Chưa bao giờ những người làm mẹ lại cảm thấy bất an đến thế. Vài ngày, bạn nghe báo chí đưa tin đồ chơi trẻ em của Trung Quốc chứa hóa chất ảnh hưởng đến sức khỏe của con. Vài ngày sau, lại nghe trong gạo có chất độc hại người bán cố tình cho vào để tăng lợi nhuận.

Vài ngày nữa, đến rau củ, đến sữa cho trẻ em, đến các loại quà bánh mà con hay ăn… đều được công bố không an toàn. Mẹ thật sự thắc thỏm, lo âu. Không ít người gửi thư về cho bác sĩ, câu hỏi xoay quanh chuyện: “Bác sĩ ơi, làm sao bảo vệ con tôi giữa… muôn trùng hóa chất bây giờ?”. 

bao-ve-con-truoc-hoa-chat-doc-hai

“Nhận diện” sản phẩm độc hại, từ A tới… Z

Sản phẩm nên “cảnh giác” Mẹ cần biết
Đồ chơi Trung Quốc giá rẻ, trôi nổi, không ghi thành phần hay nguồn gốc nơi sản xuất. Đây là những sản phẩm không được kiểm định chất lượng và dán tem. Những loại đồ chơi này làm từ nhựa tái sinh nhằm giảm chi phí đầu vào cũng như giá thành sản phẩm, rất hại cho sức khỏe của bé khi chơi, nhất là khi ngậm trong miệng.
Đồ chơi có nhiều màu sắc sặc sỡ và không rõ xuất xứ. Đồ chơi nhiều màu sắc sặc sỡ mà không nguồn gốc thường có chì trong đó. Hiện nay, việc trẻ em bị nhiễm độc chì ngày càng diễn ra phổ biến. Nguyên nhân do trẻ thường cho các loại đồ chơi vào miệng ngậm, từ đó chì được chuyển hóa vào cơ thể và sẽ thay thế dần canxi trong xương khiến cơ thể mềm nhũn, da dẻ lở loét… Đặc biệt với những em nhỏ tuổi sẽ làm chậm quá trình biết đi.
Đồ chơi bằng nhựa dẻo và không rõ xuất xứ. Trong các món đồ chơi trôi nổi thì đồ chơi bằng nhựa dẻo, bẻ cong được là những món bạn tuyệt đối cần tránh. Vì trong thành phần của những món đồ chơi này không thể thiếu phthalates. Đây là một nhóm chất, được dùng làm phụ gia tăng độ linh hoạt (làm dẻo) cho nhựa. Phthalates có đặc điểm là trong môi trường chúng rất dễ bị thoát ra khỏi đồ nhựa. Ví dụ nếu trẻ ngậm đồ nhựa trong miệng, phthalates nhanh chóng hòa tan trong nước bọt và chất này sẽ trực tiếp đi vào cơ thể. Nếu chất phthalates theo đường tiêu hóa vào cơ thể sẽ làm rối loạn hoạt động của các tuyến nội tiết. Bé gái bị nhiễm phthalates sẽ dậy thì sớm trước tuổi. Bé trai sẽ có nguy cơ suy giảm sự phát triển của bộ phận sinh dục nam, khiến cho cơ quan sinh sản của nam giới bị teo lại.
Bên cạnh đồ chơi, mẹ nên tránh xa tất cả những sản phẩm đồ nhựa Trung Quốc nói chung, không rõ nguồn gốc như giày dép nhựa cho trẻ, phao bơi Trung Quốc, chén bát, muỗng ăn, bình sữa, ly, ti giả… Nên đặc biệt cẩn thận với những gì trẻ trực tiếp ngậm vào miệng hoặc ăn, uống. Ví dụ chén bát nhựa, khi cho thức ăn nóng vào thì chất phthalates càng dễ trôi ra. Ti giả, ly tách, chén bát trẻ dùng nếu bằng nhựa cần chọn sản phẩm có xuất xứ, đạt chuẩn an toàn. Nếu sản phẩm nào có thể sử dụng bằng đồ sành sứ, thủy tinh thì nên tránh dùng đồ nhựa.
Về rau củ, nên thận trọng với đậu que, giá, dưa leo… Đậu que luôn đứng đầu trong danh mục những loại rau quả bị phun nhiều thuốc trừ sâu nhất. Giá và dưa leo cũng là những loại rất hay bị phun chất tăng trưởng. (Giá ủ hóa chất có thân mập mạp, trắng ngần, dài, không có rễ. Còn giá không có hóa chất màu không trắng và rất gầy, nhiều rễ dài nên người trồng dùng đến hóa chất để có giá “đẹp”, dưa leo “đẹp”, dễ bán). Không cần “tẩy chay”, nhưng bạn nên chọn các loại “nhà trồng”, đừng chọn dựa trên vẻ “đẹp” nõn nà xanh mướt bên ngoài, và lưu ý rửa thật kỹ trước khi dùng.
Trái cây nên “né” các loại bóng đẹp, quả đều nhau, “né” cả những loại Việt Nam khó trồng mà thường nhập về từ Trung Quốc như đào, mận quả tròn (không phải quả mận được gọi là roi), lê, táo… Nên mua trái cây trong siêu thị, vì nguồn gốc sẽ rõ ràng hơn. Ngoài ra nên ưu tiên cho các loại quả như cóc, ổi, sơ ri, thanh long, dứa, củ sắn… vì đây là những loại quả ít dùng đến thuốc.
Bún nếu có màu trắng bóng, óng ánh dưới ánh mặt trời, không có mùi chua nhẹ có khả năng là đã sử dụng các loại hóa chất độc hại cho sức khỏe. Ăn bún chứa chất huỳnh quang lâu dài sẽ gây suy gan, thận, cơ thể mệt mỏi và cả bệnh ung thư. Tùy theo lượng độc tố vào cơ thể mà có thể gây ngộ độc cấp tính hoặc mạn tính. Hàn the khi vào cơ thể không đào thải hết mà tích tụ lại gây ngộ độc cấp tính với liều lượng thấp (khoảng 5g) và ngộ độc trường diễn làm cơ thể mệt mỏi, chán ăn, trẻ chậm phát triển, ảnh hưởng đến gan, thận…

