Không cho con mặc quần lót từ 3 tuổi, gửi con ở một mình với người quen… là những điều rất phổ biến ở bố mẹ Việt.
Bài viết dưới đây là chia sẻ của thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Huyền, Giảng viên Khoa Khoa học giáo dục, ĐH Sư Phạm TPHCM về những sơ suất của bố mẹ trong việc giúp con tránh yêu râu xanh. Chị Huyền đang làm nghiên cứu sinh giáo dục tại Anh và đã sáng lập, điều hành nhóm thiện nguyện Sách và trẻ thơ, chuyên tổ chức các chương trình dạy trẻ và hướng dẫn phụ huynh, giáo viên dạy con phòng tránh bị xâm hại tình dục.
Trong khi cả xã hội, trong đó phần lớn là các bậc làm cha mẹ, sục sôi chuyện lên án thủ phạm, nghi can trong các vụ xâm hại tình dục trẻ em thì dường như họ quên mất vai trò của mình trong việc bảo vệ con. Cha mẹ có tự hỏi liệu mình đã hết sức để phòng tránh cho con khỏi tình huống bị xâm hại chưa? Liệu sự chủ quan, vô tình của mình có khi nào mang con thành miếng “mồi ngon” cho tội phạm?
Hãy thử điểm lại những thiếu sót của cha mẹ:
Chị Nguyễn Thị Thu Huyền, giảng viên khoa Khoa học giáo dục, Đại học sư phạm TP HCM. Ảnh: NVCC. |
Không dạy cho con về vùng riêng tư trên cơ thể
Rất nhiều cha mẹ không hề nói cho con biết những vùng “cấm” trên cơ thể như mông, cơ quan sinh dục, ngực thì không được phép để người khác đụng chạm, sờ mó, nhìn, ngoài cha mẹ, người chăm sóc trực tiếp được cha mẹ cho phép, bác sĩ, y tá khi khám bệnh. Ngoài ra, những vùng đó của người khác, trẻ cũng không được phép đụng chạm, nhìn ngó.
Do vậy, nhiều trẻ bị xâm hại bằng những hình thức có vẻ “nhẹ nhàng” (thực chất rất ám ảnh) như trêu ghẹo, vuốt ve vùng kín hoặc bị thủ phạm bắt làm những hành động tương tự với chúng mà không hiểu rằng mình đã bị xâm hại.
Không cho con mặc đồ lót từ tầm 3 tuổi trở đi
Thói quen này khá phổ biến ở trẻ Việt Nam vì nhiều cha mẹ viện dẫn do thời tiết nóng bức, mặc đồ lót khiến con khó chịu. Tuy nhiên, việc này hoàn toàn có thể giải quyết dễ dàng nếu mua đồ lót chất lượng tốt và trẻ được làm quen dần.
Mặc đồ lót vừa bảo vệ cơ quan sinh dục của trẻ khi chơi đùa, chạy nhảy (nhất là với với trẻ trai), vừa giảm nguy cơ kích thích người khác. Bên cạnh đó, trẻ ghi nhớ vùng riêng tư dễ dàng hơn vì chỉ cần nhắc không được cho ai đụng chạm, nhìn ngắm phần bên trong đồ lót của con.
Bắt con thể hiện tình cảm như ôm hôn người khác hoặc để người khác ôm hôn tuỳ tiện dù con không thích
Điều này có thể khiến trẻ nhầm lẫn với các hành vi xâm hại tương tự. Cha mẹ nên dạy con cụ thể với người thân thiết nào mới có thể vòng tay ôm hay hôn môi, hôn má. Nếu con không thích, con hoàn toàn có thể nói “không”.
Ảnh minh họa: The Mirror. |
Phớt lờ những hành vi đụng chạm, đùa nghịch, trêu ghẹo vùng kín của con từ những người khác
Nhiều người lớn Việt Nam có thói xấu này và vốn dĩ được xem là điều bình thường. Thực chất, những hành vi này đều được xếp vào xâm hại tình dục. Những hành vi này góp phần “bình thường hoá” chuyện xâm hại tình dục trong khi hậu quả của chúng đến trẻ là rất lớn. Nhiều trẻ lớn lên với đầy nỗi ám ảnh vì bị lạm dụng các hình thức kể trên trong suốt một thời gian dài.
Không dạy con các quy tắc ứng xử với những người khác nhau
Chẳng hạn chỉ ôm hôn thân thiết với người thân ruột thịt, nắm tay với thầy cô, bạn bè, bắt tay với hàng xóm… Trẻ nước ngoài được dạy khá kỹ về danh sách những ai mà các em nên tiếp xúc. Danh sách này được cha mẹ lập ra cùng trẻ và được nhắc nhở thường xuyên. Trẻ Việt Nam không được dạy nên có khi thân thiết quá đà với người không an toàn cho trẻ.
Gửi con ở một mình với người quen biết nhưng không hiểu rõ
Vô số trường hợp cha mẹ đã “giao trứng cho ác” và thủ phạm xâm hại là người trẻ biết. Cha mẹ hồn nhiên gửi con cho hàng xóm trong nhà kín hoặc nhờ xe ôm đưa đón con. Đương nhiên không phải ai cũng là người xấu. Tuy vậy, hạn chế gửi con một mình với người không phải thân thiết, ruột thịt là điều nên làm.
Ngoài ra, cha mẹ cũng dễ bỏ qua các biểu hiện tâm lý lẫn tổn thương thân thể bất thường của con
Nhiều trẻ bị xâm hại không phải hình thức giao cấu nên có thể không thấy tổn thương ở bộ phận sinh dục nhưng các hình thức khác khiến trẻ khủng hoảng tâm lý. Cha mẹ phớt lờ các biểu hiện như trẻ hay sợ hãi, khóc lóc, ngủ không ngon, nhắc tên ai đó thì hốt hoảng… khiến trẻ không được trợ giúp kịp thời, để lại hậu quả dai dẳng.
Khi nhận ra các dấu hiệu bất thường này, cha mẹ nên nhẹ nhàng hỏi con, đừng thúc ép, mắng chửi khiến trẻ sợ hãi mà giấu nhẹm hoặc kể sai lệch.
Không tin con khi con kể việc bị xâm hại
Đây là sai lầm nghiêm trọng chứ không chỉ là một thiếu sót. Nhiều cha mẹ mắng con là “nói năng lếu láo” khi con kể. Trẻ con hầu như không bao giờ tự bịa ra chuyện này. Vì vậy, nếu có, hãy lắng nghe, trấn an và bày tỏ sự tin tưởng con, cùng con lần ra chân tướng sự việc một cách ngọn ngành.
Nguồn: Nguyễn Thị Thu Huyền/ vnexpress