Trong Đông y không có tên bệnh trầm cảm. Bệnh trầm cảm theo Tây y nằm trong phạm trù “chứng uất” của Đông y. Từ chứng uất sẽ đưa đến các hội chứng bệnh lý có biểu hiện trầm cảm khác như: thận âm hư, thận dương hư, can âm hư, can hỏa vượng, tỳ dương hư…
Chữ uất trong Đông y rất hay, lột tả được tính chất của trạng thái trầm cảm. Bởi vì khi nói đến “uất” là nói đến một nỗi buồn, sự tức giận, hờn ghen, sự ganh ghét, ghê tởm…một cái gì đó mà người bệnh không giải quyết được. Nó cứ nhùng nhằng, kéo dài, tích tụ lại trong cơ thể của người bệnh ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng khác, năm này qua năm khác…; thành một khối uất ức, tắc nghẹn, không thể nào tống tháo, thoát ra được. Theo Tây y đây là tình trạng stress kéo dài và theo Đông y là một nỗi lo âu bực dọc, uất ức kéo dài mà không giải quyết được.
Điều trị trầm cảm hay chứng uất theo Đông y bao gồm nhiều phương pháp. Nhìn chung có hai phương pháp chính là phương pháp dùng thuốc và phương pháp không dùng thuốc. (1) Phương pháp không dùng thuốc bao gồm rất nhiều phương pháp khác nhau: tư vấn, tập luyện, châm cứu, day bấm huyệt, xoa bóp, tự xoa bóp… (2) Phương pháp dùng thuốc: bệnh nhân sẽ được thầy thuốc khám theo cách Đông y và biện chứng luận trị để chẩn đoán và lập ra phương thuốc, rồi kê cho bệnh nhân các loại dược thảo phù hợp để điều trị.
Bệnh nhân có thể sử dụng những bài thuốc này dưới hình thức là các thang thuốc để sắc uống hay dưới dạng thành phẩm “cao đơn hoàn tán”.
Người bệnh phải có hiểu biết cơ bản về trầm cảm để đi khám bệnh thật sớm, nếu được chữa trị bằng Đông y ở giai đoạn bệnh nhẹ hoặc vừa thì bệnh nhân có thể phục hồi một cách ngoạn mục. Vấn đề quan trọng nhất để điều trị thành công là thầy thuốc phải phân tích, tư vấn, khuyên nhủ để bệnh nhân có thể thay đổi cách nhìn đối với cuộc sống. Thầy thuốc phải thuyết phục làm sao để người bệnh hiểu được hoàn cảnh của mình và quyết tâm thay đổi với một cách nhìn mới tích cực hơn. Chỉ cần thay đổi quan niệm về hạnh phúc và đau khổ, người bệnh sẽ cảm thấy tâm hồn nhẹ nhỏm và thoát ra khỏi trạng thái trầm cảm.
Tiếp đến, thầy thuốc phải phân tích cho bệnh nhân hiểu được những triệu chứng của trầm cảm chỉ là những ảo tưởng, ảo giác không có thật và tư vấn nhiều phương thức để thoát ra khỏi các cảm xúc âm tính này như niệm một câu kinh, một danh hiệu hay một “mantra” tùy theo đức tin và tôn giáo của người bệnh. Nếu người bệnh không theo một tôn giáo nào thì có thể niệm một số câu với ý tưởng tích cực như: “Tôi hoàn toàn khỏe mạnh, không lo âu hay suy nghĩ bất cứ một điều gì cả”; “Thể xác và tâm hồn tôi hoàn toàn khỏe mạnh vui tươi”… Mục đích của phương pháp này rất hay, khi bệnh nhân nhẩm liên tục câu niệm trên sẽ tạo ra một hưng phấn dương tính gây ức chế và đẩy ra khỏi tâm trí những cảm xúc âm tính đang gây khổ sở cho họ. Khi đã trở thành thói quen, phương pháp niệm này sẽ giúp cho tâm hồn bệnh nhân được thanh thản nhẹ nhàng rất nhiều.
Vấn đề quan trọng nhất là làm sao giúp cho bệnh nhân giải tỏa được những bức xúc, những đè nén về tâm lý để cuối cùng họ thoát khỏi trạng thái trầm cảm.
Thầy thuốc phải khuyên bệnh nhân tập luyện cơ thể về cả thể chất lẫn tinh thần để sức khỏe được phục hồi trở lại. Tuy nhiên quan trọng nhất là tập luyện tinh thần, làm sao cho tinh thần được mạnh mẽ nhưng êm dịu, bằng các phương pháp thư giãn, thiền định… Khi sức khỏe tâm thể phục hồi trở lại, bệnh nhân hoàn toàn có khả năng chống cự với các stress.
