Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao đánh giá cao nỗ lực của Vingroup trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất Việt Nam nhưng bà Vũ Kim Hạnh cho rằng: “Việc cơm có lành, canh có ngọt hay không thì phải chờ thêm thời gian”.

Có mặt tại buổi lễ ký kết hợp tác giữa Vingroup và 250 nhà sản xuất Việt Nam, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao đã có cuộc trao đổi với chúng tôi về khả năng thành công của mô hình này. Trước đó, liên kết giữa những nhà phân phối trong việc đẩy mạnh tiêu thụ hàng Việt Nam không đem lại kết quả cao.

Bà Kim Hạnh - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao đánh giá cao chương trình Đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp Việt của Vingroup
Bà Kim Hạnh – Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao đánh giá cao chương trình Đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp Việt của Vingroup

Giữa lúc một số nhà bán lẻ nâng chiết khấu với các DN sản xuất thì Vingroup áp dụng chính sách hỗ trợ, thậm chí đưa mức chiết khấu về 0% với thực phẩm tươi sống. Bà đánh giá nào về động thái này?

Trong thời gian qua, một số hệ thống bán lẻ, siêu thị quan trọng của ta về tay người nước ngoài và sắp tới có thêm nhiều nhà bán lẻ nước ngoài rất chuyên nghiệp, tiếp tục mở rộng hệ thống. Do đó, làm sao để củng cố hệ thống của người Việt và ưu tiên cho hàng Việt là rất quan trọng.

Chính sách mới của Vinmart là nỗ lực của Tập đoàn Vingroup. Các DN chia sẻ với tôi rằng, họ mong độ phủ của Vinmart sẽ đi kèm sức hút và khả năng tiêu thụ hàng hóa tốt hơn thì mới mang lại hiệu quả mong muốn cho DN.

Hiện nay, hệ thống Vinmart đang mở rộng, tôi biết có khu vực bán khá tốt nhưng có nơi chỉ mới trung bình. Tập đoàn cũng nói họ đang nỗ lực nâng chất lượng của hệ thống, bên cạnh giảm chiết khấu là thu hút khách hàng, khả năng tiêu thụ hàng hóa tốt hơn.

Lần đầu tiên gần 250 doanh nghiệp Việt cùng đồng hành trong chương trình do Vingroup khởi xướng
Lần đầu tiên gần 250 doanh nghiệp Việt cùng đồng hành trong chương trình do Vingroup khởi xướng

Nhiều nhà bán lẻ thường chỉ áp dụng chính sách ưu đãi trong thời gian ngắn bởi chi phí cao, Vingroup áp dụng tới 1 năm. Liệu điều này có thể thực hiện không?

Hoàn toàn khả thi nếu như nhà phân phối có chủ trương như vậy. Việc giúp đỡ cho nhà cung ứng của Vinmart không chỉ đơn thuần đưa hàng vào, mà chúng tôi hy vọng và tin có sự nâng chất hệ thống, đồng hành cùng DN.

Chúng ta hình dung là nếu như giữ nguyên trạng thì có thể có ngành hàng tốt, địa phương tốt nhưng không phải là toàn bộ, dẫn đầu tiêu thụ trên thị trường. Tôi biết Vingroup dần khắc phục nâng cao tính chuyên nghiệp, đội ngũ nguồn nhân lực, sự đa dạng và quy mô hàng hóa, đặc biệt tập trung hỗ trợ tăng số lượng và chất lượng của Vinmart. Do đó, với sự nỗ lực của nhà phân phối thì thời gian 1 năm này rất ý nghĩa.

Không chỉ hỗ trợ giảm chiết khấu 0%, Vingroup còn đưa ra chính sách hỗ trợ vốn, công nghệ và quản trị liệu tham vọng này có quá lớn?

Nếu suy nghĩ và đồng hành cùng doanh nghiệp một cách căn cơ, chứ không phải chỉ thu gom hàng về để bán, thì chắc chắn Vingroup phải cùng hỗ trợ DN nâng cao thực lực, đảm bảo chất lượng hàng hóa, đủ chất lượng và số lượng.

Đây là việc làm cụ thể cho thấy Vingroup thực lòng muốn cùng DN chứ không phải chỉ đi kiếm hàng về làm cho phong phú hệ thống phân phối của mình. Nếu suy nghĩ là đồng hành, củng cố vị thế và thương hiệu, căn cơ như vậy thì mới có hàng hóa đưa vào hệ thống mình bán và xuất khẩu. 

Câu chuyện liên kết đã diễn ra nhiều năm nay nhưng thời gian qua chưa mang lại nhiều hiệu quả. Bà có nghĩ rằng chương trình Vingroup đang thực hiện thực sự tạo được sự liên kết? 

Khi nói về mặt mạnh và yếu của DN Việt Nam thì liên kết là mặt yếu. Nhiều DN sản xuất luôn than phiền rằng họ khó khăn về việc tiêu thụ hàng hóa thì Vingroup là nhà phân phối chuyên nghiệp và kết nối với nhà sản xuất, đó là việc cần để giúp DN.

Nhưng ngoài việc này, Vingroup nghĩ xa hơn, chiến lược hơn để có hàng hóa lâu dài với chất lượng ổn định, tức là DN phải đủ mạnh và hàng hóa phải đủ sức chinh phục người tiêu dùng. Vingroup không thể mạnh bằng cách đứng ở cửa thuyết phục người tiêu dùng vào mua đi, mà phải từ thực chất, chất lượng của hàng hóa.

Trước đây đã có bốn nhà phân phối liên kết để nâng cao năng lực cho hệ thống phân phối và đưa hàng Việt vào siêu thị nhưng đã thất bại. Theo bà Vingroup phải rút kinh nghiệm gì từ chuyện này để không dẫm vào vết xe đổ?

Đây là bốn doanh nghiệp về phân phối, là cuộc kết nối của nhà phân phối. Nhưng cuộc kết nối này là của nhà sản xuất và nhà phân phối, hai bên họ thực sự cần nhau và đến với nhau, nhưng việc cơm có lành, canh ngọt, có cư xử với nhau một cách biết điều hay không thì phải suy nghĩ, chờ thêm thời gian.

Trong lúc khó khăn này, DN cũng tự biết được là mạng lưới phân phối quan trọng biết chừng nào nên họ phải bảo vệ đối tác làm phân phối. Ngược lại, nhà sản xuất cũng phải thấy đươc rằng nhà phân phối này quan trọng như thế nào khi anh ta đưa hàng hóa tới người tiêu dùng.

An Ngọc (thực hiện)

Theo Tri Thức Trẻ

Bệnh viện Hạnh Phúc