(Phụ Nữ Hiện Đại) – Có rất nhiều yếu tố tạo nên sự thành công trong kinh doanh, trong đó không thể không nhắc đến kỹ năng giao tiếp. Khi thực hiện đúng cách, kỹ năng giao tiếp trong kinh doanh có thể khơi gợi cảm xúc mạnh mẽ ở khách hàng và định hướng hình ảnh thương hiệu của bạn.

Dưới đây là 8 kỹ năng giao tiếp cơ bản trong kinh doanh – là “vũ khí” lợi hại giúp bạn chinh phục bất kỳ khách hàng hoặc đối tác nào.

Hoàn toàn tập trung

Tất cả chúng ta đều bận rộn và việc kinh doanh có thể khiến bạn cảm thấy áp lực. Vì vậy, trong cuộc họp hoặc gọi điện cho khách hàng, bạn có thể tận dụng chút thời gian để “lướt” qua bản thuyết trình phải trình bày vào chiều này hoặc xem lại các hợp đồng mà bạn sắp ký.

Tuy nhiên, điều đó không được chấp nhận. Bạn phải dành 100% sự chú ý của mình cho khách hàng, nếu không bạn sẽ bỏ lỡ chi tiết và khiến khách hàng phải lặp lại những điều họ đã nói với bạn. Đây không nên là cách bạn đối xử với “thượng đế” của mình.

Chủ động lắng nghe

Nói chuyện với khách hàng cũng giống như khi tham gia phỏng vấn với nhà tuyển dụng khi tìm việc làm. Bạn không chỉ phải nghe mà còn phải lắng nghe tích cực, nếu không cuộc trò chuyện của bạn sẽ không đi đến đâu cả.

Khi khách hàng cảm thấy đang được lắng nghe, họ sẽ có cảm giác được tôn trọng và sẵn sàng chia sẻ cảm xúc, ý kiến ​​của mình nhiều hơn. Do đó, khi nói chuyện với khách hàng, hãy tập trung vào những gì họ đang nói thay vì suy nghĩ về những điều bạn sẽ nói tiếp theo. Hãy xác nhận rằng bạn đã hiểu đúng bằng cách lặp lại nội dung đã nghe và đặt câu hỏi đào sâu có liên quan để làm rõ tình huống.

Đọc ngôn ngữ cơ thể và kiểm soát ngôn ngữ cơ thể của bạn

Cùng một câu nói nhưng khi được nói bởi một người đang mỉm cười, nhìn thẳng vào mắt bạn và ngồi thẳng lưng thì ý nghĩa sẽ rất khác so với khi người nói nhìn đi chỗ khác và cúi người xuống.

Đó là vì mặc dù chúng ta có thể nói bất cứ điều gì chúng ta muốn nhưng ngôn ngữ cơ thể thường sẽ tiết lộ ý định thực sự của chúng ta. Những người giao tiếp tuyệt vời biết cách đọc ngôn ngữ cơ thể của người khác để họ có thể đoán trước hướng đi của cuộc trò chuyện và cũng đảm bảo rằng ngôn ngữ cơ thể của họ không thể hiện những điều mà họ không muốn truyền tải.

Nắm vững các sắc thái của giọng điệu

Giống như ngôn ngữ cơ thể, giọng nói – cao độ giọng nói, âm lượng, tốc độ và thậm chí cả lựa chọn từ ngữ của bạn – cũng sẽ ảnh hưởng đến cách cảm nhận của khách hàng.

Hãy lắng nghe khách hàng của bạn, sau đó nói theo cách của họ. Dĩ nhiên, bạn không nên bắt chước mọi từ lóng hoặc biệt ngữ họ sử dụng, nhưng hãy chậm lại nếu họ nói chậm hoặc tăng tốc nếu họ nói nhanh hơn. Chìa khóa là tạo điểm chung giữa bạn và khách hàng, điều đó có nghĩa là nói theo cách mà họ cảm thấy thoải mái nhất.

