Cho con học những gì, trải nghiệm những gì để trẻ có một mùa hè thật đáng nhớ và đầy bổ ích? Hãy cùng xem những gợi ý hữu ích này nhé!

1. Học bơi

Bơi không chỉ là một môn thể thao giúp trẻ khỏe mạnh, dẻo dai, phát triển tối đa chiều cao và có được vóc dáng, thân hình cân đối. Bơi còn được xem như một “kỹ năng sinh tồn” trẻ cần phải biết, vì tỷ lệ đuối nước hàng năm của trẻ em lẫn người trưởng thành đều rất cao.

9-dieu-ban-nen-cho-tre-trai-nghiem-trong-ky-nghi-he

Dạy con biết bơi nghĩa là bạn đã trang bị cho con một “chiếc phao” vô hình, theo con suốt cuộc đời, để bảo vệ trẻ phần nào ở những nơi sông nước. Nếu con bạn đã biết bơi, hãy cho trẻ học tiếp những lớp nâng cao. Nếu con bạn chưa biết bơi, hè này hãy xếp chuyện học bơi vào một trong những “mục tiêu” hàng đầu cho bé nhé!

2. Đọc 10 quyển sách thiếu nhi

Sách giúp con mở mang trí tuệ, tăng cường vốn ngôn ngữ, biết thêm nhiều điều bổ ích. Tuy nhiên, lưu ý rằng những điều này chỉ được thực hiện khi bạn chọn đúng sách hay, biên soạn cẩn thận, lời văn và hình ảnh trong sáng, phù hợp với tâm lý, độ tuổi của trẻ.

Hãy thử đặt ra cho con mục tiêu đọc được khoảng 10 quyển sách thiếu nhi trong hè (tức trung bình 1 quyển sách/tuần). Tất nhiên, tùy độ tuổi và tính cách của con, bạn có thể “du di” con số này tăng lên hoặc giảm xuống.

9-dieu-ban-nen-cho-tre-trai-nghiem-trong-ky-nghi-he

Đừng chỉ chọn những quyển truyện tranh chỉ có lời thoại ngắn gọn hay truyện “siêu nhân”. Thay vào đó, nên chọn những quyển sách thiếu nhi nổi tiếng thế giới, có tính giáo dục cao, hình minh họa đẹp nhưng kèm theo đó vẫn có nhiều “chữ”, có lời văn mượt mà để con đọc. Điều này càng đặc biệt được khuyến khích với trẻ 7 tuổi trở lên.

Sau khi con đọc mỗi chương sách, bạn hãy hướng dẫn con viết lại cảm nhận, hoặc tự kể lại câu chuyện theo giọng văn của mình. Trong trường hợp con còn quá nhỏ, chưa biết đọc thì bạn có thể dành thời gian để đọc một số truyện cổ tích, truyện ngụ ngôn cho con nghe nhé!

3. Nấu một bữa ăn đơn giản

Trẻ 5 tuổi đã có thể bắt đầu vào bếp cùng mẹ. Trẻ 8 tuổi đã dễ dàng nấu được một bữa ăn đơn giản cho chính mình. Việc nấu ăn giúp trẻ tự tin hơn và biết cách chia sẻ việc nhà từ nhỏ. Nếu biết nấu ăn ngon, sau này con còn có thể tự lo cho bản thân mình những lúc bố mẹ vắng nhà.

Ở các nước phát triển, trẻ em dù là bé trai hay bé gái đều được chú trọng dạy nấu ăn từ nhỏ. Không phụ thuộc vào mẹ hay người giúp việc, trẻ xem việc nấu ăn là một kỹ năng đương nhiên phải biết và khéo léo hơn, độc lập hơn mỗi ngày.

Bạn nên học “tư tưởng” ấy của những gia đình phương Tây. Thay vì xem bếp núc là chuyện của riêng con gái hoặc chiều chuộng con, xem con còn nhỏ và không muốn con động tay vào bếp, hãy tạo điều kiện cho bé.

Chỉ cần có một bộ vật dụng nhà bếp vừa tay, chỉ cần được mẹ hướng dẫn từng thao tác đập trứng, đánh trứng, biết cách chờ chảo nóng, chờ nước sôi, lặt rau, rửa rau đúng cách… là bé đã có thể thử dần những món đơn giản nhất rồi. Đừng ngại con mới 5-6 tuổi thì không thể làm gì. Bạn hướng dẫn mà xem, thế nào cũng sẽ bất ngờ về độ khéo tay của bé!

4. Khám phá một miền đất mới

Bạn nên cho con đi. Về quê nội. Về quê ngoại. Ra vùng ngoại ô câu cá, thả diều. Đăng ký những tour du lịch xa hơn. Và có điều kiện thì cho bé đi nước ngoài càng tốt. Mỗi chuyến đi, mỗi miền đất mới đều đầy ắp những kiến thức ngoài sách vở để bé được khám phá, trưởng thành.

9-dieu-ban-nen-cho-tre-trai-nghiem-trong-ky-nghi-he

Trẻ 3 tuổi đã có thể có được những cảm nhận riêng khi khám phá những miền đất mới. Trẻ 5 tuổi đã thật sự học được nhiều kỹ năng sau mỗi chuyến đi. Trẻ 8 tuổi trở lên sẽ có được những ấn tượng sâu sắc, cảm nhận được sự khác biệt về văn hóa, phong tục, tập quán ở mỗi vùng đất khác nhau nơi con đi qua. Hãy xem đây là một điều bạn nhất định nên cho con trải nghiệm trong hè. Điều đó thật sự hữu ích cho con bạn!

