Đường huyết cao có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho cơ thể “từ đầu đến chân”. Hiểu biết các biến chứng này có thể giúp chúng ta tránh được chúng.

Biến chứng của tiểu đường: nguy hại nhưng có thể tránh được

“Bị tiểu đường không có nghĩa là bạn sẽ mất thị lực, mất chân hay thận của mình” – theo TS. Aaron Cypess, nhà nghiên cứu của Viện Quốc gia Hoa Kỳ về Tiểu đường & Bệnh thận, thuộc Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ. Những biến chứng này có thể không xảy ra, bạn có thể chặn đứng hay làm đảo ngược tiến triển và đảm bảo được chất lượng cuộc sống cho mình”.

tieuduong.jpg
Tiểu đường và các biến chứng

Điều then chốt là nhận thức rõ các nguy cơ có thể xảy ra khi tiểu đường không được kiểm soát tốt (các thói quen sống hàng ngày có thể phá hoại sự kiểm soát tiểu đường) và bạn cần làm việc với bác sĩ để chắc chắn rằng điều mình làm là đúng, khoa học.

1 – Dễ bị sâu răng và viêm nướu hơn

Người bị tiểu đường không có nhiều nước bọt như người khỏe mạnh, điều này dẫn đến khô miệng và làm tăng nguy cơ sâu răng, các bệnh về nướu – chia sẻ của TS. George L. King, giám đốc Trung tâm Tiểu đường Joslin, trường Y khoa Hardvard.

Và người bị tiểu đường cần có mức đường huyết bình thường để duy trì sức khỏe răng miệng tốt. Người bệnh cần được kiểm tra răng miệng thường xuyên và lưu ý đến việc chải răng.

2 – Dễ bị viêm nhiễm đường tiểu

Khoảng 10% người bị tiểu đường tuýp 2 bị nhiễm trùng đường tiểu, số lượng gần như gấp đôi người bình thường mắc bất ổn đường tiểu.

Đường trong nước tiểu trở thành mảnh đất màu mỡ cho vi khuẩn. Tiểu đường cũng đóng góp vào các hư hại thần kinh trong bàng quang, nơi chứa nước tiểu và cũng là nơi vi khuẩn phát triển. Nhiễm trùng đường tiểu được chữa khỏi bằng kháng sinh.

3 – Trí nhớ và sự nhanh nhạy đầu óc bị ảnh hưởng

Nhiều nghiên cứu chỉ ra mối liên hệ giữa tiểu đường tuýp 2 và nguy cơ cao với các vấn đề tư duy, trong đó có chứng suy giảm trí nhớ.

Một bài báo đăng trên tạp chí Thần kinh học cho thấy người trên 60 tuổi bị tiểu đường tuýp 2 có đến 70% nguy cơ mất trí nhớ trong thời gian 11 năm so với người không bị tiểu đường. Insulin đóng vai trò quan trọng trong khả năng học tập và trí nhớ của chúng ta, TS. Thần kinh học William Klein – Đại học Northwestern cho biết.

Tiểu đường cũng phá hủy các mạch máu trong não, ảnh hưởng đến dòng lưu thông máu và sự vận chuyển dưỡng chất đến các tế bào, gây ra chứng sa sút trí tuệ não mạch (vascular dementia).

4 – Dễ bị suy nhược tinh thần

Tỉ lệ suy nhược tinh thần ở người tiểu đường cao hơn gấp 2-3 lần so với người khỏe mạnh. Các nhà khoa học nghi ngờ rằng tiểu đường góp phần gây ra suy nhược tinh thần và suy nhược tinh thần cũng góp phần làm tăng nguy cơ mắc tiểu đường. Có những biểu hiện giống suy nhược tinh thần cũng là dấu hiệu thầm lặng của tiểu đường.

Nghiên cứu scan não đều cho thấy các phần của não bộ đặc biệt bị tác động bởi những thay đổi về mức glucose – điều này ảnh hưởng đến nguy cơ suy nhược tinh thần.

Người bị suy nhược tinh thần có mức hormone stress cortisol tăng cao, gây ra các bất ổn về glucose hay sự chuyển hóa glucose, tăng kháng insulin và tích mỡ bụng. Tất cả các yếu tố này đều làm tăng nguy cơ tiểu đường.

5 – Cảm giác khó tiêu, buồn nôn và no căng bụng sau bữa ăn

Tiểu đường ảnh hưởng đến chức năng của thần kinh phế vị (vagus nerve), các thần kinh có chức năng kiểm soát cách thức ăn di chuyển qua đường tiêu hóa – theo Hội Tiểu đường Hoa Kỳ.

Khi thần kinh này hoạt động bất bình thường, thức ăn sẽ ở lại trong dạ dày lâu hơn, gây ra sự khó chịu như ợ nóng, buồn nôn, nặng bụng, đầy hơi sau khi ăn hoặc ăn không ngon miệng.

Cách khắc phục là nên ăn nhiều bữa nhỏ, tránh các thức ăn có hàm lượng béo cao hoặc quá nhiều chất xơ. Ngoài ra cũng cần thay đổi và điều chỉnh việc uống thuốc như thời gian và liều insulin.

