Góc ký ức của người đàn ông rắn rỏi này là nếp nhà rường Huế dường như đang lùi dần vào dĩ vãng. Nơi những nếp sống ý nhị thấm đẫm qua từng bậu cửa, viên đá thuở ông nội và cha của ông đã khởi xướng, đến đời ông là người tự nhận trách nhiệm gìn giữ. 

Nhà tiếp khách có bốn bề mở thoáng, tạo điểm dừng chân đầu tiên

Góc ký ức ấy không xa xăm, mà hiển hiện chân thật mỗi ngày bằng những chạm khẽ vào từng thớ gỗ thớ đất, để dẫn ông trở thành một nghệ nhân, dù ông chưa bao giờ tự nhận.
Góc ký ức để ông ra vào mỗi ngày chính là nếp nhà này. Nhỏ nhắn thôi, mấy khoảnh nhà rường quây quần trong sân, len lỏi sau cây lá, được gia chủ khéo sắp đặt theo đúng tinh thần cha ông căn dặn: khiêm nhường, tinh tế, ý nhị.

Khung cổng gạch cũ khép mình cuối lối vào hẹp, không bảng tên số nhà chi cả, và khi hỏi đến thì ông tạm gọi tên là Thả Om, cái tên nghe lạ tai với người ngoài, nhưng với dân Huế gốc thì nghe qua có thể hiểu câu chuyện. Đó là thời điểm những chính biến cung đình xảy ra, một gia đình tầng lớp quý tộc thất sủng trở nên sa sút, phải tự mình vo gạo nấu cơm, hay có bữa trong nồi chỉ còn khoai luộc, mang ra bờ sông rửa bớt đất bụi lúc chạng vạng, lỡ gặp người quen hỏi đi mô làm chi thì nói “ta đi thả om (*) chơi vui thôi!”. Rồi “các mệ” lòng đầy kiêu hãnh cười hề hề nhìn theo cái nồi đất có đốt đèn bên trong lập lòe trôi sông xa dần…

Ông bảo, chắc ông cũng học nếp người xưa, thà chấp nhận sĩ diện thả om mà nhịn đói, chấp nhận không nhiều lợi lộc mà tâm nhẹ nhàng, chứ không thỏa hiệp đưa vào kinh doanh khu nhà rường độc đáo của mình theo kiểu “bán vé thu tiền” mà khai thác cạn kiệt di tích trong bối cảnh các ngành du lịch, bảo tồn và văn hóa chưa thực sự có những liên kết phối hợp hiệu quả và bền vững.

Thế nhưng với những ai thấu hiểu và thực sự yêu quý di sản nhà rường Huế tìm đến, ông đều bỏ cả buổi ra tiếp đón, giải thích cặn kẽ, chia sẻ những kinh nghiệm giữ gìn và chế tác từng viên ngói, từng mộng gỗ nhà rường. Ngược lại thì… thôi vậy, ông bận lắm, gỗ đá vẫn ngổn ngang ngoài sân trong vườn chờ tay ông kia kìa.

Và chúng tôi, trong buổi chiều muộn hôm ấy, may mắn được ông dành chút thời gian để dẫn đi tham quan toàn bộ khu nhà này, hiểu thêm thật nhiều về cung cách tạo dựng, ăn ở xưa kia, nơi mà những hình ảnh trong ánh sáng chạng vạng chụp được không thể diễn tả hết những giọt mồ hôi của người thợ thủ công tài hoa – người chủ nhà đã bỏ ra bao năm gìn giữ tôn tạo. Nơi ấy nhà vịn người, người vịn nhà, nương tựa vào nhau mà sống.
Để cho một nếp nhà vườn Huế còn lưu dấu thời gian trên những phiến đá xanh rêu bên thềm lại được bừng sáng lên mỗi ngày.
(*) Om: cái nồi đất

Qua khung cổng phủ dây leo là một bình phong bằng đá với chút điêu khắc Chăm như lưu lại chút dấu tích miền đất Thuận Hóa xưa

Hành lang dẫn lên nhà chính với những ghế ngồi nghỉ trông ra vườn tược

Khối nhà chính theo đúng truyền thống có sân trước, hồ bán nguyệt và khoảng thềm dài rộng đón gió đông nam 

Những góc để ngồi chơi dường như hiện diện khắp nơi, như trải lòng hiếu khách với sỏi đá, cỏ cây

Chỗ cho khách rộng thoáng, chỗ ngủ gia chủ giản đơn, biểu hiện cách ứng xử khiêm nhường trong nếp nhà truyền thống

Và đây là khu vệ sinh, với hồ tắm hầu như lộ thiên được chế tác từ sỏi đá tự nhiên

Ngăn cách với nhà bên thực sự chỉ ước lệ: một tường thấp, một giậu xanh với chum vại giản đơn

 

 

Bài KTS Song Nguyên ảnh Hoàng Dưỡng

Theo TC Kiến Trúc & Đời Sống

Bệnh viện Hạnh Phúc
Bệnh viện Hạnh Phúc