Trang chủ Văn hóa nghệ thuật 5 kênh YouTube âm nhạc giúp tập trung, thư giãn hơn khi...

5 kênh YouTube âm nhạc giúp tập trung, thư giãn hơn khi học tập và làm việc

0

Việc chọn nghe một loại nhạc vừa giúp thư giãn nhưng không làm sao nhãng chắc chắn là thứ mọi người đang rất cần khi làm việc và học tập tại nhà trong mùa dịch!

Nghe nhạc là một cách giải trí giúp giảm căng thẳng, stress trong công việc. Các nhà khoa học đã chứng minh rằng, nghe nhạc khi học tập và làm việc giúp não bộ tập trung hơn và ghi nhớ nhiều hơn.

Tuy nhiên không phải loại nhạc nào cũng giúp người nghe tập trung trong học tập hay làm việc. Những thể loại nhạc có lời như Kpop, US-UK,… mà nhiều người chọn nghe để thư giãn thực tế chỉ khiến họ mất tập trung hơn khi đang làm việc và học tập.
Nghe nhạc khi học tập và làm việc giúp não bộ tập trung hơn và ghi nhớ nhiều hơn. (Ảnh:  JGI/Jamie Grill/Getty Images)Nghe nhạc khi học tập và làm việc giúp não bộ tập trung hơn và ghi nhớ nhiều hơn. (Ảnh:  JGI/Jamie Grill/Getty Images)

Trong thời điểm gần đây, khi mọi người được yêu cầu làm việc tại nhà vì dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, việc chọn nghe một loại nhạc vừa giúp thư giãn nhưng không làm sao nhãng công việc, học tập chắc chắn là thứ mọi người đang rất cần. Thế nên, chúng ta hãy cùng điểm qua 5 kênh YouTube âm nhạc giúp tập trung cao độ hơn khi học tập và làm việc tại nhà trong mùa dịch này nhé!

1. Nghe nhạc Baroque trên HALIDONMUSIC

Nhạc Baroque là một dòng nhạc cổ điển thịnh hành ở châu Âu từ những năm 1600 đến 1750. Thể loại nhạc này gắn liền với nhiều nhà soạn nhạc nổi tiếng như: Bach, Handel, Telemann…

Theo các nhà khoa học, nhạc Baroque là một thể loại nhạc nổi tiếng với tiết tấu liên tục nhưng không nhanh không chậm khoảng 50-80 nhịp một phút, gần với nhịp tim con người, nên khi nghe sẽ giúp nhịp tim chậm lại, huyết áp giảm đi, sóng não beta giảm 6% trong khi sóng não alpha tăng 6%.

Một nghiên cứu cụ thể về việc học tiếng anh khi nghe nhạc Baroque cho kết quả vô cùng đáng kinh ngạc. Theo đó khi một người vừa nghe nhạc Baroque vừa học từ mới có thể học được 1.000 từ/ngày. Lượng kiến thức này bình thường sẽ phải học trong cả 1 kỳ. Đặc biệt, họ còn nhớ được 92% kiến thức đã học được và nhớ trong khoảng 4 năm mà không cần ôn tập lại.

2. Nghe nhạc không lời nhẹ nhàng trên Meditation Relax Music

Khoa học đã chứng minh nghe nhạc tác động đến cả thể xác và tâm hồn của mỗi người, làm giảm hormone gây căng thẳng. Trong khi đó, tiếng nhạc làm bạn chững lại, bình tĩnh hơn, cơ thể và tâm hồn được thả lỏng hơn và suy nghĩ thấu đáo hơn để đưa ra quyết định đúng đắn.

Trong thời gian học tập và làm việc tại nhà này, bạn có thể chọn nghe những bản nhạc không lời nhẹ nhàng vừa giúp đầu óc cảm thấy thư giãn vừa giúp tập trung học tập và làm việc hiệu quả hơn. Ngoài ra, nhạc không lời cũng có tác dụng làm tăng khả năng sáng tạo, cũng như tư duy cho những trẻ em nhỏ tuổi, đặc biệt là lúc trong bụng mẹ và khi sinh ra.

