Sau khi vượt qua vòng tuyển chọn hồ sơ, bạn cần sẵn sàng cho thử thách tiếp theo là vòng phỏng vấn. Tâm trạng lo lắng là điều dễ hiểu, nhất là khi mức độ cạnh tranh ngày càng gay gắt.
Dưới đây là 5 điều nên làm để tăng tỉ lệ thành công khi phỏng vấn xin việc được tổng hợp từ chia sẻ của các ứng viên đã có kinh nghiệm, hãy cùng tham khảo nhé.
Chuẩn bị đầy đủ, sẵn sàng trước phỏng vấn
Thiếu sự chuẩn bị được xem là lý do phổ biến khiến nhiều người gặp khó khăn khi bước vào vòng phỏng vấn việc làm ở Ninh Thuận, Bình Thuận hay bất cứ nơi đâu khác. Với tâm lý chủ quan này, phần thể hiện của ứng viên trước nhà tuyển dụng sẽ không mang lại hiệu quả tốt nhất. Một số sự chuẩn bị cần thiết như:
- Luôn trong trạng thái sẵn sàng tham gia phỏng vấn;
- Chuẩn bị sẵn hồ sơ xin việc, thư xin việc, portfolio… dưới dạng bản cứng và bản mềm;
- Kiểm tra các tài liệu, bằng cấp nhà tuyển dụng yêu cầu;
- Bảo đảm thời gian, trang phục sớm hơn 10 đến 15 phút.
Chỉ với vài thay đổi nhỏ trong thói quen, bạn đã có thể tự tin hơn để đến với buổi phỏng vấn mà không phải lo lắng vì lỡ bỏ qua các thông tin quan trọng.
Trả lời rõ ràng, cụ thể và đúng trọng tâm
Trong quá trình phỏng vấn xin việc, nhà tuyển dụng sẽ liên tục đặt câu hỏi để hiểu thêm về tiềm năng của bạn. Mỗi lĩnh vực khác nhau sẽ có bộ câu hỏi đặc thù, tuy nhiên bí quyết chung mà bạn nên lưu ý đó là hãy đưa ra những câu trả lời thật rõ ràng, cụ thể và đúng trọng tâm vấn đề. Kèm thêm các ví dụ và đưa ra con số chính là cách giúp câu trả lời của bạn trở nên thuyết phục người nghe hơn. Nhất là đối với các nhóm ngành công việc liên quan đến số liệu thống kê như marketing, phân tích dữ liệu, IT… thì điều này là rất cần thiết. Thói quen định lượng kinh nghiệm, kỹ năng sẽ giúp bạn thể hiện được giá trị mà bản thân có thể đóng góp cho vị trí công việc đang ứng tuyển.
Phong thái chuyên nghiệp và chủ động
Tố chất tiếp theo mà bạn nên thể hiện trong buổi phỏng vấn đó là chuyên nghiệp và chủ động. Một số ứng viên chưa có nhiều kinh nghiệm sẽ dễ rơi vào trạng thái bị động, sau đó liên tục gặp căng thẳng hoặc có những cách ứng xử không đúng mực.
Để luyện tập phong thái chuyên nghiệp, bạn cần biết cách điều chỉnh nhịp độ nói một cách rành mạch, dứt khoát. Nếu nhận được câu hỏi phức tạp, bạn không nên hấp tấp trả lời ngay mà thay vào đó có thể xin một ít thời gian để suy nghĩ và lấy lại bình tĩnh. Chủ động thảo luận và đặt câu hỏi ngược với nhà tuyển dụng cũng là biểu hiện cho thấy bạn hứng thú và muốn tìm hiểu sâu hơn về vị trí công việc.
Khéo léo lồng ghép những điểm tương đồng
Sẽ không có bí quyết nào giúp bạn trở thành ứng viên xuất sắc nhất nhưng bạn có thể trở thành ứng viên phù hợp nhất nếu biết cách lồng ghép những điểm tương đồng. Bên cạnh bộ kỹ năng chuyên môn bắt buộc thì doanh nghiệp sẽ đánh giá cao ứng viên có đặc điểm phù hợp với công việc và doanh nghiệp. Các đặc điểm này có thể đưa vào dưới dạng các từ khóa, nhấn mạnh khi trả lời phỏng vấn hoặc thảo luận với nhà tuyển dụng. Những yếu tố có thể tham khảo như:
- Văn hóa doanh nghiệp;
- Định hướng phát triển;
- Kỹ năng bổ trợ: thiết kế, ngoại ngữ, công nghệ…
Bạn có thể tìm hiểu kỹ các nội dung trên thông qua bảng mô tả công việc, các cổng thông tin uy tín của doanh nghiệp.
Tạo thiện cảm bằng hành động nhỏ
Cuối cùng nhưng cũng không kém phần quan trọng đó là những hành động nhỏ chiếm thiện cảm trong mắt nhà tuyển dụng. Khảo sát cho thấy rằng tỉ lệ phỏng vấn thành công có liên quan đến không khí thoải mái và tích cực giữa ứng viên và nhà tuyển dụng. Vì vậy đừng ngần ngại tạo ấn tượng ngay từ những lời chào hỏi đầu tiên cho đến sau buổi phỏng vấn. Hãy nhanh tay ghi chú một số hành động nhỏ nhưng hiệu quả ngay dưới đây nhé:
- Lịch sự chào hỏi trước khi phỏng vấn;
- Giữ giao tiếp bằng mắt và tích cực lắng nghe;
- Mỉm cười, sử dụng khéo ngôn ngữ cơ thể khi trả lời câu hỏi;
- Sắp xếp gọn gàng trước khi ra về;
- Cảm ơn trực tiếp hoặc viết email sau buổi phỏng vấn;
Trên đây là 5 điều nên làm để tăng tỉ lệ thành công khi phỏng vấn xin việc. Hy vọng bài viết đã giúp bạn có thêm những kinh nghiệm để tự tin chinh phục công việc phía trước.
Tiến Huy(Career Link)