TS Trần Thị Hòa luôn tận tâm, tận lực đóng góp cho sự phát triển của nhà trường và ngành GD, đồng thời trở thành cảm hứng cho nhiều thế hệ.

Người truyền cảm hứng từ niềm đam mê nghiên cứu khoa học

Với hơn hai thập kỷ gắn bó, từ giảng viên đến cương vị quản lý, lãnh đạo Trường Đại học Thái Bình, Tiến sĩ Trần Thị Hòa luôn tận tâm tận lực đóng góp vào sự phát triển của nhà trường và ngành giáo dục, đồng thời trở thành cảm hứng cho nhiều thế hệ.

Câu chuyện về người truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ

Ảnh hưởng của một người thầy giỏi không bao giờ có thể bị lãng quên. Vì vậy, ngay cả khi Tiến sĩ Trần Thị Hòa chuyển sang cương vị mới, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thái Bình, những gì cô đã làm ở Trường Đại học Thái Bình luôn được nhắc đến, trở thành câu chuyện truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ bởi đam mê và sự tận tâm.

“Tôi vẫn luôn tâm đắc với câu nói, giảng viên giỏi giống như lửa, cháy hết mình để soi rọi con đường học trò. Sau hơn hai thập kỷ gắn bó với ngành Giáo dục. Tôi đã cháy bằng tâm huyết, sự tận tâm tận lực với mọi công việc, dù là nhỏ nhất”, cô Hòa chia sẻ.

Điều thú vị là khi còn ngồi trên ghế nhà trường, dù rất ngưỡng mộ thầy cô trên bục giảng, nhưng Tiến sĩ Trần Thị Hòa chưa bao giờ hình dung mình sẽ theo nghiệp giảng dạy.

“Thời cấp 3, tôi mơ ước sẽ trở thành bác sỹ quân y. Giấc mơ này nhen nhóm khi bố tôi, một bác sỹ thú y rất giỏi, đã qua đời vì căn bệnh hiểm nghèo. Tuy nhiên vì một cơ duyên, tôi lại trở thành sinh viên ngành vô tuyến điện và thông tin liên lạc của Trường Đại học Giao thông Vận tải.

Năm 2002 tốt nghiệp ra trường với tấm bằng loại giỏi, nhận được nhiều lời mời hấp dẫn từ các đơn vị khác nhau nhưng tôi chọn công tác tại Trường Cao đẳng Kinh tế – Kỹ thuật Thái Bình (nay là Trường Đại học Thái Bình) với mong muốn góp một phần công sức kiến tạo quê hương. Tôi nghĩ rằng không gì tốt hơn khi lập thân lập nghiệp tại chính quê hương, và cho đến nay chưa bao giờ hối tiếc về quyết định đó”, cô Hòa nói.

Đang là một sinh viên, nay bước vào môi trường giáo dục chuyên nghiệp, ở vị thế giảng viên, tất nhiên cô Hòa có nhiều bỡ ngỡ. Tuy nhiên với nhiệt huyết, năng lượng tuổi trẻ cùng đam mê khám phá những điều mới mẻ, cô đã trở thành nhà giáo một cách tự nhiên.

Ban đầu cô Hòa được giao quản lý một số lớp liên quan đến đào tạo chứng chỉ dạy nghề (chứng chỉ nghề cho bà con nông dân địa phương, từ Hội nông dân, Hội khuyến học, Hội phụ nữ… trong toàn tỉnh Thái Bình). Được các học viên lớn tuổi gọi “cô”, chứng kiến sự tiến bộ và niềm vui của họ khi cầm trên tay chứng chỉ trong ngày tốt nghiệp, tình yêu giảng dạy lớn dần lên trong cô Hòa.

Theo thời gian, nhờ sự hỗ trợ tận tình của các đồng nghiệp đi trước cùng nhiều đêm tìm tòi tài liệu, nghiên cứu giáo án và trau dồi kỹ năng, nghiệp vụ sư phạm, cô Hòa chính thức trở thành giảng viên, bước lên giảng đường. Cô bắt đầu hành trình truyền thụ kiến thức, truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ sinh viên.