Thể hiện sự đồng cảm

Bạn không nhất thiết phải đồng ý với mọi thứ mà khách hàng tiềm năng của bạn đang nói, nhưng ít nhất bạn nên cố gắng nhìn mọi thứ theo quan điểm của họ.

Người có kỹ năng giao tiếp trong kinh doanh có thể kết nối với khách hàng tiềm năng của họ bởi vì họ thực sự hiểu những điều mà khách hàng làm cũng như thách thức mà khách hàng phải đối mặt. Sự đồng cảm không chỉ khiến bạn trở nên dễ mến hơn mà còn làm tăng cơ hội đạt được thỏa thuận.

Hãy là chuyên gia trong lĩnh vực của bạn

Những người giao tiếp tuyệt vời có thể thuyết phục được mọi người vì họ có thể đưa ra các ví dụ cụ thể để hỗ trợ cho quan điểm mà họ đang nói, và trong trường hợp là người kinh doanh là vì họ có thể chứng minh chính xác cách một sản phẩm hoặc tính năng sẽ giúp ích cho khách hàng của họ. Tất nhiên, bạn sẽ không thể nói cụ thể nếu bạn không có sự hiểu biết sâu sắc về điều mình đang nói. Các khách hàng tiềm năng sẽ không bao giờ tin tưởng bạn nếu có vẻ như bạn không thực sự hiểu về sản phẩm, dịch vụ của bạn hay tình huống của họ. Do đó, hãy trở thành chuyên gia trong lĩnh vực mà bạn kinh doanh.

Đừng giả định

Nếu đã bán một sản phẩm hay dịch vụ trong một thời gian dài, bạn có thể dễ dàng rơi vào thói quen. Nhưng không chỉ vì 100 khách hàng đầu tiên có cùng một vấn đề thì khách hàng thứ 101 cũng sẽ như vậy.

Trừ khi bạn đã xác minh thông tin hoặc khách hàng nói với bạn, thì đừng bao giờ đưa ra giả định về tình huống của họ. Nếu bạn mặc định rằng mình đã hiểu về tình huống của khách hàng và không đặt câu hỏi tiếp theo, họ sẽ cảm thấy bị phớt lờ và buộc họ phải ngắt lời bạn để điều chỉnh. Có thể hình ảnh tiêu cực này sẽ đọng lại trong họ mãi mãi.

Hãy kiên trì, không quấy rầy

Có một ranh giới mong manh giữa sự kiên trì và quấy rầy, và bạn phải hiểu điều đó. Liên tục gọi điện và gửi email cho khách hàng mà không biết lý do tại sao họ không trả lời sẽ phản tác dụng, chỉ có thể khiến họ khó chịu và xa lánh bạn.

Nếu bạn không nhận được phản hồi cho một mail nhắc nhở, hãy thử một cách tiếp cận khác. Thay vì chuyển tiếp cùng một email đến khách hàng, hãy bắt đầu bằng một email mới về một vấn đề hoàn toàn khác. Sau khi bạn thu hút lại họ, hãy hướng cuộc trò chuyện trở lại công việc kinh doanh.

Đừng nản lòng nếu bạn không có tất cả các kỹ năng giao tiếp trong kinh doanh trên đây – không nhiều người làm được như vậy. Giống như bất kỳ thay đổi nào trong thói quen của một người, việc thành thạo các kỹ năng không phải bẩm sinh đòi hỏi thời gian, kinh nghiệm, thực hành và sự kiên nhẫn. Trước tiên, hãy xác định kỹ năng nào trong số này là điểm yếu của bạn, sau đó lập kế hoạch cải thiện để làm việc thông minh hơn và hiệu quả hơn. Chúc bạn may mắn!

Huỳnh Trâm

 

 

*Nội dung được thực hiện theo ĐKKD của C.A.M Media

Bệnh viện Hạnh Phúc
Bệnh viện Hạnh Phúc