Giấm táo được cho là có nhiều công dụng tốt đối với sức khỏe nhưng chúng ta cần lưu ý sử dụng giấm táo đúng cách. Nếu không, bạn có thể gặp phải một số vấn đề sức khỏe.
Theo đó, dưới đây là một số điều nên tránh khi sử dụng giấm táo, theo khuyến nghị của các chuyên gia:
1. Uống giấm táo ngay sau khi ăn
Nếu có thói quen uống giấm táo ngay sau bữa ăn, bạn nên điều chỉnh việc này ngay. Vì uống giấm táo khi đói có lợi cho sức khỏe, theo chuyên gia dinh dưỡng chức năng Elizabeth Abel (Delaware).
Với một số người, đặc biệt khi tuổi tác cao dần, có xu hướng giảm lượng dịch tiêu hóa phân hủy thức ăn. Do vậy, hấp thu giấm táo trước khi ăn giúp tăng cường mức dịch này, tạo điều kiện để thức ăn được tiêu hóa dễ dàng hơn – giảm tình trạng đầy bụng và khó tiêu. Vì vậy, bạn có thể cho giấm táo vào món rau trộn để phát huy công dụng này, theo chuyên gia.
2. Hít sâu giấm táo vào đường thở
Giấm táo có thể gây kích ứng và phản ứng khó chịu cho mũi và mắt, tốt nhất bạn không nên ngửi sâu loại thực phẩm này.
Về bản chất, giấm táo có mùi và cơ thể xem đây là chất gây khó chịu. Lưu ý không nên hít hoặc ngửi sâu giấm táo khi uống, có thể pha loãng giấm táo bằng một ít nước để giảm bớt sự xộc mùi của giấm táo.
Ngoài ra, làm loãng giấm táo bằng nước cũng tốt cho răng và thực quản. Theo đó, bạn có thể pha khoảng 100ml nước cho 1-3 muỗng cà phê giấm táo để sử dụng – đây là tỉ lệ pha loãng an toàn với nhiều người.
3. Uống với tốc độ nhanh
Uống giấm táo với tốc độ nhanh (hay còn gọi là tu, nốc) là điều không nên. Vì thậm chí khi đã được pha loãng, giấm táo vẫn là một axit mạnh nên có thể làm hỏng men răng.
Để tránh hỏng men răng, bạn nên uống dung dịch giấm táo pha loãng bằng ống hút, với diện tích tiếp xúc với răng miệng càng ít càng tốt. Ngoài ra, cũng nên tránh chải răng ít nhất trong thời gian 30 phút sau khi uống giấm táo.
4. Uống với số lượng lớn trong một lần
Khi mới bắt đầu sử dụng giấm táo, bạn nên hấp thu với lượng vừa phải. Điều này giúp cơ thể có thời gian tiếp nhận và phản ứng với sự có mặt của giấm táo trong cơ thể.
Sau khi uống, nếu bạn bị đau bụng hoặc cảm giác nóng rát trong bụng, hãy giảm lượng giấm táo xuống cho đến khi các cảm giác này biến mất – lời khuyên của chuyên gia.
Và dù không có các bất ổn này khi uống, bạn cũng không uống quá 2 muỗng canh giấm táo một lần vì “bạn nên uống giấm táo ở mức vừa phải để tránh sự khó chịu cho cơ thể và các tác dụng phụ”.
5. Uống giấm táo trước khi đi ngủ
Uống giấm táo trước khi ăn tốt cho sức khỏe; tuy nhiên, uống giấm táo ngay trước giờ đi ngủ lại không được các chuyên gia khuyến nghị vì điều này ảnh hưởng xấu đến thực quản.
Dù được làm loãng bằng nước, giấm táo vẫn có thể gây hại nếu axit tiếp xúc với thực quản khi chúng ta nằm xuống. Bất kể vào thời gian nào trong ngày, bạn nên giữ thẳng người trong 30 phút sau khi uống giấm táo để tránh trào ngược axit dạ dày và kích ứng thực quản.
Do vậy, bạn nên uống giấm táo ít nhất 1 giờ đồng hồ trước khi đi ngủ.
6. Khi bị nhiễm H.pylori
Giấm táo tuy có khả năng thúc đẩy sức khỏe tiêu hóa nhưng một số bất ổn dạ dày làm cho việc hấp thu giấm táo trở nên nguy hiểm hơn cho sức khỏe.
Ví dụ, nếu bạn nhiễm Helicobacter pylori, loại vi khuẩn có liên quan đến khối u dạ dày, giấm táo có thể gây khó chịu nhiều hơn. Nếu e ngại bất cứ vấn đề gì, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.
7. Bôi trực tiếp lên da
Bạn có thể sử dụng giấm táo để làm đẹp như trị mụn, trị gàu hoặc làm dịu vết bỏng nắng. Khi sử dụng giấm táo để làm sáng da, loại bỏ các vết thâm nám hay trị viêm nhiễm, bạn cần làm loãng giấm táo để giảm thiểu mức độ tương tác với da – theo chuyên gia Caleb Backe (Maple Holistics).
Kéo dài sự tiếp xúc với giấm táo có mức axit cao sẽ làm hủy hoại tế bào da, gây bào mòn da và để lại các vết bỏng da. Các chuyên gia khuyên nên pha 1 phần giấm táo với khoảng 8-10 phần nước.
Huệ Trần
(theo Reader’s Digest)/ Giác Ngộ
(theo Reader’s Digest)/ Giác Ngộ