Năm 2021, công trình “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo hệ thống tự động kiểm soát chất lượng nước để nâng cao năng suất, chất lượng nuôi tôm thẻ chân trắng” của cô Hòa đạt giải Ba tại Hội thi Sáng tạo Khoa học – Công nghệ và Kỹ thuật tỉnh Thái Bình. Công trình ứng dụng công nghệ cao, tự động hóa trong xử lý nguồn nước này đã giúp doanh nghiệp và người dân tiết kiệm chi phí, tăng năng suất, giá trị cùng chất lượng sản phẩm.

t2.jpg

Tiến sỹ Trần Thị Hòa. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Trong thời gian công tác tại trường, Tiến sĩ Trần Thị Hòa là thành viên chính thực hiện đề tài độc lập thuộc lĩnh vực khoa học công nghệ cấp Quốc gia về “Nghiên cứu đề xuất giải pháp quản lý tổng hợp đới bờ phục vụ phát triển bền vững vùng duyên hải Bắc Bộ – thí điểm tại tỉnh Thái Bình”. Sau đó cô cùng tham gia trong đề tài cấp quốc gia khác với tên gọi “Nghiên cứu ứng dụng chuyển đổi số và công nghệ của công nghiệp 4.0 phục vụ quản lý, khai thác tài nguyên, môi trường vùng bờ”, thí điểm tại 3 tỉnh: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình. Các đề tài này đều được giới khoa học đánh giá cao, đồng thời có tính thực tiễn và mang lại hiệu quả lớn.

Theo chia sẻ của Tiến sĩ Trần Thị Hòa, quá trình nghiên cứu khoa học không hề dễ dàng. Đó là một hành trình gian nan, từ tìm kiếm nguồn kinh phí, tìm kiếm tài liệu chuyên ngành đến áp lực về thời gian thực hiện. Nhưng với tâm huyết, trách nhiệm cùng khát khao đóng góp vào sự phát triển của cơ quan, của quê hương, đất nước, cô vượt qua mọi thử thách và hoàn thành xuất sắc. Như cô nói, không có rào cản nào cho quyết tâm, đam mê và sự sáng tạo.

t4.jpg

Tiến sỹ Trần Thị Hòa (áo xanh), Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thái Bình nhận BCN tại lễ tôn vinh.

Điều này cũng tương tự khi cô Trần thị Hòa đảm nhận vai trò lãnh đạo ở Trường Đại học Thái Bình. Trong 12 năm với các vị trí quản lý khác nhau, từ Tổ trưởng bộ môn đến Trưởng khoa, sau đó là Phó Hiệu trưởng phụ trách, Tiến sĩ Trần Thị Hòa luôn đặt ra các mục tiêu nhất quán với tầm nhìn và sứ mệnh của trường, quản lý tốt các nguồn lực và không ngừng nâng cao chất lượng chuyên môn.

“Nhìn lại năm tháng công tác tại trường, điều khiến tôi tự hào nhất chính là tạo động lực, gia tăng tính đoàn kết, kết hợp tất cả các đơn vị, đoàn thể nhà trường thành một khối thống nhất, cùng nhau phát triển và đạt thành tựu chung, mang lại lợi ích cho sinh viên, học viên, cho nhà trường, ngành Giáo dục và xã hội”, cô Hòa nói.

Và ngọn lửa đam mê vẫn tiếp tục cháy

Quãng thời gian cô làm quản lý, lãnh đạo nhà trường cũng trùng với giai đoạn phát triển mạnh mẽ của xã hội, với sức mạnh của công nghệ số, đặt ra rất nhiều thách thức. Đó là những khó khăn trong việc tuyển dụng nhân tài, thu hút và tạo hứng thú cho sinh viên cũng như bắt buộc phải có những thay đổi phương pháp giảng dạy để thích ứng trong thời đại.

