Rời bụng mẹ, trẻ bắt đầu một giai đoạn mới: Tự thở, tự ăn, tự bài tiết mỗi ngày. Dinh dưỡng đầu đời (trong vòng 1 năm đầu tiên) cực kỳ quan trọng với trẻ, vì giúp trẻ sinh tồn, phát triển, giúp trẻ đủ sức khỏe chống chọi với các loại vi khuẩn gây hại từ môi trường xung quanh.

Cơ thể trẻ trong 1 năm đầu sau sinh có chức năng tiêu hóa, bài tiết chưa hoàn thiện, đòi hỏi mẹ phải có những hiểu biết nhất định để lựa chọn và thực hành việc nuôi con, bổ sung dinh dưỡng cho con một cách tốt nhất. Dinh dưỡng tối ưu sẽ giúp trẻ phát triển hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng của cơ thể và bảo vệ các cơ quan còn non yếu.

Không đơn giản, mẹ nhé!

Trong năm đầu của cuộc sống, tốc độ tăng trưởng của trẻ rất mạnh. Thông thường cân nặng của trẻ sẽ tăng gấp đôi cân nặng lúc sinh khi trẻ đạt 6 tháng tuổi và tăng gấp ba khi trẻ 12 tháng tuổi.

Chiều dài trung bình là 50cm ở trẻ sơ sinh đủ tháng sẽ tăng lên 75cm khi trẻ 12 tháng tuổi. Chính vì vậy, nhu cầu về năng lượng, đạm, chất béo… ở trẻ cao hơn hẳn so với người lớn. Ví dụ, nếu tính theo cân nặng, trẻ cần số lượng chất đạm cao gấp 3 lần so với nhu cầu này ở người lớn. Điều này cho thấy trẻ cần một nguồn dưỡng chất dồi dào như thế nào để tăng trưởng.

Tuy nhiên, cái khó nhất nằm ở chỗ: Bạn không chỉ phải cung cấp cho trẻ đủ lượng dưỡng chất cần thiết mà còn phải cung cấp các chất dinh dưỡng phù hợp, để để cơ thể bé nhỏ non nớt của con có thể tiêu hóa và hấp thu được.

bai-toan-dinh-duong-cho-con-mot-nam-dau-doi

Khả năng tiêu hóa của trẻ trong năm đầu tiên rất hạn chế do dung tích dạ dày còn nhỏ, các men tiêu hóa chất đạm, chất bột đường và chất béo chưa đầy đủ, nhất là trong 6 tháng đầu.

Trẻ dễ bị ọc sữa, đi tiêu nhiều hoặc ngược lại bị táo bón. Hệ miễn dịch của trẻ còn rất yếu nên trẻ cũng dễ bị nhiễm trùng, dị ứng với thực phẩm lạ ngoài sữa mẹ. Thậm chí một số trường hợp cá biệt, khi mẹ cho con bú sữa nhưng lại ăn nhiều thực phẩm sống, có gia vị cũng có thể khiến trẻ bị phản ứng, tiêu chảy và nôn ói.

Cân nặng và chiều cao trung bình của trẻ từ sơ sinh đến 12 tháng tuổi:

THÁNG TUỔI CÂN NẶNG TRUNG BÌNH

(KG)

CHIỀU CAO TRUNG BÌNH (CM)
  Trẻ trai Trẻ gái Trẻ trai Trẻ gái
Mới sinh 3,3 3,2 49,9 49,1
1 4,5 4,2 54,7 53,7
2 5,6 5,1 58,4 57,1
3 6,4 5,8 61,4 59,8
4 7,0 6,4 63,9 62,1
5 7,5 6,9 65,9 64,0
6 7,9 7,3 67,6 65,7
7 8,3 7,6 69,2 67,3
8 8,6 7,9 70,6 68,7
9 8,9 8,2 72,0 70,1
10 9,2 8,5 73,3 71,5
11 9,4 8,7 74,5 72,8
12 9,6 8,9 75,7 74,0

Đi tìm “lời giải” cho con!

Làm thế nào để giúp trẻ? Câu trả lời đầu tiên chính là sữa mẹ. Sữa mẹ trong 6 tháng đầu rất quý giá vì thành phần dinh dưỡng hoàn hảo, đáp ứng đủ cho nhu cầu tăng trưởng của trẻ mà không gây áp lực cho các cơ quan chuyển hóa còn non yếu.

