Làm vườn là hình thức vận động thể chất giúp cơ thể khỏe mạnh. Khi làm vườn, chúng ta có cơ hội ở ngoài trời, tiếp xúc ánh sáng tự nhiên và hít thở không khí trong lành.
Các nghiên cứu gần đây cũng cho thấy nhiều lợi ích về thể chất lẫn tinh thần của hoạt động này, từ tăng sức đề kháng cơ thể cho đến cải thiện chức năng não bộ, tinh thần. Cụ thể là:
1. Làm vườn khiến bạn thích ăn rau củ hơn
Các thành viên gia đình, đặc biệt là con trẻ khi được khuyến khích tham gia các hoạt động làm vườn sẽ yêu thích và ăn nhiều rau củ quả hơn – theo nghiên cứu năm 2017 đăng trên tạp chí Dinh dưỡng và Chế độ ăn.
Nhờ vậy, trẻ sẽ ít đòi hỏi các loại thức ăn nhanh hấp dẫn về mặt vị giác nhưng có hại cho sức khỏe của trẻ.
Tham gia công việc làm vườn sẽ giúp chúng ta, đặc biệt là trẻ nhỏ yêu thích rau củ quả hơn
2. Giúp kiểm soát cân nặng
Làm vườn là hoạt động thể chất giúp giảm cân hoặc kiểm soát cân nặng hiệu quả. Theo nghiên cứu năm 2013 trên tạp chí Y tế Công cộng Hoa Kỳ, người làm vườn thường xuyên có thể giảm chỉ số khối cơ thể BMI một cách đáng kể.
Theo đó, làm vườn liên tục mỗi ngày trong một thời gian có thể giúp giảm tối đa 4,9 kg ở nữ và 7,2 kg ở nam giới.
3. Giúp cơ thể nhẹ nhàng, vui vẻ
Các công việc trong vườn như cắt cỏ, tỉa lá, bón phân, tưới nước, gieo hạt, xới đất,… là những hình thức vận động toàn thân có sự hấp dẫn đặc biệt. Nói cách khác, những công việc vườn tược này khiến bạn làm một cách say mê, thích thú mà không bị chán nản theo thời gian.
Theo nghiên cứu năm 2014 trên tạp chí Khoa học Trồng trọt, làm vườn mang lại nhiều lợi ích sức khỏe hơn tập luyện aerobic.
4. Nuôi dưỡng tinh thần
Làm việc với cây cỏ mang lại sự thư giãn tuyệt vời và nhanh chóng, giúp các giác quan tinh nhạy hơn – kết quả một nghiên cứu của NASA năm 2016.
Do vậy, làm vườn giúp các phi hành gia cảm thấy tươi mới và vui vẻ hơn trong các môi trường cực đoan bên ngoài không gian. Thậm chí việc trồng cây và gieo hạt giống vào các chậu nhỏ trong vườn cũng giúp cải thiện trạng thái tinh thần và giải tỏa stress hiệu quả.
Ngoài ra, tác dụng trên cũng được quan sát thấy ở người chỉ xem các hoạt động này qua màn hình ti vi (không trực tiếp tham gia làm vườn).
5. Giúp giảm nguy cơ bệnh tim mạch
Làm vườn không phải là hình thức rèn luyện nhịp thở nhanh nhưng vẫn có lợi cho sức khỏe tim mạch.
Theo đó, làm vườn giúp giảm nguy cơ suy tim và đột quỵ, kéo dài tuổi thọ đến 30% – kết quả nghiên cứu năm 2013 trên tạp chí Thể thao và Y khoa Anh quốc.
Tác dụng này đến từ sự kết hợp giữa vận động thể chất và giảm stress khi chúng ta lấm lem với bùn đất vì điều này tái kết nối chúng ta với thế giới tự nhiên.
Cắt tỉa, nhổ cỏ, tưới nước là các hoạt động mang lại trải nghiệm thanh lọc, làm tươi mới. Điều này cũng dễ dàng quan sát khi bạn đi ngang qua một khu vườn trồng hoa, rau củ.
Chăm sóc và quan sát sự lớn lên của một hạt mầm gieo xuống giúp chúng ta duy trì sự tin tưởng vào tương lai
6. Tăng cường khả năng đề kháng
Bụi bẩn bám vào các móng tay có thể là biểu hiện của vệ sinh kém nhưng các nhà khoa học chứng minh đây cũng là dấu hiệu của sức khỏe tốt.
Các vi khuẩn có lợi trong đất từ việc làm vườn có thể giúp cải thiện hệ miễn dịch của cơ thể, giúp bạn ít bệnh lặt vặt hơn, tăng khả năng đánh bại viêm nhiễm – theo tạp chí Miễn dịch và Liệu pháp năm 2015.
7. Tăng cường sự phối hợp và sức mạnh của đôi tay
Sức mạnh, sự linh hoạt và khả năng phối hợp của đôi tay rất quan trọng đối với các nhiệm vụ hằng ngày. Làm vườn giúp bạn rèn luyện các cơ tay và kỹ năng liên quan đến hoạt động của tay.
Chỉ cần vài phút nhổ cỏ trong vườn cũng giúp thư giãn các sức ép do sự lặp đi lặp lại liên tục của việc gõ máy tính hay sử dụng điện thoại.
8. Làm vườn giúp bạn lạc quan hơn
Khi làm vườn, bạn quan sát được sự lớn lên, phát triển và thay đổi của cây trồng. Điều này giúp hình thành và duy trì sự tin tưởng vào tương lai.
Hãy hình dung, khi bạn gieo một hạt giống xuống đất, tưới nước và tin tưởng rằng hạt giống đó sẽ bám rễ vào đất, nuôi dưỡng cành lá trên thân. Khi chúng ta tin vào sự trổ quả, cũng là tin và hy vọng trong cuộc sống mỗi ngày.
9. Giúp não bộ nhạy bén hơn
Không chỉ có lợi cho thể chất, làm vườn còn là sự rèn luyện tốt cho não bộ – khẳng định của các nhà nghiên cứu trên Tạp chí Quốc tế về Nghiên cứu Môi trường & Sức khỏe Cộng đồng năm 2019.
Các nhà khoa học đo các yếu tố tăng trưởng thần kinh não bộ liên quan đến trí nhớ ở người cao tuổi trước và sau khi tham gia các hoạt động làm vườn.
Kết quả cho thấy, người làm vườn có khả năng học tập cho đến khi về già. Nói khác đi, trong quá trình làm vườn, chúng ta phải luôn tìm hiểu, học hỏi về các loại cây trồng, kỹ thuật chăm sóc và các thông tin liên quan. Đây chính là yếu tố kích thích não bộ quan trọng và hiệu quả.
Nguồn: giacngo.vn
https://giacngo.vn/phatgiaotuoitre/2020/03/30/13D2D3/