Dù cho có bị ảnh hưởng bởi nền công nghiệp hóa, nhưng may mắn vẫn còn rất nhiều người ý thức được việc chọn lựa đồ ăn thức uống.

Phong trào dinh dưỡng

Cách đây vài năm, đối với người dân Việt, khái niệm về “dinh dưỡng thông minh” còn rất mập mờ. Rất ít người biết “Dinh dưỡng thông minh (Smart nutrition) là một phong trào trên thế giới nhằm mục đích hướng dẫn mọi người ăn uống hợp lý khoa học, chỉ dùng những gì bồi bổ cần thiết cho cơ thể và không dùng những gì có hại cho sức khỏe. Phong trào dinh dưỡng thông minh có liên quan mật thiết đến hai chương trình: biểu tượng dinh dưỡng đĩa thức ăn của tôi (My Plate) và thực phẩm hữu cơ (organic food)”.

Có lẽ vì chưa hiểu, hoặc không hiểu “dinh dưỡng thông minh” là gì nên hễ ngồi vào bàn ăn là mọi người lại ăn uống một cách vô tư thoải mái mà không hề nghĩ, không hề biết loại thức ăn ấy có tác dụng gì, ăn nhiều thì tốt hay ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. May mắn, nhận thức ấy giờ đây đã dần thay đổi theo chiều hướng tích cực. Mọi người chú trọng hơn đến khẩu phần ăn, họ chú ý lựa chọn cho mình một chế độ dinh dưỡng hợp lý tốt cho sức khỏe, phù hợp với thể trạng và đặc biệt là phải an toàn vệ sinh thực phẩm.

Chị Thu Minh, nhà ở Q. Bình Thạnh nói rằng dù không đi làm, hàng ngày ở nhà chị chỉ lo mỗi việc cơm nước cho chồng cho con, nhưng e rằng thiếu hiểu biết, không lo nổi bữa ăn gia đình chu đáo, chị lên mạng tra cứu và đọc rất nhiều tài liệu liên quan đến dinh dưỡng, ẩm thực và nhận ra rằng không chỉ các bà nội trợ mà hầu như tất cả các ông, các bà ở mọi lứa tuổi đều quan tâm đến vấn đề dinh dưỡng.

Các bạn trẻ thì quan tâm đến chế độ dinh dưỡng thiện sắc vóc, các ông bà tuổi trung niên quan tâm đến chế độ dinh dưỡng chống lão hóa; các chị em đang mang thai và cho con bú, vì lo cho tương lai con em, lo cho sự phát triển khỏe mạnh và trí thông minh của trẻ nắm bắt rất rõ vai trò của từng loại vitamin và khoáng chất mà bổ sung kịp thời trong từng giai đoạn mang thai; các ông bà cao tuổi thì chú ý đến chế độ dinh dưỡng hợp lý để có được sức khỏe tốt và phòng tránh bệnh tật.

Các loại thực phẩm mà các ông bà lựa chọn thường dễ hấp thụ, dễ tiêu hóa, đảm bảo đủ chất đạm nhưng không quá nặng nề đối với đường tiêu hóa. Hơn ai hết, các ông bà đều hiểu rằng ở cái tuổi “gần đất xa trời” này không có gì quý hơn sức khỏe, trong khi đó những bệnh về tim mạch, máu nhiễm mỡ, bệnh tiểu đường, cao huyết áp… luôn kề cận các ông bà cao tuổi. Bữa ăn của người già thành thị giờ đây rất ít thịt, thay vào đó là các loại cá chế biến theo phương pháp hấp, luộc hạn chế chiên, xào nhằm đảm bảo hàm lượng vitamin và khoáng chất. Các chất đường, muối, béo, rượu bia cũng chỉ loáng thoáng trong mỗi bữa ăn.

 

Phong trào dinh dưỡng thông minh liên quan mật thiết đến các loại thực phẩm hữu cơ xanh sạch.

Xa dần thực phẩm công nghiệp

Đúng là cùng với quá trình công nghiệp hóa hiện đại hóa của đất nước, cuộc sống người dân đặc biệt ở khu vực thành thị cũng thay đổi từng ngày. Tiến trình đô thị hóa tạo công ăn việc làm và nhiều cơ hội phát triển, làm cho người ta bận rộn hơn, thời gian dành cho ăn uống cũng cần được rút ngắn. Do vậy, thị trường thực phẩm công nghiệp, thức ăn chế biến sẵn nhờ đó có điều kiện để ra đời, ngày càng phong phú và trở nên không thể thiếu đối với cuộc sống. Hơn nữa, việc mở rộng giao lưu của thị trường hàng hóa với các nước trên thế giới cũng giúp người dân thành phố có điều kiện tiếp xúc nhiều hơn với những sản phẩm công nghiệp đa dạng và hấp dẫn.

“Giới công chức văn phòng như chúng tôi không có nhiều thời gian nghỉ trưa nên thường… đánh nhanh rút gọn bữa trưa do đó nếu hỏi rằng việc ăn uống có bảo đảm “dinh dưỡng thông minh” không thì làm sao mà trả lời là có được. Ngay cả chiều tối về nhà, mỗi mình thuê nhà trọ, nấu ăn cũng nhác. Vậy là ngày 3 bữa sáng, trưa, chiều đều là cơm hàng cháo chợ. Nếu không ra hàng quán thì pha đại gói mì tôm, gói bún hay gói phở ăn cho xong. Thử hỏi, chỉ một gói mì thôi thì làm sao có thể duy trì cân bằng giữa calo, đạm, mỡ, sinh tố và khoáng chất.

