(Phunuhiendai.vn)  – Không những đảm bảo kiến thức chuyên môn mà một nhân viên toàn cầu tương lai chắc chắn cần phải trang bị thêm những kỹ năng nghề nghiệp mới và hiện đại. Nghe có vẻ đơn giản nhưng rõ ràng đây là một thử thách mà không phải ai cũng biết cách nắm bắt và phát huy tối đa tiềm năng bản thân để có cơ hội làm việc trong những môi trường doanh nghiệp mang lại giá trị cao.

Có rất nhiều kỹ năng nghề nghiệp quan trọng tạo điều kiện dễ dàng cho bạn khi tìm kiếm việc làm cũng như trong quá trình làm việc, nhưng đây là 5 điều phổ biến nhất.

Hiểu biết về công nghệ

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 được thúc đẩy bởi những đổi mới công nghệ như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, thực tế ảo, block chain… Điều này có nghĩa là hầu hết mọi người sẽ cần một mức độ hiểu biết nhất định đối với công nghệ.

Ở cấp độ cơ bản nhất, nhân viên ở hầu hết các vị trí trong doanh nghiệp hiện đại sẽ được yêu cầu thu thập và đánh giá dữ liệu thuộc lĩnh vực của mình. Điều này đòi hỏi một số kỹ năng sử dụng phần mềm hoặc trang web để hỗ trợ. Vì thế, để hiểu rõ được những tác động và xu thế của công nghệ đối với lĩnh vực ngành nghề thì bạn cần phải có những nhận thức và khả năng thao tác cơ bản để đảm bảo lợi thế cạnh tranh đối với những doanh nghiệp khác.

Khả năng phân tích và phản biện

Một người có kỹ năng tư duy phản biện có thể đề xuất các phương pháp nhằm giải quyết các vấn đề phức tạp bằng cách sử dụng lý luận và logic để đánh giá các lập luận của người khác.

Để có được kỹ năng này, bạn cần rèn luyện thói quen phân tích luồng thông tin từ nhiều nguồn khác nhau. Sau khi quan sát, một người có tư duy phân tích mạnh mẽ sẽ dựa trên logic để tìm ra ưu và nhược điểm của một tình huống từ đó điều hướng doanh nghiệp lựa chọn những giải pháp tối ưu nhất. Đây là một trong những kỹ năng nghề nghiệp quan trọng mà bất kỳ nhà tuyển dụng nào cũng sẽ cần đến những ứng viên trong tương lai, khi mà doanh nghiệp luôn đứng trước những thách thức mới của thời đại.

Trí tuệ cảm xúc (EQ)

Bên cạnh tư duy logic thì trí tuệ cảm xúc cũng là một trong những nhân tố quan trọng để tồn tại và phát triển trong những môi trường khác nhau. Khi mức độ thay đổi nhanh chóng của môi trường doanh nghiệp ngày càng cao thì để đáp ứng những yêu cầu trong công việc thì đòi hỏi bạn không những có những kỹ năng chuyên môn mà còn biết thấu hiểu và đồng cảm với người khác.

(Ảnh: St)

Máy móc lúc này sẽ không thể kết nối được giữa người và người do đó bạn cần biết cách điều chỉnh cảm xúc và hành vi cá nhân trong việc nâng cao hiệu quả làm việc nhóm. Biểu hiện của những người có chỉ số EQ cao sẽ thể hiện trong cách họ biết cách lắng nghe đồng nghiệp, qua đó giao tiếp hiệu quả và có khả năng giải quyết mâu thuẫn tốt và tạo lập môi trường làm việc tích cực, chuyên nghiệp.

Phán đoán và ra quyết định

Việc ra quyết định sẽ trở nên phức tạp hơn ở nơi làm việc trong tương lai. Mặc dù máy móc và dữ liệu có thể xử lý thông tin và cung cấp thông tin chi tiết mà con người không thể thu thập được, nhưng cuối cùng, con người sẽ cần phải đưa ra quyết định – những điều có thể tạo ra tác động đối với hoạt động kinh doanh hoặc tinh thần của nhân viên. Khi công nghệ lấy đi nhiều nhiệm vụ nặng nhọc và đơn giản hơn, nó sẽ khiến con người phải ra quyết định ở cấp độ cao hơn.

Chấp nhận sự thay đổi

Do tốc độ thay đổi ở nơi làm việc trong tương lai, mọi người sẽ cần phải nhanh nhẹn và có thể đón nhận cũng như chấp nhận sự thay đổi. Bộ não của chúng ta không chỉ cần phải linh hoạt mà chúng ta cũng cần phải thích nghi vì chúng ta cần phải điều chỉnh để thay đổi nơi làm việc, kỳ vọng và kỹ năng. Một kỹ năng thiết yếu trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là khả năng nhìn thấy sự thay đổi không phải là gánh nặng mà là cơ hội để phát triển và đổi mới.

Trên đây là 5 kỹ năng nghề nghiệp không thể thiếu trong tương lai. Hy vọng thông qua bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ được những cơ hội và thách thức mà môi trường doanh nghiệp hiện đại đề ra, từ đó tiếp tục rèn luyện và trang bị cho bản thân những kỹ năng phù hợp.

Tiến Huy

 

*Nội dung được thực hiện theo ĐKKD của C.A.M Media

Bệnh viện Hạnh Phúc
Bệnh viện Hạnh Phúc