Thường xuyên có những bữa ăn khỏe mạnh mỗi ngày thật sự không phải là điều dễ dàng với nhiều người. Trong chúng ta hiện nay, việc bỏ bữa (ăn không đủ bữa) và ăn ngoài là khá phổ biến. Giờ giấc ăn uống và ngủ nghỉ cũng không được cố định do sự thay đổi trong lịch trình hoạt động và làm việc.

anchay.jpg
Món chay giàu dinh dưỡng – Ảnh: Here & Now

Trong hai bài báo cáo đăng trên tạp chí của Hội Dinh dưỡng Anh quốc – Đại học King (Luân Đôn), Đại học Newcastle, Đại học Surrey và Trung tâm Nghiên cứu Nestlé, các chuyên gia nghiên cứu đã tìm hiểu liệu quá trình trao đổi chất có tác động hay làm thay đổi đồng hồ sinh học của cơ thể hay không, trên các khía cạnh như thời gian ăn, số lượng thức ăn hấp thu vào cơ thể và chất lượng bữa ăn.

Ăn uống và ngủ nghỉ không theo giờ giấc nhất định là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh

Các nghiên cứu cho thấy ăn uống không theo giờ giấc nhất định (do giờ giấc làm việc không cố định) sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh như tiểu đường tuýp 2, bệnh tim mạch và ung thư. Sự thiếu ổn định này ảnh hưởng đến nhịp sinh học, khẩu vị, tiêu hóa và các quá trình trao đổi chất của cơ thể.

Các chuyên gia cũng khẳng định rằng sự mệt mỏi và stress trong công việc và cuộc sống ảnh hưởng đến hơn 80% dân số Châu Âu, đặc biệt là những người sống ở các đô thị. Do thức khuya và ngủ bù vào ngày cuối tuần, ngủ sớm và dậy sớm vào các ngày làm việc trong tuần, chúng ta đã tạo ra sự mất cân bằng giữa nhịp sinh học ngày – đêm của cơ thể và giờ giấc ngủ nghỉ của mình.

Dần dần, sự mất cân bằng này cũng sẽ gây ra các thay đổi trong quá trình chuyển hóa và trao đổi chất của cơ thể, gây ra các bệnh béo phì, tim mạch và ung thư.

Xu hướng ăn nhiều thức ăn nhanh ngày càng phổ biến

Thói quen ăn uống của con người trên thế giới không giống nhau, tùy thuộc vào sở thích cá nhân và văn hóa vùng, khu vực. Ví dụ, người Pháp thích ăn uống trong sự vui vẻ và giao lưu nên đa số người Pháp và cả người ở vùng Địa Trung Hải xem bữa trưa là bữa ăn quan trọng nhất trong ngày.

Trong khi đó, sự lựa chọn thức ăn của người dân Anh quốc lại phụ thuộc vào sở thích và sự tiện lợi của từng hoàn cảnh cá nhân. Đây là lý do họ hay bỏ bữa, ăn nhiều các thức ăn vặt hoặc thức ăn nhanh chứa nhiều calori và có xu hướng ăn nhiều thức ăn nhanh hơn.

Hiện nay, ở cả Hoa Kỳ và Anh quốc, mức năng lượng hấp thu trong ngày từ thực phẩm của người dân đều có xu hướng tăng lên. Trong đó, bữa sáng cung cấp ít năng lượng nhất và bữa tối là bữa ăn nhiều calorie nhất. Xu hướng này cũng dần phổ biến hơn tại Pháp trong thời gian gần đây.

Bữa sáng có nên là bữa ăn quan trọng nhất?

Câu nói “Hãy ăn sáng như một ông vua, ăn trưa như một hoàng tử và ăn tối như một kẻ ăn mày” cũng có phần đúng trong khoa học về ăn uống. Tuy nhiên các chuyên gia cho biết, cần phải nghiên cứu thêm để có khẳng định khoa học về điều này.

Hấp thu nhiều năng lượng vào buổi tối sẽ làm tăng nguy cơ béo phì nhưng chúng ta chưa tìm hiểu rõ liệu có nên phân phối năng lượng một cách đồng đều nhau vào các bữa ăn trong ngày hay không hay là có nên xem bữa sáng là bữa ăn quan trọng nhất trong ngày hay không – các chuyên gia nghi vấn.

Nên tập thể dục vào thời gian nào trong ngày?

Ngoài giờ giấc ăn uống và ngủ nghỉ thì giờ tập thể dục, thể thao cũng quan trọng.

Cũng giống như chế độ ăn, vận động vào thời gian nào trong ngày có ảnh hưởng quyết định hiệu quả của việc vận động đó. Theo gợi ý từ các chuyên gia, thời gian tập thể dục tốt nhất trong ngày là vào buổi sáng và chiều tối.

Thể dục vào buổi tối giúp thúc đẩy phát triển sức mạnh và kích cỡ các khối cơ, còn thể dục vào buổi sáng giúp giảm cân, cải thiện giấc ngủ và giảm stress.

Huệ Trần
(theo Medical Daily)/

Nguồn: Giác Ngộ online 

Bệnh viện Hạnh Phúc