(Phunuhiendai.vn) – Hiếm có môi trường công việc nào không mang tính cạnh tranh và thực tế cho thấy những chỗ làm tốt, được nhiều người mơ ước thì tính cạnh tranh càng khốc liệt. Ở đó, bạn cần phải học “bơi” nếu không công việc của bạn khó có thể được giữ vững. Dưới đây là một số ý tưởng về cách trụ vững trong môi trường công việc cạnh tranh cao, hãy cùng tham khảo nhé!
Cập nhật các tin tuyển dụng mới nhất tại Careerlink
Chấp nhận cạnh tranh là một phần của công việc
Bạn hãy nhớ rằng môi trường công sở đầy áp lực và phức tạp, với nhiều kiểu người khác nhau. Đừng bao giờ hy vọng tìm được môi trường làm việc không cạnh tranh, không áp lực. Hãy chấp nhận và xem sự cạnh tranh trong công việc cũng có mặt tích cực của nó. Đó là cạnh tranh giúp bạn luôn nỗ lực làm việc hết mình và rèn luyện tinh thần vững vàng hơn.
Xây dựng mối quan hệ tốt với đồng nghiệp
Để có thể tồn tại và đứng vững trong môi trường cạnh tranh, bạn hãy chú ý xây dựng mối quan hệ tốt với đồng nghiệp, sẵn sàng giúp đỡ khi họ cần và đề nghị sự giúp đỡ khi bạn cần. Sự đoàn kết luôn tạo nên sức mạnh, khiến những người có “mưu toan” cạnh tranh một cách không lành mạnh với bạn cũng sẽ ít nhiều phải dè chừng hơn. Điều này không có nghĩa là bạn tạo ra “phe nhóm” nơi công sở mà là góp phần tạo môi trường thoải mái, thân thiện và văn minh nơi công sở.
Luôn nỗ lực trong công việc
Trưởng phòng Nhân sự CareerLink chia sẻ, luôn nỗ lực hết mình cho công việc để đạt được thành tích tốt nhất trong khả năng của bạn cũng là cách đối phó hiệu quả với sự cạnh tranh. Nếu đồng nghiệp ganh ghét, đố kỵ, tỏ ra không hài lòng về bạn và đi nói xấu bạn với những đồng nghiệp khác, đừng bận tâm hoặc có hành động đáp trả tương tự. Thay vào đó, hãy cố gắng tập trung làm tốt nhiệm vụ mà mình được giao, để hiệu quả công việc của bạn tự nói lên tất cả.
Nói chuyện thẳng thắn
Tuy nhiên, dù bạn coi như không biết đến những hành động cạnh tranh thiếu lành mạnh của đồng nghiệp, có thể họ vẫn không dừng lại, mà thậm chí còn tăng cường khiêu khích bạn. Trong trường hợp “cây muốn lặng mà gió chẳng dừng”, bạn cần tỏ thái độ cứng rắn, yêu cầu họ trao đổi thẳng thắn. Qua đó, bạn nên cho người đồng nghiệp này hiểu rằng bạn biết những gì họ làm nhằm mục đích “hạ bệ” bạn, và nếu họ cứ tiếp tục bạn sẽ không để yên, bạn báo với cấp trên hoặc sẽ có biện pháp xử lý khác.
Mặt khác, qua những cuộc trò chuyện, các bạn cũng có thể hiểu nhau hơn, và biết đâu, thay vì là đối thủ, các bạn lại trở thành đồng minh của nhau.
Ngoài ra, bạn hãy nhớ tránh tham gia vào những cuộc tán gẫu nói xấu đồng nghiệp, vừa lãng phí thời gian lại vừa ảnh hưởng đến các mối quan hệ trong công ty, đồng thời làm xấu đi hình ảnh bản thân mà bạn đang cố gắng xây dựng.
Xây dựng mạng lưới quan hệ
Không chỉ chú ý đến các mối quan hệ với đồng nghiệp, bạn còn cần phải xây mạng lưới quan hệ bên ngoài văn phòng của mình. Hãy tích cực kết nối, đặc biệt là với những người liên quan đến nghề nghiệp của bạn. Những mối quan hệ này giúp bạn có thêm thông tin, chia sẻ với bạn các kinh nghiệm trong công việc, hỗ trợ và tăng thêm sức mạnh khi bạn gặp khó khăn. Mạng lưới quan hệ càng rộng và vững chắc càng có lợi cho sự nghiệp của bạn.
Ngoài ra, bạn có thể yêu công việc của mình, nhưng nếu sự canh tranh “đánh bật” bạn ra khỏi chỗ làm hiện tại thì với mạng lưới quan hệ rộng, bạn cũng có nhiều cơ hội để tìm kiếm một công việc mới.
Cân bằng công việc và cuộc sống
Hãy học cách thoát ra khỏi công việc sau giờ làm. Gặp gỡ bạn bè, đi nghỉ cuối tuần, dành thời gian bên cạnh những người thân yêu… sẽ giúp bạn rũ bỏ áp lực công việc, nhìn nhận mọi thứ sáng suốt hơn khi trở lại văn phòng.
Một khi bạn đã cảm thấy thoải mái, tinh thần làm việc cũng tốt hơn và chẳng có sự cạnh tranh nào là quá đáng sợ với bạn nữa.
Minh Khang
*Nội dung được thực hiện theo ĐKKD của C.A.M Media