Ngành thời trang đã phát triển rực rỡ đến thế, tưởng mọi quan niệm về ăn mặc tuy có sinh ra các xu hướng liên tục mới, nhưng ý nghĩa của chúng thì chẳng cần bàn cãi.
Vậy mà cứ lâu lâu lại “lòi ra” vài chuyện ăn mặc thời trang gây ra nhiều ý kiến trái chiều. Thí dụ, bà vợ thủ tướng Singapore đến Nhà Trắng – là thượng khách quốc tế chứ gì nữa, bà làm nổi sóng vì tay cầm cái bóp “thời trang” giá có 11 đô.
Đó là cái bóp do trẻ tự kỷ sản xuất, bà dùng nó thể hiện sự lựa chọn “ý thức văn hóa và lòng thiện”. Khen bà ấy, người ta “chê” thẳng thừng như nói rằng bà vợ ông ứng viên Tổng thống Mỹ Donald Trump lúc nào cũng diện quá. Hết quyến rũ váy liền vai lại đến đầm dạ hội đen đuôi cá… Còn ở xứ ta, không phê thẳng ai được thì người ta nói bóng gió, khen bà vợ ông thủ tướng Singapore “không cần rồng phượng hoa hòe kim tuyến lóng lánh rối loạn họa tiết” khi xuất hiện là một nhà chính trị, một quan chức, chính khách.
Ấy vậy nhưng ngay ở Singapore, lại có ý kiến “chê” bà vợ ông thủ tướng. Báo chí dẫn lời một bác sĩ thẩm mỹ người Singapore nói rằng: “Bà ấy lẽ ra nên chọn thứ gì đó vui vẻ hơn. Cần có một chuyên gia thời trang cho bà ấy”. Cứ như bà đem theo chiếc bóp 11 đô là do… không biết thẩm mỹ vậy.
Rõ ràng là ý kiến còn khác nhau nhiều lắm. Chúng truyền thông điệp qua thị giác.
Rồi bà Hillary Clinton xuất hiện diễn thuyết tranh cử, mặc bộ vest comple trắng, được giới bình luận cho rằng đó là biểu tượng tinh thần tranh đấu nữ quyền. Trắng, là tinh khiết và đức hạnh. Đó là bộ trang phục trắng mà từ năm 1900 đầu thế kỷ XX phụ nữ Mỹ đã mặc đi đòi quyền bầu cửở Mỹ.
Trong khi đó, một nữ lãnh đạo tầm cỡ “thủ lĩnh thế giới” như bà Thủ tướng Đức Angela Merkel thì ngay trong cuốn hồi ký, người ta nhận xét bà từ thời còn trẻ cũng quan niệm rằng “áo quần đầu tóc là… ưu tiên hạng hai”. Bà thủ lĩnh được thế giới kính trọng này, thường xuất hiện trong bộ vest trịnh trọng nhưng đơn giản.
Còn nam giới thì có vẻ ít bị “săm soi” hơn, nhưng cũng được giới truyền thông “ghé thăm” cái tủ áo của ông chủ Facebook, “anh chàng Mark Zuckerberg”, ông đại gia trẻ này may cả loạt áo… giống nhau. Ông này xuất hiện hầu như chỉ quần jeans áo thun xám cổ tròn. Đến nỗi thiên hạ đồn nhau, đó là “biểu tượng” của dân IT, dân công nghệ, hiện đại, giản dị, trẻ trung sáng tạo, không bị “trói gô” vào những kiểu cách của người đời.
Cuộc sống là vậy. Trong khi giới sáng tạo thiết kế thời trang và giới phụ nữ “vắt óc” tìm ra thông điệp cho thời trang, như quyến rũ, giàu có, sức mạnh, thích được mọi người nhìn mình như một người thành đạt quan trọng bận rộn hay một người quyến rũ sành điệu… thì cũng có những người giàu nứt đố đổ vách tuyên bố “chúng ta thường đặt một ý nghĩa nào đó lên món đồ của mình vốn… thực sự vô nghĩa”.
Còn bạn thì sao? Bạn có mấy tủ đầy chật ních mà mỗi khi đi đâu lại cảm thấy “chẳng có gì đẹp để mặc”? Hoặc là vẫn có những chính khách xuất hiện mỗi ngày một bộ “lóng lánh cườm, rồng phượng rối loạn họa tiết”?
Chỉ biết rằng, ngành thời trang vẫn luôn phát triển và con người vẫn phải bận rộn vì áo quần. Nó luôn là thứ… truyền thông điệp bạn là ai.
Nguồn: Quảng Yên (DNSGCT)