Trong năm 2015, 10 sự kiện môi trường nổi bật trong nước đã được các nhà báo và các chuyên gia bình chọn. Kết quả được lựa chọn là những sự kiện có ảnh hưởng trực tiếp đến cộng đồng, xã hội và sự phát triển của ngành môi trường trong nước.
1. Phát hiện hơn 60 cá thể Voọc quý hiếm tại vùng núi đá vôi Quảng Bình
Ngày 24/01/2015, tại khu vực núi đá vôi thuộc xã Thạch Hóa, huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình), người dân địa phương đã phát hiện trên 60 cá thể Voọc Hà Tĩnh (đây là một loài động vật quý hiếm, thuộc bộ linh trưởng nằm trong sách Đỏ Việt Nam). Như vậy, ngoài Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng (Quảng Bình), huyện Tuyên Hóa là nơi thứ 2 phát hiện có loài động vật quý hiếm này sinh sống.
Voọc Hà Tĩnh (tên khoa học Trachypithecus hatinhensis) là loài đặc hữu ở khu vực Đông Dương, phân bố chủ yếu ở vùng rừng Phong Nha và rải rác ở Lào.
2. Đề án chặt hạ 6.700 cây xanh ở Hà Nội gây bức xúc lớn
Đề án “Cải tạo, thay thế cây xanh” tại các quận nội đô Hà Nội là kế hoạch được Sở xây dựng Hà Nội bắt đầu thực hiện từ giữa tháng 03/2015. Theo đó, Hà Nội sẽ chặt và trồng lại hơn 6.700 cây xanh trên 190 tuyến phố, với nguồn kinh phí thực hiện hơn 73 tỷ đồng.
Đây thực sự là cuộc thay đổi cây xanh quy mô lớn đầu tiên được triển khai ở Hà Nội. Tuy nhiên, khi bắt tay vào thực hiện chặt cây hàng loạt, đề án “Cải tạo, thay thế cây xanh” đã bị dư luận phản ứng dữ dội. .
Nhiều ý kiến phản đối dự án chặt hạ 6.700 cây xanh ở Hà Nội khiến việc chặt hạ buộc phải dừng lại
3. Dư luận phản đối dự án “Lấn sông Đồng Nai”
Dự án lấp sông Đồng Nai có tên chính thức là dự án “Cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai” do Công ty cổ phần Toàn Thịnh Phát (thuộc tập đoàn Thành Thành Công) khởi công, được UBND tỉnh Đồng Nai đồng ý triển khai. Dự án với quy mô 8,4 ha (84.000 m2), nằm dọc theo sông Đồng Nai. Trong đó diện tích lấn sông lên tới hơn 7,7 ha, chỉ có hơn 0,6 ha là đất hiện hữu. Dự án này kéo dài hơn 1,3 km từ công viên Nguyễn Văn Trị (đối diện UBND tỉnh Đồng Nai) đến cầu Rạch Cát (P.Quyết Thắng) và lấn ra sông đoạn hẹp nhất là 30m, còn đoạn rộng nhất là 100m.
Dự án này dấy lên lo ngại về các tác động tiêu cực ảnh hưởng đến việc thoát lũ, úng ngập, cản trở dòng chảy, bồi lắng, sạt, lở lòng, bờ bãi sông và hàng ngàn người dân sống bằng nguồn nước trên sông Đồng Nai.
Trước phản đối quyết liệt của cộng đồng Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến và từ ngày 28-3, chủ đầu tư đã ngừng toàn bộ việc thi công.
4. Ninh Thuận trải qua nạn hạn hán lịch sử chưa từng có trong 2 thập kỷ
Ngày 09/06/2015, UBND tỉnh Ninh Thuận đã ký quyết định chính thức công bố khẩn cấp tình trạng hạn hán trong toàn tỉnh. Đây là lần đầu tiên tỉnh Ninh Thuận công bố thiên tai, sau gần 18 tháng bị nắng nóng gay gắt ở hầu hết các địa phương trong tỉnh. Toàn tỉnh có 7/7 huyện, thành phố bị nắng hạn tấn công, trong đó có 4 huyện trong tình trạng khốc liệt. Đã có trên 50.000 người dân bị thiếu đói, thiếu nước uống; hàng trăm ha lúa, hoa màu bị thiệt hại; hàng chục ngàn gia súc thiếu nước uống, trong đó gần 500 con bị chết do suy kiệt; hơn 2.000 ha đất phải tạm ngừng sản xuất…
Đây là đợt hạn hán khốc liệt nhất ở tỉnh Ninh Thuận trong hơn 2 thập kỷ qua
5. Công bố Luật Tài Nguyên, môi trường biển và hải đảo
Ngày 17/07/2015, tại Hà Nội, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo, chính thức giới thiệu Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo đã được thông qua tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII vào ngày 25/06/2015.
Luật Tài nguyên, môi trường biển và Hải đảo gồm 10 chương, 81 điều với phạm vi điều chỉnh là quy định về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo; quyền và nghĩa vụ, trách nhiệm của của cơ quan và cá nhân trong quản lý tổng hợp.
Nội dung cơ bản của Luật tập trung quy định về các công cụ, cơ chế, chính sách điều phối, phối hợp liên ngành, liên vùng, nguyên tắc các nội dung phối hợp trong quản lý tổng hợp biển và hải đảo; quy định cụ thể về kiểm soát ô nhiễm môi trường biển và hải đảo, ứng phó sự cố tràn dầu, hóa chất trên biển…
Đặc biệt, trong đó có nhiều nguyên tắc, chế định quan trọng lần đầu tiên được ghi nhận, quy định trong pháp luật nước ta như: bảo đảm quyền tiếp cận của người dân với biển,; quy định về hành lang bảo vệ bờ biển, sử dụng tài nguyên; quản lý tổng hợp phải dựa trên tiếp cận hệ sinh thái, bảo đảm tài nguyên biển và hải đảo được khai thác, sử dụng phù hợp với chức năng của từng khu vực biển và trong giới hạn chịu tải của môi trường, hệ sinh thái.