Làm việc và nghỉ ngơi hợp lý là vấn đề đáng được lưu tâm. Bệnh nhân bị trầm cảm thường bắt nguồn từ chuyện làm việc và nghỉ ngơi không hợp lý nên sức khỏe bị cạn kiệt. Nghe thầy thuốc khuyên “hãy nghỉ ngơi”, họ tuân theo bằng cách đi nghỉ dưỡng ở một nơi nào đó. Nhưng trớ trêu, thân thì ở trong khu nghỉ dưỡng rất đẹp và yên tĩnh, nhưng đầu óc và tâm trí thì cứ nghĩ về bao nhiêu chuyện của công ty, gia đình… Người ta gọi đó là hiện tượng “thân ở rừng mà lòng ở chợ”! Nghỉ dưỡng là phải buông bỏ tất cả để cho thân thể và tâm hồn được an dưỡng nghỉ ngơi thật sự. Có như thế mới đem lại hiệu quả điều trị.
Ăn uống là chuyện phức tạp đối với người bị trầm cảm vì có người chán ăn, thậm chí không ăn, nhưng có người lại ăn nhiều, ăn liên tục gây tăng cân béo phì. Thầy thuốc phải tư vấn và khuyên bệnh nhân ăn uống như thế nào để cơ thể đầy đủ chất bổ dưỡng, không gây thừa cân lại an tịnh tâm hồn.
Châm cứu là một phương pháp điều trị rất hiệu quả đối với những bệnh nhân trầm cảm giai đoạn nhẹ và vừa. Châm cứu có thể kích thích cơ thể tự tiết những chất dẫn truyền thần kinh trung gian, những nội tiết tố nội sinh cần thiết. Châm cứu có thể bổ “thận” (tăng sức khỏe toàn thân, sức đề kháng, tăng cường hệ miễn dịch…), kiện tỳ (bồi bổ cho hệ tiêu hóa để ăn ngon miệng hơn, tiêu hóa tốt hơn), an thần định chí (làm mạnh, làm yên ổn hệ thần kinh, ngủ ngon giấc). Châm cứu cũng có thể giải tỏa stress, làm thay đổi “tình chí” (trạng thái tinh thần của người bệnh), giúp cho bệnh nhân vui tươi, lạc quan hơn.
Xoa bóp day bấm huyệt đúng cách, đúng chỉ định cũng phát huy tác dụng tốt đối với bệnh nhân trầm cảm. Ngoài ra phương pháp tự xoa bóp rất cần thiết cho tất cả mọi người, đặc biệt là những bệnh nhân bị suy nhược thần kinh, trầm cảm… Khi chúng ta bị căng thẳng do công việc hay bệnh lý, rất nhiều vùng trên cơ thể căng cứng, co cơ, thiếu máu, đau nhức… Những triệu chứng này góp phần làm nặng thêm sự căng thẳng thần kinh vốn có của bệnh nhân. Chỉ cần tự mình xoa bóp hay day ấn một số vùng, một số huyệt cũng làm giảm đau, giảm co cơ, làm thư giãn hệ thần kinh… Tự xoa bóp là một phương pháp rất tiện lợi, đơn giản, không tốn tiền, không mất thời gian và có thể thực hiện bất cứ lúc nào thấy cần.
Cuối cùng là phương pháp dùng thuốc. Nếu thầy thuốc chẩn đoán chính xác thể bệnh và đề ra một bài thuốc phù hợp thì tác dụng điều trị bệnh trầm cảm rất hiệu quả.
Điều trị bệnh trầm cảm theo Đông y là một phương thức điều trị tổng thể. Thầy thuốc ngoài chuyện am hiểu về bệnh tật, còn phải tâm tình với người bệnh để cho họ bộc lộ hết những uẩn ức, những đau khổ, mặc cảm, sợ hãi… tích chứa trong người họ năm này qua năm khác và gây ra trầm cảm. Khơi gợi rồi tìm cách giúp cho bệnh nhân giải tỏa, buông bỏ những cảm xúc âm tính này. Giải thích cho họ hiểu rõ hoàn cảnh của mình là chẳng có gì ghê gớm cả, chẳng qua là cách nhìn của chính họ thôi; muốn khỏe mạnh thì chỉ cần thay đổi cách nhìn, cách cảm nhận về hạnh phúc và khổ đau. Điều đó rất quan trọng và cần thiết.
B.S Lê Hùng
Theo Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn online