Ai cũng biết rằng việc đánh răng từ 2-3 lần mỗi ngày để giúp chúng ta có một hàm răng trắng sạch, ngăn ngừa sâu răng cũng như các bệnh răng miệng. Tuy nhiên, nếu thói quen đánh răng sai quy cách có thể mang đến những tác hại mà bạn không thể ngờ tới.

1. Thói quen đánh răng quá nhanh

Hầu hết mọi người đều không dành đủ thời gian cho việc đánh đánh răng. Mặc dù các nha sĩ thường khuyên chúng ta nên đánh răng trong hai hoặc ba phút mỗi lần, tuy nhiên là có rất ít người làm được điều này.

Hãy thử một lần dõi theo đồng hồ để kiểm tra lại thời gian bạn dành cho việc đánh răng mỗi lần là bao nhiêu. Rất có thể chỉ là 1 phút hoặc hơn một chút. Tình trạng này kéo dài sẽ khiến hiệu quả của việc đánh răng trở nên giảm đi đáng kể.

Nếu bạn thường xuyên vội vã trong lúc đánh răng, hãy dùng điện thoại đặt báo thức trong 3 phút trước khi bắt đầu công việc làm sạch răng của mình. Điều này sẽ đảm bảo hiệu quả tối đa của việc đánh răng.

2. Thói quen chải răng tùy tiện

Hãy chắc chắn rằng bạn đang nhìn vào gương khi chải răng và quan sát xem mình đang chải như thế nào. Bạn nên cố gắng chải hết các mặt của răng, phần lưỡi và cả phần bên trong má.

Nếu không thực hiện đúng lộ trình thì bạn sẽ rất dễ bỏ lỡ khu vực đường viền nướu, sát với chân răng, đó là phần quan trọng nhất. Đây chính là nơi mảng bám, cao răng và vi khuẩn có thể tích tụ, khiến nướu bị viêm và nhiễm (hay còn gọi là viêm nướu).

Một khu vực quan trọng nữa cần phải để mắt là phía trong răng hàm. Nếu bình thường bạn chỉ để đầu bàn chải chạm vào phần bên trong má thì rất có thể bạn đã bỏ qua hoàn toàn phần này.

 

Sử dụng chỉ nha khoa là một bước quan trọng giúp phòng tránh sâu răng.

3. Thói quen đánh răng sai cách

Men răng là phần cứng nhất, cấu tạo từ những tinh thể canxi photphat dài mảnh, nằm sát cạnh nhau theo 1 trình tự chính xác để bảo vệ răng. Khi bạn chải răng theo chiều ngang, những tinh thể giòn này có thể bị vỡ, dẫn đến các vết nứt và răng sẽ bị suy yếu.

Tiến sĩ Lenchner ví việc này như là cưa một cái cây. Hãy nhớ rằng: Răng không phải là cây. Cầm bàn chải sao cho lông đang ở một góc 45 độ so với bề mặt của răng và chải theo đường tròn nhỏ.

Tập trung vào một vài răng cùng một lúc, sau đó chuyển sang các răng tiếp theo, tiếp tục theo hình tròn từ bên này sang bên kia, trên và dưới, mặt trước và sau. Trên bề mặt nhai có thể đánh theo đường thẳng. Sau khi hoàn thành những đường tròn, đánh lên trên đường viền nướu để loại bỏ mảng bám và vi khuẩn.

4. Thói quen chải răng quá mạnh

Khả năng vỡ men răng là rất cao khi bạn chải răng quá mạnh. Nếu như bạn còn có thói quen nghiến răng thì nguy cơ răng bị hỏng men còn cao hơn gấp đôi.

Hai thói quen nguy hiểm này có thể gây ra những rãnh gần đường viền nướu gọi là mòn cổ răng. Với những chà xát không ngừng, nó có thể đào sâu hơn vào bên trong ngà răng và lớp cementum. Hơn nữa, đánh mạnh có thể gây tổn thương cho nướu nhạy cảm, gây kích ứng và tổn thương nướu.

5. Thói quen dùng sai bàn chải

Bạn nên mua bàn chải lông mềm hoặc cực mềm để giảm thiểu thương tổn cho răng miệng. Thậm chí là ngay cả bàn chải đánh răng lông mềm cũng có thể gây trầy xước nướu bạn nếu sử dụng không đúng.