Tuy nhiên, để bổ sung dưỡng chất thiết yếu, mỗi tuần ghé siêu thị tôi cũng “khuân” về nhà rất nhiều loại hoa quả tươi, bỏ tủ lạnh ăn dần mỗi ngày”. Anh Tuấn Anh, nhân viên một công ty chứng khoán chia sẻ.
“Tiện thì có tiện, song chúng tôi cũng lo lắng cho sức khỏe của mình. Phải công nhận sức mạnh của truyền thông khiến chúng tôi e dè hơn với các loại thực phẩm đóng gói sẵn. Rõ ràng dù chúng có hấp dẫn, bắt mắt thật song 99% sản phẩm đóng gói sẵn bày bán ở thị trường nước ta đều chứa phụ gia, mà đã là phụ gia thì có bao giờ tốt cho sức khỏe.

Các chị em trong văn phòng chúng tôi đang có xu hướng chuyển dần từ bữa cơm công nghiệp sang bữa cơm gia đình. Sáng sáng, mỗi người chuẩn bị một hộp cơm mang theo ăn trưa. Vừa tiện lợi, vừa tiết kiệm mà vẫn đảm bảo đủ các nhóm chất đạm, béo, khoáng, vitamin và nước”, chị Tuyết Trinh – nhân viên một công ty truyền thông nói thêm.

Nhấn mạnh về khía cạnh dinh dưỡng & sức khỏe vấn đề này, BS Đào Thị Yến Thủy – TT dinh dưỡng TPHCM có nói: Xét về giá trị dinh dưỡng, các thực phẩm công nghiệp hầu hết là có giá trị tương đối khá và các chất dinh dưỡng trong thực phẩm đều được bảo tồn trong điều kiện bảo quản đạt tiêu chuẩn theo yêu cầu của nhà sản xuất.

Tuy nhiên, do các loại thực phẩm này được chế biến dạng nấu chín hoặc muối mặn để diệt trùng, tăng thời gian bảo quản và hạn chế nhiễm trùng, nên cần quan tâm hàm lượng muối và chất bảo quản trong thực phẩm. Xúc xích, giò, chả, đồ hộp và nhất là các thực phẩm ăn liền như mì ăn liền, cháo – phở – hủ tíu ăn liền rất thuận tiện để chế biến thành một bữa ăn nóng sốt và ngon miệng, nhưng hãy cảnh giác với lượng muối ăn khá cao trong gói bột nêm.

Nếu bạn bị cao huyết áp, suy tim, suy thận, phù… thì nên hạn chế dùng gói bột nêm này, có thể dùng nửa gói hoặc chỉ để một ít vào tô mì, hạn chế ăn đồ hộp, xúc xích, hột vịt muối… tối đa 1 lần mỗi tuần với người có bệnh, người khỏe mạnh có thể ăn 2 – 3 lần mỗi tuần với số lượng vừa phải; các thực phẩm như phomai, lạp xưởng, patê, thịt hộp… chứa khá nhiều chất béo động vật (cũng nhiều cholesterol) cần lưu ý nếu bạn bị tăng mỡ máu, cao huyết áp, xơ mỡ động mạch, tiểu đường…

Thay cho lời kết

“Đĩa thức ăn của tôi” theo khái niệm “dinh dưỡng thông minh” khuyến cáo mọi người khi ngồi vào bàn ăn nên chia đĩa cơm thành bốn phần, lưu ý đòi cho bằng được phân nửa đĩa cơm là rau và trái cây đủ màu sắc xanh đỏ tươi vui, bên cạnh đó là màu tím của chất đạm nhưng nên ăn ít đạm động vật bốn chân như heo bò và thay bằng nhiều đạm… hai chân như gà vịt hay… không chân như cá tôm là tốt nhất. Ngoài ra còn một góc tư màu cam là ngũ cốc bao gồm các hạt nguyên như gạo lứt, đậu nành, đậu đỏ đậu đen, không nên dùng hạt chế biến vì bỏ mất nhiều sinh tố và muối khoáng. Bên cạnh đó nên dùng các sản phẩm sữa như sữa tươi, bơ, phó mát, yahourt và sữa đậu nành.

“Thực phẩm hữu cơ” hay còn gọi là thực phẩm sạch xanh là loại thực phẩm sản xuất bằng phương pháp hữu cơ không dùng thuốc trừ sâu hay phân bón hóa học, cũng không xử lý bằng tia xạ hay chất phụ gia hóa học và được chứng nhận phù hợp với tiêu chuẩn của từng quốc gia. Từ năm 2000, nhiều trường học và bệnh viện ở các nước Âu Mỹ bắt buộc sử dụng thực phẩm sạch xanh trong bữa ăn cho học sinh. Trong số các thực phẩm sạch xanh có dòng thực phẩm chức năng cũng ngày càng được người dân Âu Mỹ tin dùng.

Trong trường hợp hy hữu, phải dùng đến thực phẩm công nghiệp đóng gói sẵn thì chỉ nên dùng các sản phẩm của các hãng có uy tín lâu đời, có giấy chứng nhận đã qua kiểm nghiệm. Các thực phẩm sạch xanh của Âu Mỹ hay Nhật thường trải qua qui trình sản xuất nghiêm ngặt an toàn nhưng hầu hết còn quá mắc, chưa phù hợp với túi tiền người Việt Nam. Hi vọng trong tương lai gần sẽ có nhiều nhà máy sản xuất thực phẩm sạch xanh của Việt Nam đạt chuẩn quốc tế cho người tiêu dùng”, Bác sĩ Đào Ty tách – Giám đốc phòng khám đa khoa Thiên Phước đưa ra kết luận.

 

Nguồn: Tạp Chí Thời Trang Trẻ

Bệnh viện Hạnh Phúc
Bệnh viện Hạnh Phúc