6. Quảng Ninh hứng chịu mưa lũ lịch sử trong hơn 50 năm qua
Từ ngày 24/07//2015, các tỉnh miền Bắc và Bắc Trung Bộ đã xảy ra mưa lớn trên diện rộng gây thiệt hại về người và của. Trong đó, Quảng Ninh là nơi hứng chịu nhiều thiệt hại nhất trong trận mưa lớn kéo dài này. Từ ngày 25/7 đến 03/08, trận mưa lũ lịch sử, lớn nhất trong 50 năm qua đã tàn phá Quảng Ninh một cách khủng khiếp. Mưa lớn gây sập nhà, lũ lụt,sạt lở đất nghiêm trọng gây gián đoạn giao thông, trì trệ các hoạt động kinh tế, du lịch… Mưa lớn cũng gây ra trận lũ bùn kinh hoàng tại TP Cẩm Phả, làm sập nhà dân, tê liệt hệ thống điện.
Trận lụt lịch sử khiến tỉnh Quảng Ninhcó 23 người chết, 7 người mất tích, hàng nghìn ngôi nhà bị nhấn chìm, thiệt hại vật chất ước tính lên tới hơn 2.000 tỷ đồng.
7. Bệnh viện Đa khoa Lê Ngọc Tùng bị phạt 1,4 tỷ đồng do vi phạm về bảo vệ môi trường
Ngày 03/09/2015, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Huỳnh Văn Quang đã ký quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH Bệnh viện Đa khoa tư nhân Lê Ngọc Tùng (TP Tây Ninh, Tây Ninh) do ông Lê Ngọc Tùng làm giám đốc, với số tiền phạt 1,4 tỷ đồng về hành vi chôn lấp, đổ, thải chất thải nguy hại không đúng quy định và gần 494 triệu đồng kinh phí trưng cầu giám định, đo đạc và phân tích mẫu môi trường; kinh phí phun thuốc khử mùi, diệt khuẩn và kinh phí khai quật, xử lý rác thải y tế nguy hại.
Do lò đốt rác chưa được vận hành, bệnh viện tư nhân Lê Ngọc Tùng đã lén cho nhân viên chở hàng tấn rác thải y tế nguy hại (bông băng, ống tiêm…) đem chôn trái phép. Đến ngày 29/06, khi cơ quan công an phát hiện sự việc thì lượng rác thải y tế chôn lấp trái quy định đã lên hàng chục tấn.
Hàng chục tấn rác y tế được tìm thấy tại BV Đa khoa Lê Ngọc Tùng
8. Công ty TNHH Shinhan Vina xả chất độc xianua vượt ngưỡng 1.900 lần ra môi trường.
Ngày 17/10/2015, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (PC49) – Công an Thành phố Hà Nội đã bắt quả tang Công ty TNHH Shinhan Vina (Sài Đồng, Long Biên, Hà Nội) hoạt động trong lĩnh vực sản xuất trang sức, xả chất độc xianua vượt ngưỡng cho phép 1.900 lần ra môi trường.
Theo thông báo số 09.W1509.305 của Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam về kết quả phân tích mẫu nước thải thu được tại Công ty TNHH Shinhan Vina, mẫu nước thải của công ty này có 06 chỉ tiêu thông số môi trường vượt quy chuẩn cho phép theo QCVN40:2011/BTNMT (Cột B). Cụ thể, chỉ tiêu Niken vượt 2,9 lần; chỉ tiêu độ PH là 9,74 trong khi quy chuẩn cho phép là 5,5 – 9; chỉ tiêu Đồng vượt 65 lần; chỉ tiêu COD vượt 2,2 lần; đặc biệt chỉ tiêu tổng Xianua – một chất cực độc vượt 1.900 lần.
Mẫu nước thải thu được tại Công ty TNHH Shinhan Vina có 06 chỉ tiêu thông số môi trường vượt quy chuẩn cho phép
9. Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen là khu Ramsar thứ 7 của Việt Nam
Ngày 27/11/2015, Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen (Long An) đón nhận bằng công nhận là khu Ramsar thứ 7 (vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế về đa dạng sinh học và bảo tồn) của Việt Nam và thứ 2.227 của thế giới do tổ chức Công ước Ramsar ra quyết định công nhận.
Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen được xem như là bồn trũng nội địa rộng lớn giữa vùng Đồng Tháp Mười, đóng vai trò như một máy điều hòa làm mát cho huyện Tân Hưng trong mùa hè nắng nóng.
Khu bảo tồn ngập nước Láng Sen
10. Việt Nam cam kết đóng góp 1 triệu USD vào Quỹ Khí hậu xanh
Ngày 12/12/2015, đại diện của 195 nước tham dự Hội nghị COP21 đã chính thức thông qua thỏa thuận Paris.Trong đó, Việt Nam cũng đã có những đóng góp tích cực tại Cop 21 về biến đổi khí hậu.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đưa ra cam kết tại COP21
Tại buổi họp báo chiều 16/12/2015, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đưa ra cam kết “Việt Nam sẽ đóng góp 1 triệu USD vào Quỹ Khí hậu xanh giai đoạn 2016- 2020. Về đóng góp giảm phát thải khí nhà kính, Việt Nam sẽ thực hiện giảm phát thải so với kịch bản cơ sở là 8% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2030 và có thể giảm đến 25% nếu nhận được hỗ trợ hiệu quả từ cộng đồng quốc tế”.
Ngọc Cúc/ TT được cung cấp bởi Tin Môi Trường