Tiến sĩ Trần Thị Hòa, nguyên Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Đại học Thái Bình cho biết: “Tôi từng làm việc với các trường, Vụ, Viện trên Trung ương để đưa các sinh viên ưu tú, những người có học vị, học hàm về trường công tác sau khi tốt nghiệp. Mặt khác, làm việc với Sở Nội vụ Thái Bình nhằm giải bài toán cơ chế chính sách, đồng thời có mức ưu đãi, hỗ trợ nhằm thu hút giảng viên chất lượng cao.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tạo điều kiện, tạo cơ chế chính sách để các giảng viên nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị, kỹ năng quản lý. Từ 5-6 Tiến sĩ trước đây đã tăng lên 12-13 người. Tôi cũng xác định đào tạo đội ngũ giảng viên trẻ kế cận, những người thích ứng nhanh với sự phát triển vũ bão của thời đại, là một ưu tiên.

Nhờ vậy, chất lượng đào tạo có biến chuyển rõ rệt, khả năng tiếp thu kiến thức của sinh viên của nâng cao. Các sinh viên, học viên của nhà trường ngay từ lúc thực tập, thực tế tại doanh nghiệp đã được đánh giá rất cao, khiến những người lãnh đạo như tôi cũng cảm thấy hãnh diện”.

t3.jpg

Tiến sỹ Trần Thị Hòa (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Chính nhờ đội ngũ giảng viên uy tín và có trình độ cao, cộng thêm công tác tuyển sinh, tư vấn hướng nghiệp được đưa về tận các trường phổ thông, bên cạnh những chuyến tham quan mô hình giảng đường, khu nghiên cứu, thực hành, kí túc xá, căng tin cho phụ huynh và các em học sinh, Trường Đại học Thái Bình đã thành công trong việc thu hút sinh viên.

Cũng để các sinh viên có môi trường học tập tốt nhất, đồng thời dưới tác động của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ 4.0, với cương vị lãnh đạo nhà trường, Tiến sĩ Trần Thị Hòa cũng xác định ứng dụng công nghệ số, thiết lập hạ tầng mạng, số hóa tài liệu, giáo trình; xây dựng nền tảng chia sẻ tài nguyên giảng dạy và học tập không chỉ là yêu cầu tất yếu mà còn là chìa khóa nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục.

Bởi cũng là một nhà nghiên cứu khoa học và hiểu công nghệ, cô Hòa biết được mặt trái của chúng. Vì vậy, cô nỗ lực gia tăng tính kết nối và phát triển thể chất thông qua thể thao. Bằng nỗ lực không ngừng của tập thể cán bộ, giảng viên, công nhân viên nhà trường dưới sự dẫn dắt, lãnh đạo của tập thể Ban giám hiệu, trong đó có cô Hòa, Trường Đại học Thái Bình vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhì nhân dịp kỷ niệm 60 năm xây dựng và phát triển (năm 2020), đồng thời được biết đến là một đơn vị mạnh trong hoạt động phong trào, gặt hái rất nhiều huy chương, giải thưởng văn nghệ, bóng đá, cầu lông, bóng chuyền.

Bây giờ với cương vị Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thái Bình, Tiến sĩ Trần Thị Hòa vẫn giữ thói quen đó, hết lòng vì gia đình, tận tâm tận lực với công việc và xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể để đạt mục tiêu đề ra trong thời gian nhất định.

Trong cô, ngọn lửa vẫn tiếp tục cháy, với đam mê và nhiệt huyết không bao giờ vơi cạn.

Tác Giả: Thanh Đình

Đăng ngày: 18/11/2024

Link Nguồn: https://giaoducthoidai.vn/nguoi-truyen-cam-hung-tu-niem-dam-me-nghien-cuu-khoa-hoc-post709049.html

Bệnh viện Hạnh Phúc