Nhằm dự phòng sự lây lan các bệnh truyền nhiễm, Tổ chức Y tế Thế giới, Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc, ngành y tế các nước trên thế giới và Bộ Y tế Việt Nam đều có các khuyến cáo thực hành cơ bản phòng ngừa bệnh cho cộng đồng. Tại Việt Nam, các biện pháp cơ bản đã được ông bà cha mẹ dạy cho con cháu từ khi còn bé, hướng dẫn của thầy cô giáo trong nhà trường các bậc phổ thông, cho đến các trường dạy nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng và đại học. Các biện pháp đã được nhắc nhở thực hành, tạo thành thói quen, quy trình chuẩn, ban hành trong văn bản chuyên môn và ngày nay trong những bệnh hoặc dịch bệnh nguy hiểm có ý nghĩa bảo vệ bản thân, cứu người và tránh lây lan dịch bệnh.
Rửa tay thường xuyên
- Rửa tay thường xuyên bằng nước sạch và xà phòng hoặc sử dụng hóa chất, chế phẩm diệt khuẩn dùng trong gia dụng và y tế nếu chúng ta nghi ngờ tay nhiễm bẩn.
- Cần chú ý là hóa chất, chế phẩm diệt khuẩn dùng trong gia dụng và y tế bao gồm cả những dung dịch (hoặc gel) sát khuẩn tay, có chứa cồn hoặc các chất sát khuẩn, có thể rửa lại bằng nước hoặc không rửa lại bằng nước (sau đây gọi chung là chất sát khuẩn tay nhanh). Các chất sát khuẩn tay nhanh này được Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) cấp số đăng ký lưu hành (không bao gồm mỹ phẩm và trang thiết bị y tế).
- Tại sao? Rửa tay như thế sẽ giúp loại bỏ những mầm bệnh nếu nó ở trên tay. Thao tác rửa tay bằng nước sạch và xà phòng sẽ diệt và/hoặc trôi mầm bệnh và trôi sạch các chất bẩn. Việc rửa tay sẽ hiệu quả nhiều hơn nếu chúng ta thực hiện đúng cách.
- Những thời điểm phải rửa tay là:
– Trước khi ăn uống.
– Trước khi chuẩn bị chế biến thực phẩm và nước uống.
– Trước và sau khi thực hiện: chăm sóc người bệnh, thực hiện kỹ thuật y tế.
– Trước và sau khi lắp-tháo: các vật dụng cá nhân như hàm răng giả, kính sát tròng…
– Sau khi tiếp xúc bệnh nhân, xử lý chất thải và môi trường chung quanh bệnh nhân.
– Sau khi sử dụng nhà vệ sinh, sau khi làm việc.
– Sau khi chạm vào vật nuôi, gia súc hoặc gia cầm hoặc chất thải của chúng.
– Và rửa tay bất kỳ lúc nào cảm thấy tay bẩn.
Thực hành vệ sinh hô hấp
- Khi ho và/hoặc hắt hơi, hãy che miệng và mũi bằng khuỷu tay hoặc khăn giấy. Sau đó gấp và bỏ khăn giấy lập tức vào thùng rác và thực hiện rửa tay bằng nước sạch và xà phòng hoặc chất sát khuẩn tay nhanh.
- Tại sao? Vì che miệng và mũi khi ho và/hoặc hắt hơi sẽ ngăn ngừa lây lan của các mầm bệnh (vi trùng, vi rút…) có trong luồng không khí thở ra hoặc nước bọt hoặc chất tiết đường hô hấp, tiêu hóa. Nếu bạn hắt hơi và/hoặc ho vào tay, bạn có thể làm nhiễm bẩn đồ vật hoặc lây cho người mà bạn tiếp xúc với khoảng cách trong vòng 1 mét, đặc biệt những người bị ho, hắt hơi và bị sốt.
- Cụ thể, khi người bị nhiễm bệnh hô hấp, như COVID-19, ho hoặc hắt hơi, họ làm lan truyền trong không khí qua những giọt nhỏ chứa virus. Nếu bạn ở quá gần (khoảng cách dưới 1m), bạn có thể hít phải những giọt nhỏ này.
Tránh dùng tay chạm vào mắt, mũi và miệng. Tại sao?
- Tay chúng ta mỗi ngày sẽ chạm vào khắp nơi, từ bề mặt đến cơ thể của mỗi người, cơ thể của người khác. Tất cả những nơi đó có thể bị nhiễm mầm bệnh. Nếu tay bạn chạm vào mắt, mũi hoặc miệng bằng bàn tay bị nhiễm bẩn, bạn có thể truyền mầm bệnh từ bề mặt sang chính mình. Nên rửa tay bằng nước sạch và xà phòng hoặc chất sát khuẩn tay nhanh trước khi chạm tay vào mắt, mũi và miệng.
- Những bề mặt có nguy cơ nhiễm là những vật dụng dùng chung, cụ thể: tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, điện thoại cố định, bảng điều khiển thang máy, bảng điều khiển máy photocopy, mặt bàn làm việc, các đồ vật chơi của trẻ trong nhà trẻ mẫu giáo, miệng vòi bình nước uống dùng chung…
- Hãy mang găng tay khi tiếp xúc với động vật bệnh, động vật hoang dã hoặc các sản phẩm động vật chưa nấu chín, bị hư hỏng. Nếu đã tiếp xúc mà không găng tay thì phải nhanh chóng rửa tay.
- Tránh tiếp xúc với chất thải động vật hoặc chất lỏng có khả năng bị ô nhiễm trên đất hoặc cấu trúc của các cửa hàng, trường học, nơi làm việc… Khi tiếp xúc phải có trang phục bảo vệ.
Thực hiện vệ sinh làm sạch nhà cửa, công sở, nhà máy
- Mỗi người, mỗi gia đình và mỗi cơ quan đều có trách nhiệm thực hiện và duy trì giữ vệ sinh mỗi ngày.
- Ở những nơi không bị ô nhiễm môi trường thì nên mở cửa ra vào và cửa sổ nhằm tạo sự thông thoáng tự nhiên (thực hiện đầu giờ làm việc hoặc vài giờ trong ngày).
- Mỗi ngày nên sử dụng các dung dịch tẩy rửa, dung dịch vệ sinh khử khuẩn thông thường như xà phòng, nước tẩy trắng (Javel), Chloramine B và các chất sát khuẩn tay nhanh khác…
- Khi có ca bệnh xác định thì sử dụng sản phẩm vệ sinh có chlor theo hướng dẫn của ngành y tế.
- Các vị trí chú ý khi làm vệ sinh là bề mặt có nguy cơ nhiễm và những vật dụng dùng chung.
- Thực hành các biện pháp vệ sinh chung tại các chợ, đặc biệt buôn bán động vật sống, chợ ẩm ướt hoặc chợ sản phẩm động vật…
- Thực hiện giữ vệ sinh chung để bảo vệ bản thân và những người khác khỏi bị bệnh.
TS. BS Lê Văn Nhân
Giảng viên ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch
GĐ Y khoa Công ty Pacific Cross Việt Nam
Nguồn: tcsuckhoe.com