Quả vải rất nhiều đường lại có tính nóng, nên ăn quá nhiều, ăn lúc đói hay khi bệnh tiểu đường… có thể gây hại cho sức khỏe.
Trái vải nhiều dinh dưỡng, trong đó trên 60% là đường glucoza, ngoài ra còn có protein, chất béo, vitamin C, A,B, axit xitric… Trong Đông y, cùi vải vị ngọt không độc, tác dụng bổ huyết, dưỡng can, tỉnh táo tinh thần, tăng sinh lực…
Người bị tiểu đường, người có cơ địa nóng không nên ăn vải. Người bình thường không nên ăn vải khi đói
Lương y Bùi Đắc Sáng cho biết quả vải dùng làm thuốc thường ở dạng khô. Hạt vải (lệ chi hạch) cũng là một vị thuốc lâu đời, vị ngọt, chát tính ôn, không có độc, là thuốc chữa âm nang sưng đau (thoát vị). Ăn quả vải vào mùa hè bồi bổ cho thận âm thêm mạnh, làm mát bàng quang nên không bị đi tiểu rắt.
Tuy nhiên do tính quá ngọt, nóng nên ăn quá nhiều quả vải dễ bị bệnh viêm nhiệt như ngứa, nhiều rôm sảy, mụn nhọt, trằn trọc khó ngủ. Ăn nhiều vải cũng gây “bốc hỏa”, có thể dẫn đến “chứng bệnh lệ chi” (say vải) với triệu chứng choáng váng, nhức đầu… Trong cuốn Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam ghi nhận ăn nhiều quả vải sẽ phát nhiệt, đau rát lưỡi, chảy máu cam. Một số người có triệu chứng nôn nao, nổi mề đay, đau bụng dữ dội, nôn mửa, tiêu chảy, khó thở, huyết áp hạ…
Người bình thường không nên ăn quá 10 quả, trẻ em không quá 3-4 quả một lần. Người bị bệnh tiểu đường càng không nên ăn nhiều vải, do lượng đường cao nên khi ăn có khả năng làm tăng lượng đường trong máu. Cảm giác no, đầy hơi khiến người bệnh không muốn bổ sung tinh bột, gây tình trạng hạ đường huyết. Lương y khuyến cáo người bệnh tiểu đường nên ăn dưới 7 quả vải một lần.
Đông y phân chia cơ thể người thành các nhóm tạng nhiệt (nóng), hàn (mát) và không hàn không nhiệt (ôn hòa). Người tạng nhiệt nên ăn ít quả vải bởi dễ sinh nóng, chỉ nên dùng tối đa 10 quả, chia làm hai lần trong ngày.
Một sai lầm khác mà nhiều người hay mắc là ăn vải lúc đói. Khi bụng rỗng, lượng đường trong quả cao sẽ kích thích lớp niêm mạc dạ dày gây đau, viêm nhiệt hoặc say với các triệu chứng như hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn, chân tay bủn rủn.
“Có thể hạn chế tính nóng của vải nếu ăn đúng cách”, lương y Sáng cho biết. Nên ăn cả lớp màng trắng bọc ngoài cùi vải để hạn chế sinh nhiệt, sinh hỏa, tuy rằng vị hơi chát và khó ăn. Trước khi ăn nên ngâm qua nước muối để tránh ngộ độc.
Nguồn: Thúy Quỳnh
(VnExpress)