(Phunuhiendai.vn) – Câu hỏi phỏng vấn hành vi là còn khá xa lạ với nhiều người, nhưng thực chất đã được áp dụng trong quy trình phỏng vấn tuyển dụng từ khá lâu. Khi mới nghe qua lần đầu, câu hỏi phỏng vấn hành vi không có gì khác biệt so với những câu hỏi tình huống hay kinh nghiệm thông thường.

Tuy vậy, bằng việc hỏi sâu vào những suy nghĩ và hành động, cách ứng xử của bạn trong những tình huống khác nhau trong quá khứ, nhà tuyển dụng sẽ khiến bạn phải bộc lộ phần nào tính cách và con người bên trong bạn – một điều rất quan trọng để họ quyết định bạn có phù hợp với công ty, doanh nghiệp của họ hay không.

Vậy khi trả lời những câu hỏi phỏng vấn hành vi, bạn nên làm gì? Dưới đây là một số lưu ý giúp bạn vượt qua những câu hỏi này một cách suôn sẻ, bạn tham khảo nhé!

Tìm ra mục đích thực sự của câu hỏi

Thực chất thì mỗi câu hỏi phỏng vấn hành vi được nhà tuyển dụng đưa ra sẽ đều có những mục đích nhất định phía sau. Họ muốn đánh giá cách ứng xử của bạn, tính cách của bạn, hay suy nghĩ của bạn trong những tình huống khác nhau. Hãy suy nghĩ để tìm ra tâm ý thực sự của nhà tuyển dụng đằng sau mỗi câu hỏi, và từ đó đưa ra câu trả lời phù hợp.

Để làm được điều này, bạn cần tìm hiểu thật kỹ về văn hóa công ty nơi mình ứng tuyển, và ghi nhớ những nét tính cách, những giá trị được công ty chào đón. Đây là một nhiệm vụ không dễ dàng nhưng nếu làm được điều này trong các cuộc phỏng vấn tìm việc làm biên phiên dịch tiếng Nhật, Marketing hay kế toán, bạn đã phần nào “nắm được trái tim” của nhà tuyển dụng.

Nên trả lời vào đúng trọng tâm câu hỏi

Có rất nhiều cách để trả lời một câu hỏi phỏng vấn hành vi: trả lời trực tiếp, gián tiếp, hoặc thậm chí kể một câu chuyện. Nhưng điều cốt lõi là bạn vẫn cần trả lời vào đúng trọng tâm của câu hỏi, tránh trường hợp trình bày lòng vòng, lan man khiến người nghe không nắm được thông tin. Phần lớn những câu hỏi phỏng vấn hành vi là một câu hỏi mở, do đó câu trả lời sẽ không có đúng hay sai, nhưng điều quan trọng là bạn cần thể hiện bản thân qua câu trả lời một cách rõ ràng nhất.

Nếu nhà tuyển dụng đặt ra tình huống, hãy tập trung trình bày cách xử lý. Nếu nhà tuyển dụng hỏi về một kinh nghiệm thực tế, hãy đưa ra đủ các yếu tố: nguyên nhân – giải pháp – kết quả. Bạn sẽ ghi điểm nếu câu trả lời của bạn khiến nhà tuyển dụng nhìn ra được tố chất mà họ đang cần – thay vì trả lời theo kiểu “ba phải” để tránh bộc lộ quan điểm thực của bản thân.

Chú ý tới thái độ của nhà tuyển dụng khi trả lời

Trong quá trình trả lời câu hỏi phỏng vấn hành vi, một gợi ý tuyệt vời dành cho bạn đến từ chính phản ứng của người nghe. Hãy quan sát để nắm bắt được những dấu hiệu này, và từ đó điều chỉnh câu trả lời của mình theo hướng phù hợp.

Nhà tuyển dụng có đang tán thưởng hay ngầm phản đối câu trả lời của bạn? Từ khóa nào khiến họ gật đầu tâm đắc, hay nhíu mày đầy nghi ngờ? Họ có đang tò mò về bạn và muốn tìm hiểu nhiều thêm nữa, hay họ đã có đủ thông tin? Tất cả những dấu hiệu này đều rất quan trọng, và bạn cần chú ý tới người nghe để đưa ra câu trả lời thuyết phục nhất có thể.

Tránh sử dụng từ ngữ mang tính tuyệt đối

Một điều nên tránh khi trả lời câu hỏi phỏng vấn hành vi, đó là sử dụng những từ ngữ quá chắc chắn, mang tính khẳng định tuyệt đối. Việc khẳng định quá mạnh mẽ một quan điểm nào đó của bản thân thường sẽ tạo ấn tượng cho người nghe rằng bạn là người có xu hướng bảo thủ, không dễ dàng tiếp thu ý kiến của người khác.

Để tránh đưa bản thân vào thế khó khi bị nhà tuyển dụng “đọc vị” một cách dễ dàng, bạn hãy sử dụng những từ ngữ mang tính dung hòa hơn, hạn chế sử dụng những từ ngữ như bắt buộc, phải, chắc chắn, nhất, cực kỳ, khẳng định…

Câu hỏi phỏng vấn hành vi có thể là một thử thách khó nhằn đối với các ứng viên, nhưng không vì thế mà chúng ta trở nên thiếu tự tin và mất bình tĩnh. Việc hiểu rõ bản chất của kỹ thuật phỏng vấn hành vi sẽ giúp bạn đưa ra những câu trả lời hiệu quả, từ đó làm chủ buổi phỏng vấn và chinh phục được nhà tuyển dụng. Hi vọng với những gợi ý trên đây sẽ giúp bạn có thể thực hành kỹ năng trả lời câu hỏi phỏng vấn hành vi một cách suôn sẻ trong buổi phỏng vấn sắp tới.

                                                                             Ngân Linh

 

 

*Nội dung được thực hiện theo ĐKKD của C.A.M Media

Bệnh viện Hạnh Phúc