Tài sản cần chia bốn: Một phần mình an hưởng/ Hai phần dành công việc/ Phần tư, phần để dành. Nhân đọc bài này trên báo Giác Ngộ rất thiết thực cho chị em phụ nữ và gia đình, mayxanhduong xin chia sẻ lại nội dung cùng các thành viên, và bạn đọc.
HỎI: Tôi là Phật tử, trước đây tôi có nghe một vị thầy giảng về cách thức tiêu xài tiền bạc và của cải do mình làm ra. Tôi còn nhớ đại khái là chia làm bốn phần nhưng không nhớ cụ thể là những gì? Mong quý Báo trợ duyên, giới thiệu các kinh sách đề cập đến vấn đề này để cho tôi biết rõ mà thực hành việc cân đối thu nhập và chi tiêu đúng theo lời Phật dạy.
(QUẢNG HOA,
tuan…september@gmail.com)
ĐÁP:
Bạn Quảng Hoa thân mến!
Làm việc chính đáng để tạo ra tài sản, quản lý và chi tiêu tài sản ấy một cách hợp lý nhằm thiết lập đời sống hạnh phúc, an vui là vấn đề được Đức Phật chú trọng trong giáo huấn cho hàng Phật tử tại gia.
Người Phật tử nỗ lực gầy dựng tài sản vì: 1- Tự mình làm an lạc, hoan hỷ. Làm cho cha mẹ, vợ con, người phục vụ, người làm công được an lạc, hoan hỷ. 2- Vị này làm cho bạn bè, thân hữu an lạc, hoan hỷ. 3- Các tai họa để trở thành trắng tay bị chặn đứng và vị ấy giữ tài sản được an toàn cho vị ấy. 4- Vị ấy có thể hiến cúng cho bà con, cho khách, cho hương linh đã chết; hiến cúng cho vua và chư thiên. 5-Vị ấy tổ chức cúng dường các vị Sa-môn, Bà-la-môn. Sự cúng dường tối thượng này đưa đến phước báo vô lượng ở cõi người, cõi trời (Kinh Tăng chi bộ II, chương 5, phẩm Vua Munda, phần Trở thành giàu). Như vậy, người Phật tử chí thú làm ăn không hẳn vì mình, mà vì nhiều người cùng những mục tiêu cao thượng khác.
Đức Phật dạy, muốn có hạnh phúc và an lạc trong hiện tại cần: “Đầy đủ tháo vát, đầy đủ phòng hộ, làm bạn với thiện, sống thăng bằng và điều hòa” (Kinh Tăng chi bộ III, chương 8, phẩm Gotamì, phần Dìghajànu – Người Koliya). Trong đó, “sống thăng bằng và điều hòa” tức “biết rõ tài sản nhập và xuất, sống một cách điều hòa, không quá phung phí và không quá bỏn sẻn”.
Rõ ràng, người Phật tử cần biết thật rõ về thu nhập và chi tiêu của bản thân cũng như gia đình để tự điều chỉnh, cân đối sao cho phù hợp nhất. Không phung phí vì sẽ dẫn đến thiếu hụt. Không quá bỏn sẻn vì tài vật do mình làm ra thì mình phải được thọ dụng. Cả hai cách phung phí và bỏn sẻn đều không hay, mất phước.
Về việc cân đối thu nhập và chi tiêu, Đức Phật dạy: “Người tích trữ tài sản/ Như cử chỉ con ong/ Tài sản được chồng chất/ Như ụ mối đùn cao/ Người cư xử như vậy/ Chất chứa các tài sản/ Vừa đủ để lợi ích/ Cho chính gia đình mình/ Tài sản cần chia bốn/ Ðể kết hợp bạn bè: Một phần mình an hưởng/ Hai phần dành công việc/ Phần tư, phần để dành/ Phòng khó khăn hoạn nạn” (Kinh Trường bộ II, Kinh Giáo thọ Thi-ca-la-việt [Sigàlovàda], số 31).
Có thể xem đây là cách thức cân đối chi tiêu căn bản của người Phật tử. Toàn bộ tài sản do mình làm ra, “không quá phung phí và không quá bỏn sẻn”, chi tiêu có hoạch định với mục đích lợi mình và lợi người rất rõ ràng. “Một phần mình an hưởng” là chi tiêu cho đời sống (căn bản là ăn, mặc, ở, thuốc trị bệnh) của bản thân và gia đình. “Hai phần dành công việc”, có thể xem khoản này là những phần chi tiêu khác như tái đầu tư sản xuất hoặc kinh doanh, giao tế, từ thiện, cúng dường, tế lễ, v.v…
“Phần tư, phần để dành” là quỹ tiết kiệm, dự phòng cho những bất trắc như đau ốm, tai nạn, thiên tai và các biến động khác.
Dĩ nhiên hoạch định chi tiêu này chỉ mang tính quy ước, phù hợp với nền kinh tế nông nghiệp của xã hội Ấn Độ cổ đại, thời Đức Phật. Tuy vậy, hoạch định này cũng khá chính xác đối với những người sống trong các nước có nền kinh tế phát triển hiện nay, và có thể không mấy phù hợp với một số vùng có nền kinh tế yếu kém (thu nhập thấp, vật giá cao-không đủ ăn mặc thì làm sao có vốn để tái đầu tư hay để dành).
Rõ ràng, Đức Phật đã vô cùng thực tiễn khi thiết lập nền tảng kinh tế gia đình ổn định, cân đối thu chi một cách khoa học nhằm xây dựng hạnh phúc và an lạc trong hiện tại. Từ cơ sở này, người đệ tử Phật tại gia mới phát huy tuệ giác tu tập hướng đến thanh tịnh và giải thoát.
Chúc bạn tinh tấn!
TỔ TƯ VẤN
(tuvangiacngo@yahoo.com)
Theo Giác Ngộ online