Tất nhiên, khó lòng có thể “kể tên” hết các sản phẩm nhiễm hóa chất độc hại. Bạn chỉ có thể áp dụng một số “công thức” chung như: Mua sản phẩm trong siêu thị thường an toàn hơn ở chợ vì nguồn gốc sản phẩm được kiểm tra chặt chẽ hơn; nên mua sản phẩm rõ nguồn gốc, nhà sản xuất uy tín (ví dụ sữa của nhãn hàng uy tín, nổi tiếng trong nước, hoặc sản phẩm của những quốc gia như Mỹ, Nhật, các nước châu Âu bao giờ cũng mang đến sự an tâm hơn); nên lưu ý thật kỹ hạn sử dụng, thành phần các chất được nêu trên bao bì… Bạn cũng có thể đọc tiếp xuống những phần dưới đây, để có thêm “kinh nghiệm” bảo vệ con trước nguy cơ hóa chất độc hại.

Càng “đẹp” càng nguy hiểm?

Thực phẩm có hóa chất thường… đẹp bất thường. Ví dụ nếu bạn mua một bó rau mà chúng xanh mướt, không hề có dấu hiệu bị sâu, lá đồng đều nhau, cọng to thì nguy cơ cao là đã nhiễm hóa chất gây hại. Giá đỗ trắng ngần, thân mập sẽ nguy hiểm hơn rất nhiều giá đỗ có cọng dài, màu sắc tự nhiên. Trái cây cũng vậy, đừng chuộng “vẻ ngoài” vì hầu hết những loại quả “đẹp” hiện nay đều có nguy cơ cao hơn cho con bạn.

Rau quả nào thường an toàn cho trẻ?

+ Khoai lang, khoai sọ, hành tây… được xếp vào danh sách rau củ an toàn. Các giống khoai củ này thường ít bị phun thuốc bảo vệ thực vật. Hơn nữa, những loại củ này sau thu hoạch để nhiều ngày nên dư lượng thuốc (nếu có) sẽ giảm đi.

+ Bí xanh, bí đỏ, mướp, bầu cũng nằm trong nhóm tương đối đảm bảo vì các loại cây này vốn không nhiều sâu. Nếu có phun thuốc thì lượng nhiễm vào rau quả ít hơn so với loại rau khác do đặc tính có quá trình hình thành dài ngày. Các loại quả này thường để được lâu sau hái nên lượng thuốc (nếu có) cũng dần mất.

bao-ve-con-truoc-hoa-chat-doc-hai

+ Với rau ăn lá, nên chọn các loại rau vốn rất ít sâu bệnh (nên người trồng không cần phun thuốc) như rau đay, mùng tơi, rau dền, cần tây… Với loại rau gia vị, thì là, hẹ là khá an toàn. Nên mua rau củ đúng vụ vì đó là thời điểm những loại rau củ này ít bị dùng thuốc bảo vệ thực vật.

