một bước và nói ra sự thật bạn lại tự cho mình là nạn nhân, với sự ngây thơ và vô tội thông qua việc bất bình rằng người khác quá khắt khe với bạn, bất công, vô lý và đòi hỏi quá nhiều ở bạn.
5 – Thường xuyên trì hoãn những điều hứa làm cho người khác
Vì bạn cho rằng một trong những cách kiểm soát (quản lý) người khác là bắt họ chờ đợi bạn. Bạn đưa ra nhiều lý do cho sự chần chừ và bê trễ của mình. Thậm chí có khi bạn còn quy trách nhiệm cho người khác vì sự trì hoãn của chính mình. Điều này dần dà sẽ hủy hoại các quan hệ, công việc và bạn bè của bạn.
6 – Không sẵn sàng trả lời thật lòng
Bạn cho rằng đưa ra những thông điệp nhập nhằng không rõ ràng là cách để kiểm soát người khác. Bạn lập lờ về suy nghĩ, dự tính của mình. Người khác sẽ cảm thấy mình bị biến thành kẻ ngớ ngẩn khi nghe điều bạn nói và thấy điều bạn làm bất nhất.
7 – Hờn dỗi, rút lui và dè bĩu
Bạn không hài lòng vì cho rằng người khác vô lý và thiếu đồng cảm với mình trong khi người khác mong muốn bạn giữ lời hứa, làm đúng nhiệm vụ hay cam kết nào đó. Với sự hiếu chiến thụ động, phụ nữ thường im lặng còn nam giới thì vừa thở dài nặng trịch, lắc đầu nguầy nguậy vừa bỏ đi. Hành vi này mang ẩn ý: “Bạn rối quá” hay “Bạn chẳng đáng để tôi nói tới”. Lý do của hành vi này là bạn không thể, không muốn hoặc sẽ không nhận lấy trách nhiệm về hành vi của mình.
8 – Thường trễ giờ hoặc hay quên
Một cách ứng xử làm người khác xa lánh bạn là thiếu suy nghĩ, thiếu quan tâm và hay cáu giận. Bạn trễ giờ hay thất hứa nhưng viện đủ lý do và cho là thật phi lý khi buộc bạn phải đúng giờ vì lý do này nọ. Trễ giờ và thất hứa do quên là những biểu hiện tiêu cực làm người khác bất tín với bạn.
9 – Thêu dệt, bịa chuyện và nói dối
Bạn là “chúa” né tránh trả lời một cách trực tiếp bằng cách đi lòng vòng để mở đầu một câu chuyện, giấu giếm thông tin hoặc thậm chí che giấu tình cảm và sự xác nhận nào đó đối với những quan hệ thân sơ. Bạn cho rằng bịa chuyện hoặc đơm đặt, lý do này nọ để tạo những khoảng dừng, làm người khác mất tập trung và bạn có thể dẫn dắt họ theo ý mình.
10- Thường xuyên bảo vệ bản thân mình bằng cách tạo cho người khác cảm giác bạn sợ sự bất công, không hoàn hảo, sợ bị bỏ rơi, sợ bị lệ thuộc
Ở trên là những biểu hiện phổ biến của hành vi hiếu chiến thụ động trong công việc và sinh hoạt. Điều cần làm là nhận thức chính xác và rõ ràng về chúng, thứ đến là chuyển hóa chúng thành những hành vi tích cực. Có thể bạn cần nói chuyện với một chuyên gia để giúp bạn hiểu rõ mình và những hành vi của mình hơn cũng như ảnh hưởng của chúng đến người xung quanh. Sau đó, bạn sẽ chọn cho mình cách phản ứng và ứng xử khác nhau để đạt hiệu quả tốt nhất cho mình và những người xung quanh.
Thành thật mà nói, ai trong chúng ta ít nhiều đều có những biểu hiện của hiếu chiến thụ động, không lúc này thì lúc khác.
Mục đích của bài viết này làm rõ và gợi mở hai điều chủ yếu: giúp bạn nhận thức những hành vi không tốt cho bạn và người khác hoặc là bạn cứ thế mà ứng xử và xem đó là vấn đề của người khác chứ không phải của mình. Chọn điều thứ nhất để được chấp nhận, được yêu thương và tôn trọng. Hãy khắc phục càng sớm càng tốt nếu bạn có một trong những biểu hiện trên.
Trần Trọng Hiếu
(Theo The Live Science)