Cua biển và cua đồng là những thực phẩm phổ biến, được nhiều người ưa thích, nhất là trong ngày hè nóng nực. Đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe nhưng cua cũng có thể là mối nguy nếu không được sử dụng cẩn trọng.
Các món ăn chế biến từ cua biển như cua luộc, rang me, miến xào cua, nem (chả giò) cua bể… hoặc từ cua đồng như bún riêu cua, canh bún, lẩu cua đồng… không chỉ ngon mà còn bổ dưỡng, rất tốt cho sức khỏe.
»THÀNH PHẦN DINH DƯỠNG CỦA CUA
Theo bảng thành phần thực phẩm, thịt cua biển rất giàu chất đạm.
100g thịt cua biển cung cấp 103kcal; chất bột đường, chất đạm và béo lần lượt là 7g, 17,5g và 0,6g. Trong cua chứa nhiều a-xít amin cần thiết như lysin (1.526mg), leucine (1.540mg), arginine (1.084mg)… Ngoài ra, cua biển cũng rất giàu khoáng chất cần thiết cho cơ thể phát triển và hoạt động như: can-xi (141mg), sắt (3,8mg), natri (316mg) và kẽm (1,4mg).
Cua biển |
Thịt cua đồng có tỷ lệ dinh dưỡng ít hơn cua biển về lượng đạm nhưng lại chứa nhiều chất béo hơn. Tính trung bình, 100g thịt cua đồng sẽ cung cấp 87kcal, 12,3g chất đạm (với nhiều a-xít amin cần thiết như lysin, arginine, glutamic…), 3,3g chất béo (phần lớn là các a-xít béo không no nhiều nối đôi) và 2g chất bột đường. Thành phần khoáng chất của 2 loại cua gần như nhau: giàu can-xi, sắt và kẽm.
»NHIỀU LỢI ÍCH CHO SỨC KHỎE
Với thành phần dinh dưỡng đặc trưng, thịt cua mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe:
1. Món ăn từ cua thích hợp cho trẻ phát triển, người đang trong giai đoạn phục hồi sau bệnh, người suy dinh dưỡng do hàm lượng chất đạm cao. Ngoài ra, với chất đạm chứa nhiều loại a-xít amin thiết yếu mà cơ thể không tổng hợp được, thịt cua rất cần cho sự phát triển của trẻ cũng như quá trình làm lành vết thương.
2. Thịt cua giàu chất kẽm cần thiết cho các phản ứng hóa học hoặc hình thành các men tiêu hóa trong cơ thể, giúp tiêu hóa, hấp thu và cung cấp năng lượng cũng như góp phần vào quá trình tổng hợp protein và các chất dẫn truyền thần kinh.
3. A-xít béo không no nhiều nối đôi (trong đó, có a-xít béo omega-3 và omega-6) có khá nhiều trong thịt cua biển lẫn cua đồng. Đây là những loại a-xít béo cần thiết mà cơ thể không tự tổng hợp được, có tính năng bảo vệ hệ tim mạch, chống lại quá trình xơ vữa động mạch, điều hòa tình trạng rối loạn mỡ trong máu, qua đó, giúp phòng ngừa một số bệnh lý tim mạch.
4. Lượng chất khoáng trong thịt cua cũng khá dồi dào và phong phú (kẽm, sắt, can-xi, kali, natri…). Chúng có vai trò quan trọng trong điều hòa hoạt động cơ thể, hoạt động của quả tim cũng như nhiều cơ quan khác nhau.
»LƯU Ý KHI ĂN CUA
Bên cạnh những lợi ích về sức khỏe, ăn thịt cua, nếu không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, có thể gây ra những tác hại đến sức khỏe. Vì vậy, khi ăn cua, cần lưu ý một số điều:
Thịt cua có giá trị dinh dưỡng cao nhưng nếu ăn không đúng cách, có thể mang lại nhiều rủi ro. khi chế biến, cần làm sạch, loại bỏ vật ký sinh bám vào thịt cua |
– Cua sống trong môi trường nước tự nhiên, dễ bị nhiễm các loại ký sinh trùng. Khi ăn cua chưa nấu đủ chín hoặc ăn sống (trong món gỏi), người ăn có thể bị lây nhiễm ký sinh trùng vào đường tiêu hóa. Do vậy, khi ăn cua, nên ăn cua đã được nấu chín.
– Khi cua chết, trong thịt cua có sự phân hủy và sinh ra histamine, một chất gây dị ứng. Nếu chế biến món ăn từ cua chết, người ăn có nguy cơ bị dị ứng, có thể từ nhẹ đến nặng, thậm chí gây hậu quả nghiêm trọng cho cơ thể. Vì vậy, không nên ăn cua đã chết.
– Khi cua không còn tươi, nguy cơ thịt cua bị nhiễm khuẫn (thường gặp là tụ cầu, E. coli, Listeria). Tùy theo lượng vi khuẫn bị nhiễm mà người ăn phải có thể bị ngộ độc thức ăn, biểu hiện ở tình trạng đau quặn bụng, nôn ói nhiều và tiêu phân nước, bảnh hưởng xấu đến sức khỏe, thậm chí có thể gây tử vong nếu không điều trị kịp thời. Chính vì thế, cần chọn mua cua ở những nơi cung cấp uy tín, lựa cua tươi, còn sống khỏe và khi chế biến, cần đảm bảo nguyên tắc về vệ sinh an toàn thực phẩm.
– Do lượng chất đạm trong thịt cua cao, quá trình chuyển hóa khi ăn cua sẽ tạo ra a-xít uric nên những người bị bệnh gout (thống phong, do ứ đọng tinh thể muối của a-xít uric ở khớp) cần hạn chế hoặc không nên ăn cua nhằm tránh cơ đau khớp tái phát.
TS. BS. Lê Nguyễn Trung Đức Sơn
Giảng viên thỉnh giảng
Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, TP. HCM