Ngoài ra, nếu bạn sẵn sàng đầu tư thì tất cả các bàn chải đánh răng điện đều là những công cụ tuyệt vời vì chúng giúp bạn đánh lâu và đúng chỗ hơn. Những bàn chải điện đời mới thậm chí còn sử dụng các xung siêu âm để tiêu diệt vi khuẩn mà bạn chẳng cần phải chải.

Nghe thật kinh khủng nhưng sự thật là bàn chải đánh răng của bạn có thể là một “thiên đường” thực sự cho vi khuẩn, bao gồm cả viêm và tụ cầu khuẩn.

Bạn nên thay bàn chải đánh răng thường xuyên mỗi ba tháng, sớm hơn nếu lông trông mòn, trầy xước và cong. Theo thời gian, các lông bàn chải sẽ bị hư hại giống như những phần chẻ ở đuôi tóc của bạn. Đó cũng là nơi mà lũ vi khuẩn thường trú ngụ và “rình rập” cơ hội làm hại bạn.

Để giảm thiểu lượng vi khuẩn tăng trưởng hằng ngày, sau khi sử dụng hãy rửa bàn chải bằng nước nóng và để khô tự nhiên.

6. Thói quen dùng sai kem đánh răng

Kem đánh răng có chứa baking soda (muối) rất tốt trong việc loại bỏ vết bẩn vì chúng có khả năng mài mòn nhưng điều này cũng có nghĩa là rất không tốt cho men răng. Đây là một sự đánh đổi hoàn toàn không đáng. Nên chọn kĩ loại kem đánh răng làm trắng để không làm tổn thương răng của bạn.

7. Thói quen không dùng chỉ nha khoa

Chỉ nha khoa có thể đi vào giữa kẽ răng nơi mà bàn chải không thể chạm tới được. Sâu răng thì lại được hình thành phần lớn ở bề mặt giữa hai răng. Vi khuẩn sẽ bị mắc kẹt ở đó, phần lớn từ lượng đường trong các mẩu thức ăn, định cư và tạo ra chất ăn mòn men răng và có thể can thiệp vào lớp mềm của ngà răng bên dưới.

Nói cách khác, dùng chỉ nha khoa không phải là việc “thích thì làm” mà đó là cách tốt nhất để “quét sạch” mảng bám vi khuẩn trong kẽ răng trước khi các thành phần này “cấu kết” với nhau để hình thành vôi răng.

Bắt đầu bằng một đoạn chỉ dài khoảng 30cm, cuộn hai đầu chỉ vào hai ngón giữa. Kéo ngón tay cái và ngón trỏ nhẹ nhàng xỉa giữa hai răng, không dùng lực ấn mạnh hay quá nhanh, hai điều này đều có thể làm tổn thương nướu. Quấn sợi chỉ xung quanh một răng và kéo lên xuống để gạt và loại bỏ mảng bám. Sau đó làm tương tự trên các răng tiếp theo và lặp lại.

Một khi bạn đã có những kỹ thuật dùng chỉ nha khoa đúng, bạn không cần phải đứng trước bồn rửa mặt mà hoàn toàn có thể vừa xem ti vi vừa làm công việc này.

8. Cuối cùng, bạn không súc miệng

Đánh răng và dùng chỉ nha khoa là hai bước đã loại bỏ mảng bám vi khuẩn từ bề mặt răng hiệu quả. Và súc miệng ngay sau đó là một bước không thể thiếu để tống khứ vi khuẩn khỏi miệng bạn hoàn toàn.

Nên ưu tiên các loại nước súc miệng diệt khuẩn, không cồn hoặc sử dụng loại có chứa floride để tăng cường, củng cố men răng cũng như ngăn ngừa sâu răng. Nếu bạn không có nước súc miệng, vẫn nên súc kĩ vài lần với nước sau khi chải.

Trên đây là 8 sai lầm mọi người thường mắc phải khiến cho công việc vệ sinh răng miệng bị giảm hiệu quả hay thậm chí là “phản tác dụng”. Hay lưu ý những điểm này để giúp cho răng miệng luôn ở trạng thái tốt và phòng tránh được nhiều căn bệnh tai hại.

Nguồn: Tạp Chí Thời Trang Trẻ

Bệnh viện Hạnh Phúc