Ví dụ, đạm sữa mẹ có hàm lượng thấp (chỉ bằng 1/3 so với đạm sữa bò) mà chất lượng lại cao, dễ tiêu hóa, dễ hấp thu do giàu thành phần đạm whey mềm mại. Chất béo trong sữa mẹ có nhiều chất thiết yếu với các men tiêu hóa chất béo có sẵn giúp chất béo được hấp thu hoàn hảo. Các muối khoáng và các vitamin trong sữa mẹ cũng vậy, rất dễ hấp thu mặc dù hàm lượng thấp hơn sữa bò.

Chính vì tất cả các yếu tố này mà sữa mẹ chính là lựa chọn tốt nhất cho trẻ trong suốt 1 năm đầu đời, bảo vệ trẻ khỏi áp lực phải “thu nạp” quá nhiều dưỡng chất phục vụ cho tăng trưởng trong khi hệ tiêu hóa còn non yếu. Đặc biệt, mẹ cần trang bị thêm cho mình một chút kiến thức về sữa non – một nguồn dinh dưỡng đúng nghĩa quý như vàng cho trẻ lúc đầu đời.

bai-toan-dinh-duong-cho-con-mot-nam-dau-doi

Sữa non có tên thông dụng là sữa đầu hay còn được gọi là thức ăn đầu tiên của sự sống (tên khoa học là Colostrum). Sữa non có màu vàng, đặc dính, xuất hiện vào cuối thời kỳ mang thai và lưu thông qua tuyến vú của người mẹ trong vòng 72 giờ đầu sau khi sinh.

Sữa non chứa nguồn chất đạm gấp đến 10 lần sữa mẹ thông thường. Đây cũng là loại sữa duy nhất chứa một lượng rất lớn kháng thể (IgA, IgG, IgM, IgD), bạch cầu (4.000 bạch cầu trong 1ml), vitamin A để giúp bé yêu của bạn giảm được các nguy cơ nhiễm khuẩn, nhiễm trùng, bị dị ứng khi chuyển đổi môi trường.

Chỉ cần được bú sữa non, bé sẽ rất hiếm khi mắc các bệnh như sởi, ho gà, tiêu chảy, viêm phổi, khô mắt…; gần như được miễn dịch với những căn bệnh nhiễm khuẩn, hay ăn chóng lớn, phát triển cân đối. Đây được xem như thứ “vắc-xin” tuyệt vời, cực kỳ an toàn, nhằm bảo vệ trẻ suốt giai đoạn đầu tiên.

Ngày nay, khoa học dù hiện đại đến mức nào, con người vẫn không thể tổng hợp nổi bất kỳ thực phẩm nào giàu kháng thể đặc biệt như những giọt sữa non đầu tiên của mẹ. Thế nên, bạn hãy tận dụng cho con những giọt sữa này, giúp bé bú được càng nhiều càng tốt trong ngày đầu tiên sau khi bé chào đời.

Sai lầm dễ mắc!

Mẹ cần tránh hiểu lầm là cứ cung cấp nhiều dưỡng chất với thành phần càng cao thì sẽ tốt cho trẻ. Bởi năm đầu tiên, cơ thể nhỏ bé của trẻ còn rất non nớt. Việc phải “giải quyết” quá nhiều dưỡng chất với thành phần cao có thể khiến trẻ phải “gồng mình” tiêu thụ các dưỡng chất dư thừa, vừa không cần thiết vừa có khả năng dẫn tới các bệnh lý về chuyển hóa như béo phì, tiểu đường và tim mạch sau này.

Các cột mốc mẹ cần ghi nhớ

Trong năm đầu đời của trẻ, trẻ sẽ trải qua một số cột mốc quan trọng về dinh dưỡng. Mẹ hãy xem kỹ bảng tổng hợp này để hiểu thật rõ từng bước phát triển của con nhé!

* Dưới 4 tháng tuổi:

– Đặc điểm: Hệ tiêu hóa của bé rất non yếu nên giai đoạn này bạn hoàn toàn chưa nên cho trẻ làm quen với bất kỳ thứ gì ngoài sữa mẹ. Trường hợp mẹ không đủ sữa, phải dùng sữa công thức thì cần chọn đúng sữa phù hợp với tháng tuổi của con, pha đúng cách, đủ lượng nước theo hướng dẫn. Không chủ động pha đặc sữa với mong muốn con hấp thu được nhiều dưỡng chất hơn.

– Thức ăn cho bé: Sữa mẹ hoặc sữa công thức.

* Từ 4-6 tháng tuổi:

– Đặc điểm: Nếu phát triển bình thường, đây là giai đoạn bé đã sẵn sàng làm quen dần với việc ăn dặm. Bạn có thể thử cho con làm quen với một vài thực phẩm ngoài sữa mẹ hoặc sữa công thức nếu bé có thể ngồi thẳng khi được mẹ đặt ngồi, có động tác nhai được khi mẹ thử cho một chút thực phẩm. Bé cũng đã có thể đẩy lưỡi qua lại và đã mọc răng.