6 – Thị giác bị suy yếu

Về ngắn hạn, sự dao động mức glucose có thể làm cho bạn nhìn thấy lờ mờ không rõ. Khi bệnh nhân được phát hiện tiểu đường, thị lực của họ kém hơn – đây là điều hoàn toàn bình thường vì mức đường huyết trong máu giảm xuống, hình dạng của tròng mắt có thể bị thay đổi nhưng mắt chúng ta sẽ tự điều chỉnh sau vài ba tuần.

Tuy nhiên, tiểu đường có thể làm hại mắt nhiều hơn, như chứng võnng mạc đái tháo đường (diabetic retinopathy – sự phá hủy các mạch máu ở phía sau mắt); đục thủy tinh thể (các tròng mắt vị váng đục), cườm nước (dịch trong mắt làm phá hủy các thần kinh mắt và gây mất thị lực).

Viện Mắt Quốc gia Hoa Kỳ khuyên bệnh nhân tiểu đường nên đi kiểm tra mắt toàn diện mỗi năm để phát hiện các bất ổn có thể xảy ra, khi còn điều trị được.

7 – Tai ù ù

Các dây thần kinh trong tai có thể bị phá hủy khi bị tiểu đường: tiếng ong ong và ù tai. Quản lý mức đường huyết có thể giúp cải thiện tình trạng này.

8 – Dễ bị ngừng thở khi ngủ

Người bị tiểu đường dễ mắc chứng ngừng thở khi ngủ (đừng bỏ qua các dấu hiệu của bệnh này). Các bác sĩ từng nghĩ rằng điều này có liên quan tới cân nặng – trọng lượng quá lớn làm tăng nguy cơ tiểu đường và ngừng thở khi ngủ.

Ngày nay, các chuyên gia gợi ý rằng bất ổn này có thể có liên quan đến tình trạng kháng insulin. Người có thể trọng nhẹ nếu kháng insulin thì cũng dễ bị chứng ngừng thở khi ngủ.

Ngừng thở khi ngủ là trạng thái lặp đi lặp lại nhiều lần trong đêm việc bạn dừng và lại bắt đầu hít thở. Bất ổn này có thể làm tăng nguy cơ mắc chứng huyết áp cao.

Để khắc phục tình trạng này, bạn có thể đeo một chiếc mặt nạ khi ngủ để giữ cho đường thở được mở ra một cách thông thoáng.

9 – Bạn có thể bị gan nhiễm mỡ

80% người bị tiểu đường có gan nhiễm mỡ, theo chia sẻ của TS. Kenneth Cusi – Đại học Florida (Gainesville) với tờ Dự báo Tiểu đường. Sự tích tụ mỡ làm cho việc kiểm soát đường huyết khó khăn hơn.

Gan nhiễm mỡ thường không có biểu hiện nhưng gây ra các viêm nhiễm làm cho gan suy yếu, không thể hoạt động bình thường theo thời gian. Giảm cân – khoảng 5% trọng lượng cơ thể, giảm hấp thu carbohydrate cũng giúp cải thiện đáng kể tình trạng gan nhiễm mỡ.

10 – Gặp bất ổn về bàn chân

Các bất ổn về bàn chân thường xảy ra ở bệnh nhân tiểu đường nhưng chúng ta có thể từng bước bảo vệ bàn chân của mình.

Các dây thần kinh bàn chân bị phá hủy có thể gây mất cảm giác, ít cảm thấy đau, không cảm thấy nóng, lạnh. Vì không có các cảm giác này nên bàn chân sẽ dễ bị nhiễm trùng hơn. Ngoài ra, mức glucose trong máu cao và các mạch máu bị phá hủy có thể làm cho viêm nhiễm chậm lành.

Trong một số trường hợp, nhiễm trùng nặng cứ tiến triển xấu dần làm cho các mô da chết đi; có khi buộc phái cắt bỏ bàn chân.

Hãy quan sát bàn chân mình mỗi ngày xem có gì bất ổn hay không. Theo một nghiên cứu, nếu bệnh nhân chăm sóc chân tốt như: giữ chân sạch sẽ, dùng kem dưỡng để tránh nứt chân thì nguy cơ nhiễm trùng và đoạn chi giảm đến 50%.

11 – Tim cũng bị ảnh hưởng

Nguy cơ bệnh tim cao gấp hai lần ở người bị tiểu đường. Nói cách khác, tiểu đường là yếu tố nguy cơ mạnh nhất dẫn đến bệnh tim mạch – theo Trung tâm Tiểu đường Joslin.

Các mạch máu của bệnh nhân tiểu đường vốn suy yếu sẽ càng nhạy cảm hơn với thuốc lá, cholesterol cao, huyết áp cao. Người bị tiểu đường còn có mức viêm nhiễm cao ở các động mạch, gây xơ cứng động mạch và bất lợi cho tim.

May thay, các thói quen sống tích cực có thể giúp ngăn ngừa cả tiểu đường và bệnh tim mạch. Thậm chí có thể dù bạn đã nghe rất nhiều lần rồi, nhưng hãy ghi nhớ: Không hút thuốc lá; giảm cân nếu cần; duy trì huyết áp, mỡ máu, mức cholesterol khỏe mạnh; tích cực vận động; kiểm soát đường huyết là những cách thiết thực giúp bảo vệ bạn khỏi tiểu đường và bệnh tim một cách hiệu quả.

Nguồn: Trần Trọng Hiếu
(theo Reader’s Digest)

Giác Ngộ/Giacngo.vn

Bệnh viện Hạnh Phúc