3. Lắng nghe âm điệu của thiên nhiên trên kênh YouTube Soothing Relaxation

Những bản nhạc có giai điệu thiên nhiên giống như tiếng nước chảy, lá rơi sẽ là liều thuốc giúp người học cải thiện tâm trạng rất tốt, từ đó tạo cảm hứng thích thú làm việc và học tập. Khi lắng nghe những bản nhạc này, não bộ được hình thành thói quen tập trung hơn và tăng cường khả năng nhận biết.

Khi chọn nghe âm điệu của thiên nhiên trên kênh YouTube Soothing Relaxation, bạn còn có thể thưởng ngoạn phong cảnh đại dương bao la, những đồi núi trập trùng hay những bầu trời đầy sao huyền bí,… rất thích hợp cho những phút giây thư giãn.

(Lưu ý: Không phải tất cả các giai điệu về thiên nhiên đều có tác dụng tích cực cho bạn. Một số giai điệu thiên nhiên không nên nghe như: tiếng chim hót hoặc tiếng động vật… Những âm thanh này dễ làm người nghe cảm thấy đau đầu, cũng như bị xao nhãng tư tưởng)

4. Nghe nhạc cổ điển trên Just Instrumental Music

Những bản nhạc cổ điển được biên soạn bởi những nhà soạn nhạc nổi tiếng như Bach, Mozart và Beethoven được đánh giá là rất hữu ích trong khi ôn thi hoặc cần tập trung vào dự án công việc.

Các nhà nghiên cứu thuộc trường Đại học Helsinki (Phần Lan) đã phát hiện ra rằng nghe nhạc có thể làm biến đổi chức năng gen, qua đó có thể đem đến nhiều lợi ích to lớn bao gồm cải thiện chức năng bộ não.

Trong một nghiên cứu khác, một nhóm tình nguyện viên bao gồm trẻ em ở độ tuổi 8 – 9 tuổi và người cao tuổi ở độ tuổi 65 – 75 tuổi được yêu cầu thực hiện một nhiệm vụ trong 3 lần nhưng với yếu tố âm thanh khác nhau:

–  Lần thứ nhất với nhạc của Mozart

– Lần thứ hai với một bản nhạc cải biên chứa những quãng nghịch, cho người nghe một cảm giác rất chói tai

– Lần thứ ba là trong môi trường yên tĩnh

Kết quả cho thấy, cả trẻ em và người cao tuổi đều thực hiện công việc tốt hơn khi nghe nhạc Mozart.

5. Nghe nhạc của các nhà thần kinh học trên JustMusicTV

Năm 2012, các nhà thần kinh học tại Anh đã nghiên cứu để soạn ra những giai điệu giúp người nghe giảm căng thẳng hiệu quả nhất.

Các nhà trị liệu âm thanh đã hợp tác cùng nhóm nhạc Marconi Union để cùng hòa âm và sắp xếp cẩn thận nhịp điệu và tiếng bass để giúp làm chậm nhịp tim của người nghe, làm giảm huyết áp và giảm mức cortisol của hormone căng thẳng. Bản nhạc này mang tên Weightless.

Một thử nghiệm đã thực hiện để đánh giá hiệu quả thực tế của bài nhạc này trong việc giảm sự căng thẳng. Theo đó, các tình nguyện viên tham gia vào nghiên cứu sẽ phải cố gắng giải những câu đố khó càng nhanh càng tốt, điều này khiến cho người tham gia căng thẳng ở một mức độ nhất định.

Lúc này, nhóm tình nguyện viên sẽ được nghe các bài nhạc khác nhau, trong đó có Weightless, và được kết nối với cảm biến để đo hoạt động của não và trạng thái sinh lý bao gồm nhịp tim, huyết áp và tỷ lệ hít thở.

Kết quả cho thấy, nghe Weightless làm giảm 65% sự lo lắng của các tình nguyện viên và giảm 35% mức nghỉ ngơi sinh lý thông thường của họ. Tiến sĩ David Lewis-Hodgson của Mindlab International, người tiến hành nghiên cứu cho biết: Bản nhạc Weightless tạo ra trạng thái thư giãn tuyệt vời cho người nghe hơn bất kỳ loại nhạc nào khác được thử nghiệm.

Nguồn: saostar.vn

https://saostar.vn/cong-nghe/internet/5-kenh-youtube-am-nhac-giup-tap-trung-thu-gian-khi-hoc-tap-va-lam-viec-7305511.html

 

 

 

 

Bệnh viện Hạnh Phúc