Bảo vệ con khỏi những nguy cơ

Đồ chơi là một trong những thứ không thể thiếu với trẻ. Tuy nhiên, mẹ đừng mua đồ chơi bừa bãi và nghĩ rằng mấy thứ “ngoài da” này thì đâu ảnh hưởng gì đến sức khỏe con mình. Đồ chơi cần được sản xuất từ các công ty uy tín trong nước và trên thế giới. Vì những sản phẩm này sẽ tuân thủ nghiêm ngặt về vấn đề an toàn cho trẻ không chỉ từ chất liệu mà còn từ các chi tiết khác, ví dụ trẻ nhỏ dưới 3 tuổi thì đỏ chơi không được có các chi tiết nhỏ để trẻ dễ cho vào miệng, vào tai.

Đồ chơi có nguồn gốc rõ ràng, của các thương hiệu uy tín còn phù hợp với tâm lý trẻ em ở từng độ tuổi khác nhau và góp phần định hình thẩm mỹ cho trẻ. Bạn cần biết rằng một đứa trẻ khi được tiếp xúc thường xuyên với những món đồ chơi màu sắc trang nhã, các chi tiết tinh tế thì lớn lên, những điều này sẽ âm thầm ảnh hưởng đến thẩm mỹ chung của trẻ. Tuyệt đối không nên chọn đồ chơi bán bừa bãi, giá rẻ, không nguồn gốc vì như thế chính là cách rước bệnh cho con mình. Nếu thật sự bạn không thể đủ điều kiện kinh tế mua cho con những món đồ chơi đúng chuẩn như đã nêu trên, có thể tự sáng tạo ra những món đồ chơi sạch sẽ, an toàn cho trẻ. Ví dụ gấp giấy thành đồ chơi cho con, dùng vải sạch để may búp bê… chứ đừng mua đồ chơi trôi nổi.

Về rau củ quả, bạn nên lưu ý các chi tiết “phân biệt” (ví dụ chi tiết về giá cọng dài, màu không trắng lắm, có rễ dài… đã nêu ở trên) để lựa chọn được loại rau quả tốt nhất cho con. Nếu điều kiện gia đình có thể tự trồng rau sạch, hoặc mua rau mầm sạch cho trẻ ăn thì rất tốt. Bạn cũng có thể mua rau củ trong siêu thị (nguồn gốc xuất xứ thường rõ ràng), mang về ngâm rửa kỹ, luôn gọt vỏ, hạn chế cho trẻ ăn sống… Bạn cũng có thể đọc thêm trong box về rau củ an toàn cho trẻ để ưu tiên chọn những loại này.

Trái cây thì các loại cam sành vỏ dày (để hạn chế hóa chất ngấm vào), cóc ổi, sơ ri (những loại quả “quà quê”), thanh long (trái Việt Nam có nhiều) lại an toàn hơn đào, lê, táo (những loại quả Trung Quốc dễ nhập vào, nhiễm hóa chất độc hại). Ổi cũng là loại quả an toàn, vì người nông dân ít dùng thuốc khi trồng ổi, và khi trồng ổi họ thường dùng kỹ thuật bao trái, nên thuốc bảo vệ thực vật thường không tích trữ nhiều trong trái. Dứa (thơm) cũng là loại quả nằm trong nhóm an toàn vì ít phải bảo quản bằng thuốc, vỏ lại dày.

bao-ve-con-truoc-hoa-chat-doc-hai

Về bún, bạn có thể né những loại bún màu sáng bóng óng ánh dưới ánh mặt trời như đã mô tả. Nếu nhà có sẵn đèn cực tím như đèn soi tiền, soi vào bún nếu bún phát sáng thì đã nhiễm hóa chất gây hại Tinopal. Với hàn the, bạn có thể dùng ít bột nghệ cho vào, nếu thấy bún chuyển sang màu xám thì trong đó có chứa hàn the. (Tất nhiên, những cách này không phải lúc nào cũng thử được nên tốt hơn hết, bạn cần thận trọng với bún “đẹp” như đã mô tả, để tránh cho con).

Những hóa chất độc hại trong đồ chơi rẻ tiền của Trung Quốc có thể gây hại cho cơ thể con bạn. Mặc dù không gây ra những bệnh cấp tính dữ dội tức thì, song chúng lại có khả năng tích lũy và gây bệnh mãn tính với sự phát triển âm thầm. Một số bệnh điển hình như: Bệnh não, suy giảm trí tuệ, viêm gan, suy thận, teo thận, rối loạn giấc ngủ trẻ em, tan máu, ung thư gan, thận, phổi, dạ dày…

Nguồn: Mẹ & Con/mevacon.com.vn 

Bệnh viện Hạnh Phúc
Bệnh viện Hạnh Phúc