Có một câu chuyện kể rằng: Khi ông Trời bắt đầu tạo ra người cha đầu tiên trên thế gian, ngài chuẩn bị sẵn một cái khung thật cao, để sau này lũ trẻ sẽ biết lấy ai làm tầm cao mà vươn tới. Ngài nặn đôi bàn tay người cha to và thô ráp, để dìu dắt bọn trẻ qua mọi sóng gió, cho tới lúc chúng trưởng thành. Nặn người cha với đôi vai rộng, lực luỡng, để lấy chỗ gánh vác cả gia đình. Ngài cho tạo vật ấy ít nói, nhưng mỗi lời phát ra là một lời quyết đoán. Tuy đôi mắt của người cha nhìn thấu mọi việc trên đời, nhưng lại bình tĩnh và bao dung. Cuối cùng khi đã gần như hoàn tất công việc, ông Trời thêm vào khóe mắt người cha vài giọt nước mắt. Nhưng sau một thoáng tư lự, Ngài lại lau chúng đi, thành ra người đời sau không mấy khi nhìn thấy được những giọt lệ hiếm hoi của người cha, mà chỉ có thể cảm nhận được… 1. Trong vạn vật, sự sinh sản giúp duy trì và phát triển sự sống của giống loài. Cây cỏ nở hoa có nhị (đực) và nhụy (cái), nhờ gió, nhờ các loài ong bướm và côn trùng mà phối hợp với nhau kết thành trái. Loại truyền giống này không có tình yêu, vì sự thụ phấn xảy ra rất vô tình.

Động vật có trống và mái, con đực chỉ làm nhiệm vụ truyền giống trong chu kỳ động dục của con cái mà không có tình yêu. Có thể con mái cũng có tình mẫu tử trong thời gian nuôi con (chim mẹ tha mồi về mớm cho con chim non, “cá chuối đắm đuối vì con”, “dữ như chó đẻ” để bảo vệ con). Loại động vật sống theo bản năng.

Con người không vô tâm vô tình như cỏ cây, muông thú. Gia đình được xây dựng qua tình yêu giữa người nam và người nữ, trải qua nhiều giai đoạn tìm hiểu và nhiều thử thách. Đời sống vợ chồng là đời sống vì tình yêu, và tình dục để chia sẻ lạc thú chính đáng, nâng đỡ lòng chung thuỷ trong cuộc sống lứa đôi, để chung tay nuôi dạy con cái. Trong mô hình thiết kế của Tạo hóa, chỉ có gia đình nhân loại mới có “chủ nhân ông”. Đó là NGƯỜI CHA. Với vai trò là chồng là cha, nếu không chung thủy keo sơn, không chu toàn bổn phận với vợ con, người đàn ông sẽ chỉ giống như loài động vật giống đực trong bầy đàn. 

 

2. Khắp Đông Tây kim cổ, hầu như họ của đứa con thường được lấy theo họ cha: đây là một điều vô cùng quan trọng và thiêng liêng. Thời cách đây không xa lắm, những phu phen, nô lệ hoặc tù nhân không có họ tên, chỉ có số thứ tự. Từ cái họ tên khai sinh, đứa con sẽ có ý thức về mình, rằng nó không phải là một con người vô danh. Đó là nền tảng cho con người được tự do và có nghĩa vụ, có tự trọng và danh dự, có hoài bão và quyết tâm.