5. Tham gia trại hè

Không như những chuyến du lịch khám phá miền đất mới thường có cha mẹ đi cùng, trại hè là cơ hội bạn thử “buông tay” con (tất nhiên trong vòng kiểm soát an toàn) để bé trải nghiệm cảm giác hòa nhập thật sự vào một môi trường mới, thích nghi cùng kỷ luật, làm quen cùng nếp sống của bạn bè.

Trẻ 6 tuổi trở lên có thể tham gia trại hè sáng đi chiều về. Trẻ 8 tuổi trở lên có thể tham gia trại hè qua đêm ở những đơn vị có khả năng tổ chức chu đáo. Trẻ 12 tuổi trở lên có thể tham gia trại hè kéo dài nhiều ngày. Bạn nên chọn kỹ các trại hè và đăng ký cho con tham gia. Trải nghiệm một cuộc sống ngoài phạm vi gia đình, không có cha mẹ sát bên là một thử thách quan trọng và rất cần cho trẻ.

6. Học vài kỹ năng chăm sóc bản thân

Tùy độ tuổi của con, bạn có thể hướng dẫn con học và làm thành thạo một số việc như: Buộc dây giày, tự rửa mặt, tự đánh răng, tắm sạch mà không cần mẹ giúp, khâu một chiếc cúc áo bị đứt, ủi (là) quần áo, giặt quần áo, phơi quần áo, rửa chén dĩa, vệ sinh đúng cách sau khi đi toilet…

9-dieu-ban-nen-cho-tre-trai-nghiem-trong-ky-nghi-he

Nên biến việc học các kỹ năng chăm sóc bản thân này tại nhà thành những trò chơi hào hứng, khiến bé thật sự cảm thấy thích thú và thấy như mình trưởng thành hơn. Một lưu ý nhỏ cho mẹ là bạn đừng nghĩ đến những kỹ năng gì quá… “cao siêu”. Hãy bắt đầu từ những thứ thật giản đơn trong chính cuộc sống hàng ngày của con. Thay vì làm cho con như mọi khi, hãy nói với bé: “Hôm nay, mẹ sẽ dạy con tự mang giày và thắt dây giày đúng cách nhé!”.

7. Học một môn năng khiếu

Không nên ôm đồm chọn quá nhiều môn. Con bạn không phải là… “thần đồng” và bé cũng không cần thiết phải biết quá nhiều như thế. Mỗi mùa hè, chỉ nên cho con học 1 môn năng khiếu là đủ. Bạn có thể cùng con chọn, hỏi xem bé thích học gì. Môn năng khiếu có thể là: Vẽ, học chơi một nhạc cụ, hát, múa, diễn kịch, học chơi một môn cờ (cờ tướng, cờ vua, cờ vây…), bóng rổ…

Không ép buộc nếu con không thích. Môn năng khiếu cần thật sự phù hợp với trẻ, tạo được cho trẻ cảm giác vui sướng khi học. Bạn cũng đừng đặt quá nhiều kỳ vọng ở con như mong con sẽ có tác phẩm tranh đoạt giải thưởng, sẽ đánh đàn piano thật siêu để mẹ… post lên facebook khoe! Nhớ là môn năng khiếu chỉ như một trò chơi để giúp bé trải nghiệm nhiều hơn với cuộc sống đáng yêu này.

8. Trồng cây

Dù không gian rộng hay hẹp, bạn cũng có thể “vén khéo” để ra được một… góc vườn cho con có thể thử trồng cây, trồng hoa. Đừng vội bảo: “Nhà mình là căn hộ chung cư thì lấy đâu ra không gian cho trẻ trồng cây!”. Thực tế, bạn chỉ cần một thau đất nhỏ xíu là cũng đã đủ cho con bắt đầu gieo ít hạt đậu xanh, trồng ít rau mầm rồi. Một góc ban công nhỏ cũng có thể cho trẻ để được 1-2 chậu hoa bé xíu.

9-dieu-ban-nen-cho-tre-trai-nghiem-trong-ky-nghi-he

Việc tự tay trồng cây, chăm sóc cây xanh giúp trẻ thêm yêu thiên nhiên, giải tỏa được những căng thẳng sau giai đoạn học hành. Nên ưu tiên chọn những loại cây xanh, rau củ dễ mọc, dễ chăm sóc, cho “kết quả” ngay sau vài ngày (như đậu xanh sẽ lên rất nhanh sau khi gieo) để trẻ thêm hào hứng.

9. Tự ghi chép và quản lý thu chi cá nhân

Nếu con bạn trên 10 tuổi, hè là cơ hội tuyệt vời để bạn bắt đầu hướng dẫn con cách quản lý thu chi cá nhân. Nên cho bé một khoản nhỏ tiền tiêu vặt hàng tuần. Kèm theo đó, hướng dẫn con lập sổ thu chi, tính toán dành dụm tiền quà vặt ba mẹ cho để thực hiện các kế hoạch rõ ràng như mua sách, mua dụng cụ học tập, mua một món đồ chơi.

Đừng ngại cho tiền quà vặt sớm sẽ làm trẻ dễ… hư. Thực tế, nếu bạn hướng dẫn cụ thể cho con, giúp bé hiểu giá trị của đồng tiền và cách sử dụng như thế nào là đúng, là hợp lý thì điều ấy rất có ích cho trẻ.

Theo TC Mẹ & Con/Mevacon.com.vn

Bệnh viện Hạnh Phúc