Trong không gian sống hiện đại có hình ảnh khá “ngầu” này, những giá trị truyền thống và sự ấm cúng của sinh hoạt gia đình rất được đề cao. Các giải pháp thiết kế được xử lý khéo léo để hướng đến việc tạo ra kết nối tốt hơn giữa các thành viên trong tổ ấm.

Căn hộ thuộc về một gia đình người gốc Hoa có hai cô con gái còn rất nhỏ. Nam gia chủ là người Malaysia và hiện làm đầu bếp trong một nhà hàng khá nổi tiếng ở TP.HCM. Với đặc thù nghề nghiệp cũng như quan niệm văn hóa truyền thống, anh rất chú trọng việc bếp núc và gian bếp – nơi giữ lửa của gia đình. Từ đó, kiến trúc sư đã “layout” lại khu vực bếp để rộng rãi, hiện đại hơn, đồng thời bố trí một đảo bếp lớn, vừa thêm không gian cho thao tác, vừa dễ để hai bé ngồi quan sát và trò chuyện với ba mẹ đang nấu nướng.

Căn hộ được bàn giao thô với thiết kế ban đầu gồm ba phòng ngủ và diện tích dành cho phòng khách – bàn ăn khá hẹp, thiếu không gian nghỉ ngơi, sinh hoạt gia đình. Bên cạnh đó, hai bé cũng thích ngủ với nhau, nên họ đã thống nhất bỏ bớt một phòng ngủ, mở rộng khu sinh hoạt chung để có được bàn ăn lớn, ghế băng dài thoải mái, sofa rộng và cảm giác thoáng đãng cho cả khu vực liên thông từ bếp qua tới bàn ăn và nơi tiếp khách.

Việc tạo ra khu vực sinh hoạt chung là một trong những quyết định khiến họ hài lòng nhất ở căn hộ. Bởi không chỉ thêm không gian kết nối giữa cha mẹ – con cái mà cũng rất thuận tiện khi tiếp khách, tụ tập bạn bè, người thân – một hoạt động khá thường xuyên – quanh gian bếp ấm cúng của gia đình. Khu vực này cũng là phòng học của hai trẻ, phía sau bàn ăn có một tủ console trang trí được dùng làm tủ sách và chứa dụng cụ học tập.

Tủ quần áo và vách nhà vệ sinh ở phòng ngủ chính được thiết kế thành một khối, tiết kiệm không gian, đồng thời hệ tủ được bo cạnh giúp nối giao thông có cảm giác rộng rãi, nhẹ nhàng hơn. Sự gần gũi, mộc mạc theo sở thích của gia chủ được đáp ứng qua vật liệu và đồ nội thất trong nhà. Tông màu xám xi măng kết hợp cùng gỗ, các vật dụng bằng mây, cói đan trang trí ở đầu giường, đồ thủ công… đem lại chút hơi hướm hoài cổ nhưng cũng rất thân thiện cho căn hộ hiện đại.

Phòng ngủ của trẻ được thiết kế theo hướng tận dụng diện tích và bố trí nhiều tủ, kệ để thoải mái bày đồ chơi. Điểm khác biệt ở phòng này so với tinh thần chung của căn hộ là khoảng trần uốn cong và dùng màu hồng nhạt. Không chỉ thêm nét sinh động cho không gian riêng của hai bé gái, việc xử lý trần công này cũng là giải pháp để giấu đi các đà dầm trên trần, khắc phục được cảm giác nặng nề của các góc cạnh, phù hợp theo quan niệm phong thủy.

Nguồn: Tạp chí Kiến Trúc Nhà Đẹp

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bệnh viện Hạnh Phúc