 

3. Đời sống của người cha không bị giới hạn nhờ đứa con. Người cha khi có con sẽ biết sống có trách nhiệm hơn, vì còn nghĩ đến đời sau – hiểu theo cả nghĩa huyết thống (thế hệ kế tiếp) lẫn nghĩa tâm linh (đời sống tiếp theo sau cái chết của mình), người cha cũng yên tâm hơn khi những di nguyện, những công trình dang dở của mình được con cái làm tiếp. Cứ thế mà cha truyền con nối. Trong truyện “Ngu Công dời núi” ở sách “Liệt Tử” của Trung quốc (do nhà triết học Liệt Ngự Khấu viết vào thế kỷ thứ bốn, thứ năm trước Công nguyên), ông lão họ Ngu 90 tuổi đã có lời rằng: “Tôi tuy sắp chết, nhưng tôi còn có con trai, con trai tôi chết, còn có cháu, con cháu đời đời truyền cho nhau, vô cùng vô tận. Đất đá trên núi dọn đi chút nào thì ít đi chút ấy, không thể mọc thêm được. Chúng tôi ngày nào, tháng nào, năm nào cũng dọn, làm sao không thể dọn nổi ngọn núi?”. Câu nói dời non lấp bể cùng từ chuyện này mà ra.

 

 Theo truyền thống Việt Nam, vai trò của người cha được đề cao bên cạnh người mẹ. Trong kho tàng tục ngữ, ca dao, dân ca, người cha luôn được đặt ở vị trí cao nhất trong gia đình khi còn sống hay khi đã khuất.

Đã là người Việt Nam, ai cũng thuộc nằm lòng câu ca dao:

Công cha như núi Thái sơn,

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra…

Một lòng thờ mẹ kính cha

Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.

Cho dù sau này đứa con đã trưởng thành, thành danh, thành tài và thành nhân, thì cái bóng Thái sơn của cha vẫn che dọc đường đời con đi.

Câu thành ngữ quen thuộc Cha sinh mẹ đẻ, là người xưa có ý nói: cha bao giờ cũng trước mẹ, nếu không nhờ có cha gieo hạt mầm sự sống vào cung lòng của người mẹ, thì làm gì có ngày mẹ đơm hoa kết trái?

Cha là người thầy dạy đạo đức cho con cái, là tấm gương cho con cái noi theo. Dân gian thường hay nói: Rau nào sâu nấy, Cha nào con nấy, Đời cha ăn mặn, đời con khát nước, Sóng trước chảy đâu, sóng sau đổ đấy, Con nhà tông, không giống lông cũng giống cánh,… Thiếu vắng bóng dáng của người cha trong gia đình, những người con sẽ cảm thấy hụt hẫng và mất đi một chỗ dựa rất lớn nên tục ngữ có câu: “Con không cha như nhà không nóc” (những gia đình mà cha không làm gương, thậm chí trở thành “gương mù” cho con cái thì chẳng khác nào Nhà dột từ nóc). Ông bố dạy con trai biết bảo vệ, che chở cho mái ấm gia đình và dạy con gái sự can đảm để vượt qua những thử thách cam go. Cuộc đời của cha là cả một bài học cho các con.

 

Nhờ có người con trai nối dõi tông đường, dòng dõi được tiếp nối (phương Tây có nơi đặt tên con trai theo tên của ông nội, người cha là cái gạch nối giữa đời ông và đời cháu, giữa quá khứ và tương lai), từ đó dòng chảy lịch sử của dòng tộc được duy trì, rồi mới  hình thành nên nước nhà. Chả thế mà trong tiếng Anh, từ “Fatherland” để chỉ mảnh đất của cha, cao hơn nữa là quê cha đất tổ.

 

Không cần những giọt nước mắt, vì người cha có một trái tim nhân từ. khiêm nhường, luôn hy vọng, đầy lòng trắc ẩn, can đảm, luôn dám chịu gian khổ hi sinh và giàu lòng quảng đại “Tất cả những gì của cha đều dành cho con”. Một người cha  không phải hết sức nghiêm khắc, chỉ trách phạt mà là mộtngười cha  yêu thương tha thứ với sự công bằng. Vì đó là NGƯỜI CHA.

 

Nguồn: Th.S BS Nguyễn Lan Hải- Cố Vấn Hội Quán Các Bà Mẹ
Bệnh viện Hạnh Phúc
Bệnh viện Hạnh Phúc