– Thức ăn cho bé: Sữa mẹ hoặc sữa công thức, các thức ăn xay nhuyễn và cực dễ tiêu hóa như khoai lang, bí đỏ, táo, chuối, bột ăn dặm loãng. Nên bắt đầu với khoảng 1 muỗng cà phê thức ăn ngoài sữa, sau đó mới tăng lên dần khi thấy trẻ hấp thu được. Tăng dần độ đặc.

bai-toan-dinh-duong-cho-con-mot-nam-dau-doi

* Từ 6-8 tháng tuổi:

– Đặc điểm: Bé đã có thể ăn thành thạo hơn các thực phẩm ngoài sữa mẹ. Nếu phát triển bình thường, đây là giai đoạn bé chuyển từ bột ngọt sang bột mặn, đã làm quen được dần với thịt cá, rau củ trong điều kiện tất cả được xay nhuyễn hoặc băm nhuyễn, mịn. Bạn có thể cho bé ăn mỗi ngày trung bình 2-3 lần các thực phẩm ngoài sữa, với lượng tăng dần (mỗi lần trẻ có thể hấp thu khoảng 3 muỗng canh bột mặn, 1 muỗng cà phê rau củ, trái cây).

Luôn ghi nhớ công thức: Từ ngọt đến mặn, từ loãng đến đặc, từ mềm đến cứng, từ ít đến nhiều. Cho bé thử bất kỳ thực phẩm nào mới cũng chỉ nên dừng ở lượng rất ít (dưới 1 muỗng cà phê), theo dõi xem trẻ có dị ứng không rồi mới tăng dần lượng lên. Khi trẻ có bất thường về tiêu hóa, cần trao đổi ngay với bác sĩ chuyên khoa dinh dưỡng.

– Thức ăn cho bé: Sữa mẹ hoặc sữa công thức, các loại ngũ cốc (gạo, lúa mạch, yến mạch), trái cây xay nhuyễn hoặc nấu nhừ (chuối, lê, táo, đu đủ…), rau xay nhuyễn hoặc nấu nhừ (cà rốt, rau mồng tơi, bí đỏ, khoai lang…), thịt xay nhuyễn (thịt gà, thịt heo, thịt bò), đậu hũ xay nhuyễn…

* Từ 8-10 tháng tuổi:

– Đặc điểm: Bé ăn được nhiều thực phẩm ăn dặm ngoài sữa mẹ và sữa công thức hơn. Đặc biệt, đây là giai đoạn bé có dấu hiệu làm quen dần với việc ăn bốc, tự ăn thay vì chỉ chờ mẹ đút. Bạn nên cho bé thử ăn bốc khi nhận ra con có các dấu hiệu: Thích dùng tay bốc thức ăn, tò mò với thức ăn, có dấu hiệu thích bỏ mọi thứ trong tầm tay của mình vào miệng, sử dụng bàn tay thành thạo dần, nhai được các thực phẩm xắt hạt lựu chứ không cần xay nhuyễn hoàn toàn như trước nữa.

– Thức ăn cho bé: Vẫn duy trì lượng sữa mẹ hoặc sữa bột. Đã ăn được sữa chua, phô mai mềm với lượng ít. Ăn được ngũ cốc hỗn hợp, cháo nguyên hạt. Ăn được chuối, lê, táo, cà rốt… xắt nhỏ. Nên cho bé thử các loại bánh ăn dặm để bé tự làm quen với việc cầm nắm, cắn, nhai… Ăn được thêm một số loại cá, trứng, thịt gia cầm, đậu… khi nấu chín kỹ, thật mềm, băm nhỏ.

* Từ 10-12 tháng tuổi:

– Đặc điểm: Bé nuốt thức ăn dễ dàng hơn. Bé tiếp tục mọc răng và không còn đẩy thức ăn ra khỏi lưỡi.

– Thức ăn cho bé: Sữa mẹ hoặc sữa bột. Phô mai mềm tiệt trùng, sữa chua với lượng tăng lên. Cháo nấu đặc dần. Trái cây đã có thể cắt thành từng miếng vuông vừa miệng trẻ. Rau hấp chín mềm, cắt thành miếng nhỏ chứ không cần băm nhuyễn nữa. Trẻ ăn được các món ăn kết hợp như nui nấu với thịt băm.

Theo TC Mẹ & Con/ Mevacon.com.vn

Bệnh viện Hạnh Phúc